CÔNG AN BẠC LIÊU
Phát triển du lịch tại vùng ATK Bắc Sơn
Cập nhật ngày: 18-08-2018
Huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) từ đầu thế kỷ 20 đã được các nhà khảo cổ học khai quật, phát hiện nhiều di chỉ, được xác định là cái nôi của người tiền sử với một nền văn hóa cổ xưa gọi là “Văn hóa Bắc Sơn”. Đây cũng là địa danh gắn với cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 và là nơi ra đời đội Cứu quốc quân do Đảng ta lãnh đạo. Hiện nay, vùng đất chiến khu xưa đã có nhiều đổi thay trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch và giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử.


Các cháu thiếu nhi bên tượng đài Khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn).

Đổi thay ở vùng chiến khu xưa

Trở lại Bắc Sơn đúng vào dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi nhận rõ những đổi thay ở vùng đất chiến khu xưa. Quốc lộ 1B - “Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên” thân thuộc trong câu thơ của Tố Hữu, từ TP Lạng Sơn đến thị trấn huyện lỵ Bắc Sơn đã được nâng cấp mở rộng, trở thành huyết mạch lưu thông hàng hóa, nối với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất chiến khu xưa. 5 năm qua, các xã vùng An toàn khu (ATK) của Bắc Sơn đã được đầu tư xây dựng 152 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu và văn hóa, phát huy hiệu quả trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và giúp đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ Dương Công Soạn cho biết: “Với chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước và sự chung tay góp sức của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã chúng tôi và nhiều xã ATK, vùng sâu, vùng xa đã được xây dựng và phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng các dân tộc nơi đây trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, đã có ba xã trong số 12 xã vùng ATK của huyện Bắc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định rõ những tiềm năng, nhất là các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền Bắc Sơn cũng chú trọng thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch với định hướng đưa nơi đây trở thành một điểm đến về nguồn gắn với các di tích, di chỉ khảo cổ về Văn hóa Bắc Sơn, các di tích lịch sử cách mạng về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và đội Cứu quốc quân. Huyện đã lựa chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng, đầu tư hoàn thiện và nhân rộng các mô hình phục vụ khách du lịch. Theo Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Sơn Hoàng Thế Vinh, từ năm 2010, Bắc Sơn vận động nhân dân xã Quỳnh Sơn xây dựng thí điểm Làng văn hóa du lịch cộng đồng và khi đưa vào hoạt động mô hình đã phát huy hiệu quả. Đến đây, khách được tham quan các di tích và trải nghiệm lối sống, sinh hoạt trong những căn nhà sàn truyền thống và ẩm thực độc đáo của đồng bào Tày. Nhiều hộ gia đình trong xã đăng ký tham gia đón khách theo hình thức homestay. Xã thành lập hai đội văn nghệ hát then với khoảng 30 thành viên vừa phục vụ nhân dân, vừa phục vụ du khách. Chính quyền và nhân dân trong xã đang dự kiến cùng chung tay mở đường xuyên xã, liên kết các địa điểm tham quan, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Hằng năm, Quỳnh Sơn thu hút hơn 7.000 lượt khách trong nước và ngoài nước đến thăm, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán và hoạt động sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Từ mô hình này ở Quỳnh Sơn, nhiều xã vùng ATK khác đã học tập, tạo dựng nối tiếp các điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn, trong đó tập trung nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức về du lịch cho nhân dân địa phương. Hiện tại, xã Vũ Lăng là địa điểm có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng của Bắc Sơn. Xã có hai hồ nước ngọt lớn với tổng diện tích hơn 30 ha, xen giữa nhiều đồi, rừng tạo không khí trong lành và hai di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là đèo Thâm Thông - Dập Dị và Nhà truyền thống trường Vũ Lăng. Tại đây đã hình thành một khu du lịch sinh thái cộng đồng với sự liên kết của bảy hộ gia đình tại thôn Tràng Sơn. Anh Nguyễn Văn Tích, đại diện bảy hộ gia đình này cho biết: Qua tìm hiểu, thấy nhu cầu khách du lịch đến đây để đi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức ẩm thực dân tộc, chúng tôi bàn nhau liên kết xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng với sự hỗ trợ tích cực của xã và Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn. Đến tháng 6-2018, chúng tôi đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để làm đường bê-tông, bãi đỗ xe và đang xây dựng ba nhà sàn cùng công trình phụ, phấn đấu hoàn thành trước Ngày kỷ niệm Khởi nghĩa Bắc Sơn năm nay để phục vụ du khách. Dự kiến sau khi đưa vào hoạt động, các hộ gia đình sẽ tiếp tục tái tạo ba khu đồi trong khu sinh thái để trồng hoa sở, hoa hồi, hoa sim và xây thêm hai nhà sàn. Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng Đặng Văn Hội, sau khu du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Tràng Sơn, xã sẽ xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Bản Trăng, với 11 hộ gia đình đã đăng ký tham gia. Việc nhân dân tự nguyện tham gia xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng không những tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế mà góp phần tích cực giúp bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nguồn lực phát triển...

Phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử

Để tiếp tục tạo điều kiện cho Bắc Sơn phát triển, cuối năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt dự toán kinh phí xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cho 12 xã vùng ATK và vùng ATK huyện Bắc Sơn đến năm 2025 (với nguồn kinh phí đầu tư dự kiến hơn 112 tỷ đồng). Theo đó, sẽ xây dựng các xã vùng ATK huyện Bắc Sơn trở thành một trung tâm du lịch lịch sử, văn hóa và du lịch sinh thái của Lạng Sơn và khu vực, xứng tầm là khu di tích lịch sử cấp quốc gia.

Về Bắc Sơn vào dịp tháng Tám này, ở đâu cũng thấy dấu ấn đổi thay. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nhiều di tích được tôn tạo khang trang. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Nguyễn Phục Hà, tỉnh vẫn còn nhiều trăn trở đối với công tác trùng tu tôn tạo các di tích bởi còn nhiều khó khăn, hạn chế như: hệ thống các điểm di tích chưa được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ, quy mô đầu tư xây dựng chưa tương xứng với nội dung, giá trị di tích. Mặt khác, do tác động của tự nhiên và xã hội cho nên nhiều điểm di tích đã bị ảnh hưởng, xuống cấp...

Hiện nay, ngoài di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Bắc Sơn có bốn di tích khảo cổ, 18 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và 12 xã trong huyện được công nhận là xã ATK (thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Trong Bảo tàng Bắc Sơn còn lưu giữ gần 400 hiện vật của các đồng chí lãnh đạo Đảng thời từng sống cùng đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… nơi đây để nhóm lên ngọn lửa Cách mạng. Hằng năm, Bảo tàng Bắc Sơn đón hàng chục nghìn lượt người trong nước và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng. Để công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo các di tích hiệu quả, những năm qua, Bắc Sơn đã nỗ lực huy động các nguồn lực để tu bổ, quản lý và bảo vệ có hiệu quả. Từ năm 1997 đến nay, huyện có 23 điểm và khu di tích được trùng tu, tôn tạo với 34 lượt. Các điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới, đầu tư tôn tạo, xây dựng các bia tưởng niệm, bia ghi dấu sự kiện, cắm biểu tượng, tượng đài chiến thắng để tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa di tích đến với nhân dân. Một số di tích được huyện và cấp cơ sở quan tâm đầu tư, tôn tạo và bảo vệ như: di tích khảo cổ học Hang Dơi (xã Vũ Lễ); di tích lịch sử hang Mỏ Rẹ (xã Tân Hương); di tích Đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ)...

Để phát huy, khai thác cũng như bảo tồn, tôn tạo hiệu quả các di tích, thời gian tới, Bắc Sơn cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác quản lý, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác kiểm kê di sản văn hóa tại các di tích và khuyến khích, huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các di tích đang xuống cấp... Chị Dương Thị Tốt, cán bộ Bảo tàng Bắc Sơn cho biết, hiện tại, một số di tích đã được cắm biển báo, biển bảo vệ và điền tên trên bản đồ du lịch Lạng Sơn, nhưng để phát huy tốt tác dụng và giá trị của các di chỉ, di tích, cần tiếp tục có những đầu tư khảo cổ, nghiên cứu, tu bổ và triển khai thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, nâng cao trình độ cán bộ văn hóa ở các địa phương, lập bản đồ di tích khảo cổ nền “Văn hóa Bắc Sơn”...

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác