Người thợ thủ công đang thực hiện một khâu trong việc hoàn thiện ngôi nhà "Đám mây".
Đây là lần đầu tiên Hà Nội có một triển lãm như vậy, cho nên thợ thủ công từ các làng nghề có gian hàng tham gia triển lãm đã bắt tay vào chuẩn bị cho gian hàng của mình thật đẹp, thật đặc biệt.
Bà Nguyễn Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết: “Triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng tiêu biểu, thiết kế mới của các làng nghề của Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thể hiện sự sáng tạo, bản sắc riêng cho từng sản phẩm; tăng cường và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn quan trọng góp phần quảng bá thu hút đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước đến Thủ đô, nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm của các doanh nghiệp và làng nghề để sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu, tạo cơ hội để du khách quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối trong và ngoài nước tiếp cận về các sản phẩm mang thương hiệu OVOP Việt Nam”.
Triển lãm được thiết kế thành các khu không gian làng nghề truyền thống Hà Nội, gồm mây tre lá, gốm sứ, sừng, lụa, đan móc, sơn mài, đồ gỗ, túi xách… và một khu trưng bày đặc biệt dành cho các sản phẩm của các địa phương trên toàn quốc đã và đang thực hiện chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.
Mô hình ngôi nhà "Đám mây" của làng nghề Phú Vinh.
Đến làng nghề Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), các thợ thủ công tham gia dàn dựng mô hình ngôi nhà “Đám mây”, được tạo nên từ hàng nghìn chiếc giỏ mây tre đan, các tấm đan hình vòm cung. Một nhóm thợ chừng gần 20 người đang hối hả thực hiện công đoạn cuối cùng của công trình “Đám mây”. Một người thợ ở đây cho biết, các thành phần tạo nên ngôi nhà như giỏ mây, các tấm đan… đã được những người thợ thủ công Phú Vinh chuẩn bị từ cách đây vài tháng, theo đúng thiết kế và yêu cầu của công trình. Đây là lần đầu tiên sản phẩm mây tre đan Phú Vinh tham dự một triển lãm quy mô lớn như vậy, và công trình “Đám mây” cũng mang theo mong muốn của những người thợ là giới thiệu những sản phẩm tinh xảo của làng nghề mình đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Cũng ở làng nghề Phú Vinh, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, ba đời làm nghệ nhân cũng đang hối hả chuẩn bị các sản phẩm tinh xảo nhất của mình đem đi triển lãm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: “Triển lãm là cơ hội để chúng tôi gặp gỡ, kết nối với các bạn hàng, đối tác, khách hàng mới”. Sản phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh rất đa dạng, và ông dự định sẽ mang đi những sản phẩm đắt giá, được xuất khẩu sang Nhật Bản để giới thiệu, như bộ chao đèn, bình mây, hộp đựng…
Thợ thủ công ở làng Thụy Ứng làm đồ phụ kiện, trang sức.
Làng nghề sừng truyền thống Thụy Ứng (xã Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội), ở xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Xuân Huy - Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống Lược sừng Thụy Ứng, công nhân cũng đang hoàn thành những khâu cuối cho các sản phẩm chuẩn bị mang đi triển lãm. Không chỉ đơn giản là lược sừng, những sản phẩm trang sức, phụ kiện từ sừng đem đến sự ngạc nhiên cho khách tham quan.
Các mẫu trang sức được làm theo thiết kế và đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài tại cơ sở của anh Vũ Thanh Liêm.
Được biết, làng nghề sừng Thụy Ứng đã được nhiều hãng thời trang tên tuổi trên thế giới đặt sản xuất phụ kiện, đồ trang sức… Doanh nghiệp của anh Vũ Thanh Liêm là một trong những cơ sở được đặt hàng như vậy, với lược sừng bán sang thị trường Nhật Bản với giá khoảng hơn 700 nghìn đồng Việt Nam, vòng đeo cổ do Hermes đặt được rao bán trên trang ebay giá lên tới hơn 10 triệu đồng Việt Nam… Những sản phẩm này cũng đang được nhanh chóng hoàn thiện và đem đi giới thiệu tại triển lãm OVOP.
Tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, ông chủ Đỗ Hùng Chiêu (ảnh trên) của cơ sở sơn mài mỹ nghệ Chiêu Hà (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) hào hứng giới thiệu với khách tham quan các tác phẩm tranh sơn mài mà ông ưng ý nhất, được cẩn bằng vàng ta, vẽ phong cảnh phố cổ Hà Nội, làng quê Bắc Bộ và miền núi phía bắc. Ngoài ra, nhiều sản phẩm sơn mài của gia đình ông đã vượt ra khỏi khuôn khổ màu sắc cũng như hình khối truyền thống của sơn mài, có tính ứng dụng cao, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Những sản phẩm này sẽ sớm có mặt tại khu vực làng nghề sơn mài của triển lãm OVOP.
Các sản phẩm sơn mài mẫu mã đa dạng và tính ứng dụng cao.
Đây là lần đầu tiên các làng nghề ở Hà Nội tham gia một triển lãm như vậy. “Mỗi làng một sản phẩm”. Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Vietcraft cho biết, năm nay có sự thay đổi về tư duy của nhiều địa phương, nhiều nơi đã nhận ra tầm quan trọng của việc giới thiệu sản phẩm cho nên đã đăng ký từ rất sớm. Các nhóm hàng thủ công tham gia triển lãm đều là hàng xuất khẩu. Các sản phẩm tại triển lãm đều không chỉ mang tính mỹ thuật mà còn mang tính ứng dụng rất cao, có những sản phẩm rất mới, chưa từng thấy bao giờ. “Chủ trương của chúng tôi là người Việt Nam được quyền tiêu dùng hàng tốt của Việt Nam. Hàng tốt không chỉ để xuất khẩu, rồi chúng ta lại mua với giá gấp năm, mười lần từ nước ngoài về. Chúng tôi giới thiệu các sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu, nhưng phục vụ cho thị trường trong nước” - ông Lê Bá Ngọc nói.
Nguồn nhandan.com.vn