Tất cả để trân trọng những gì đang có hôm nay, để cùng vun đắp giải đấu này.
Chuyện xưa
Ngồi trên khán đài, nhiều người đã bật câu hỏi rằng giải đấu đầu tiên đã có từ khi nào. Hóa ra, cái điều tưởng như đơn giản ấy lại không dễ tìm lời giải nếu không tìm được những người đã gắn bó với giải từ những ngày đầu tiên.
Nhà báo Thu Tâm – Tạp chí Lý luận trung ương, là người đã đi theo giải đấu từ những kỳ giải đầu tiên với cả tư cách phóng viên đưa tin về giải cũng như vận động viên. Đến giờ, đã ngoài ngũ tuần nhưng chị vẫn là tay vợt nữ hàng đầu trong làng báo Việt Nam nhờ sự bình tĩnh trong cách xử lý bóng và tâm lý thi đấu ổn định.
Chị kể rằng, một trong những người đầu tiên có công trong việc khai sinh ra giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam chính là nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới – cố Nhà báo Hồ Xuân Sơn.
Ông vốn mê bóng bàn nên đã gây dựng nên phong trào tập luyện bóng bàn tại báo Hànộimới, biến nơi đây trở thành một “thương hiệu” mạnh về bóng bàn trong làng báo Việt Nam.
Người ở báo Hànộimới vẫn nhắc lại những kỷ niệm về vị Tổng Biên tập đam mê bóng bàn của mình. Từ việc cứ đến chiều là ông lại cầm vợt vào hội trường để tập luyện bóng bàn. Anh nào cởi trần đánh bóng là lập tức bị mời ra ngoài.
Không chỉ gây dựng phong trào bóng bàn ở cơ quan, khi kiêm thêm nhiệm vụ ở Hội Nhà báo Việt Nam, cố nhà báo Hồ Xuân Sơn cũng đề xuất tổ chức một giải bóng bàn dành cho làng báo Việt Nam. Từ đây, giải Bóng bàn cúp Hội Nhà báo Việt Nam lần đầu tiên đã được tổ chức vào năm 1994 tại Hà Nội. Lúc ấy, không có nhiều tờ báo nên số vận động viên cũng không nhiều, chỉ khoảng 15-20 đơn vị với trên dưới 100 tay vợt dự giải.
Thế nhưng tính chất gay cấn trong mỗi cuộc đấu vẫn luôn hiển hiện. Những kỳ giải đầu tiên là cuộc chơi của những tay vợt như Quang Đẩu, Mạnh Hùng (báo Quân đội nhân dân) hay Thu Tâm, Huỳnh Dũng Nhân. Giải được tổ chức liên tục đến năm 1998 với những cuộc đấu cả ở Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh. Thế rồi, giải bị gián đoạn.
Phải đến năm 2003, giải mới được khôi phục. Lại là những cuộc đấu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với chu kỳ tổ chức 2 năm/ lần. Lúc này, xuất hiện thêm nhiều tay vợt mạnh trong đó có Trang Dũng (báo Công an nhân dân), Vinh Hiển (Lao Động) hay Đặng Ngọc Hải (Hànộimới)…
Đấy là thời của những đội mạnh như Liên Chi hội nhà báo Bộ Công an, Hà nội mới, Đài truyền hình Việt Nam, Thời báo Kinh tế, báo Thể thao Việt Nam… Đây cũng là giai đoạn mà giải đấu mở rộng đối tượng tham dự cho những nhân viên tại các cơ quan báo chí. Nhờ vậy, giải đấu đông vận động viên hơn và giàu tính cạnh tranh hơn.
Câu chuyện về quá trình tổ chức giải như thế nào thì nhiều người cũng rõ. Trong đó, có việc nhà báo Hồ Quang Lợi – một trong số ít vận động viên tham dự giải Bóng bàn cúp Hội Nhà báo Việt Nam từ những kỳ giải đầu tiên, rất mong muốn tổ chức lại giải đấu bóng bàn được nhiều người làm báo yêu thích.
Khi làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam trong vai trò Phó Chủ tịch thường trực, ông đã đóng góp không nhỏ vào việc tổ chức lại giải và đưa giải đấu được tổ chức thường niên thay vì 2 năm 1 lần như trước.
Bên lề giải đấu năm nay, nhà báo Thu Tâm – cũng là vận động viên tại giải, cho rằng lịch sử giải đấu có những lúc thăng trầm nhưng nhờ nỗ lực của những vị lãnh đạo cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đam mê bóng bàn mà đến lúc này giải vẫn được tổ chức. Nghe thì tưởng đơn giản nhưng trong đó là những câu chuyện có thể truyền cảm hứng để người ta vượt khỏi những suy nghĩ tưởng đã đã đến giới hạn.
Tay vợt Phạm Văn Miên – Trần Quang Hòa, Liên chi Hội nhà báo Bộ Công an xuất sắc giành quyền vào Tứ kết (Ảnh: Cao Trung). |
Chuyện nay
Cũng nhờ những giải đấu bóng bàn cúp Hội Nhà báo Việt Nam mà phong trào tập luyện bóng bàn tại nhiều cơ quan báo chí đã phát triển, đặc biệt tại khu vực phía Bắc. Từ đây, một số tay vợt có tiếng trong làng bóng bàn phong trào đã về đầu quân ở các cơ quan báo chí, làm nòng cốt cho phong trào. Quan trọng là số vận động viên này lại được việc nên cơ quan lại được cả đôi đường (về chuyên môn cũng như phát triển phong trào bóng bàn).
Rồi phong trào bóng bàn nói chung ở phía Bắc phát triển mạnh mẽ khiến nhiều tay vợt tại các cơ quan báo chí cũng lên tay thấy rõ. Nhờ đó, tính cạnh tranh tại giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Trong số này, Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an đang trở thành một trong những đội mạnh nhất làng báo Việt Nam nhờ lực lượng đồng đều.
Ngay tại giải năm nay, đội Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an vẫn tiếp tục vững vàng trong hành trình bảo vệ ngôi vô địch đồng đội nam, đơn nam. Ngay tại nội dung đôi nam lãnh đạo, với sự góp mặt của tay vợt Trần Quang Hòa, đội cũng từng bước hiện thực hóa quyết tâm giành huy chương.
Việc đôi Phạm Văn Miên – Trần Quang Hòa giành chiến thắng thuyết phục 3-0 trước đôi Nguyễn Công Đán – Phạm Quý Phương (Hội Nhà báo Hưng Yên) vào chiều 14-9 để vào tứ kết càng khiến hy vọng giành huy chương được củng cố.
Tất nhiên, cũng còn những băn khoăn như việc phong trào bóng bàn của các cơ quan báo chí phía Nam không còn mạnh như trước. Vì vậy ở giải đấu kỳ này, chỉ có một số đội từ phía Nam tham dự. Tuy nhiên, đấy là câu chuyện về lâu dài. Quan trọng nhất là sân chơi cho những người làm báo vẫn được duy trì để hy vọng một lúc nào đó, những người làm báo yêu thích bóng bàn từ khắp cả nước đều có thể góp mặt ở giải đấu này.
Quyết định thêm vòng đấu ở nội dung đồng đội nam Theo quyết định ban đầu, ở nội dung đồng đội nam sẽ chọn đội nhất bảng vào vòng tứ kết. Tuy nhưng, sau khi nhận được ý kiến muốn có thêm cơ hội cọ xát từ các vận động viên, Ban Tổ chức giải đã điều chỉnh, để đội nhì bảng vào vòng sau. Vì thế giải đấu có thêm vòng 2 dành cho 16 đội nhất, nhì ở 8 bảng đấu. Ngay trong chiều 14-9, vòng 2 nội dung đồng đội nam đã diễn ra. Buổi thi đấu chiều 14-9 đã trở nên đáng nhớ khi kéo dài từ 14h00 đến hơn 18h00. |