CÔNG AN BẠC LIÊU
NSƯT Triệu Trung Kiên “thử thách” sự kiên nhẫn của khán giả
Cập nhật ngày: 5-08-2018
Sau “Vua Phật”, “Hừng đông”, “Thầy Ba Đợi”, những ngày này, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên tiếp tục “trình làng” vở cải lương đề tài lịch sử “Người đi tìm minh chủ”. Khắc họa hình tượng người anh hùng thời loạn – danh sĩ Ngô Thì Nhậm, vở diễn có thời lượng lên đến 2,5h – khoảng thời gian dài kỷ lục cho một vở diễn hiện nay.

Chia sẻ về quyết định này, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho hay, khi đọc kịch bản của thầy Trần Trí Trắc (PGS.TS Trần Trí Trắc), anh rất thíc. Cuộc đời và số phận của danh sĩ Ngô Thì Nhậm có nhiều khúc quanh nghiệt ngã, được  PGS.TS Trần Trí Trắc đề cập dưới ánh sáng của khoa học lịch sử hiện đại, làm sáng rõ cái tầm của nhân vật này cũng như câu chuyện lịch sử ẩn sau những oan khuất. Đặc biệt, vở diễn nhấn mạnh nhấn mạnh quan điểm của ông: kẻ sĩ - người quân tử thờ quốc gia, thờ dân tộc, chứ không thờ vua chúa.

 
Vở kịch lịch sử có thời lượng lên đến 2,5 tiếng

Trong vở diễn, cuộc đời danh sĩ Ngô Thì Nhâm trải qua các thời kỳ của Chúa Trịnh, cả 3 chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Tông, sau đó là triều Quang Trung, nối sang triều Nguyễn với rất nhiều kịch tính. Nếu không chuyển tải khéo, khán giả sẽ bị “rối”. Ê kip đã cố gắng “cô đặc” lại câu chuyện mới có thể “gói gọn” vào thời lượng 2,5 giờ đồng hồ trên sân khấu mà vẫn hấp dẫn khán giả đến phút cuối. 

 
Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Quang Khải đóng vai phản diện trên sân khấu cải lương

Nhưng, làm được điều này, phải cần sự nỗ lực sáng tạo rất lớn từ các thành viên. Cụ thể, phần thiết kế sân khấu của họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng hỗ trợ rất tốt cho đạo diễn. Cách xử lý không gian từ khối lập phương để nghiêng rất hiện đại. 

Họa sĩ không hoàn toàn mặc định không gian mà để phần còn cho đạo diễn tung tẩy. Khối lập phương đó được di chuyển, diễn biến theo từng không gian của vở diễn. Chỉ thay đổi một chút, không gian chuyển rất nhanh từ chỗ nọ sang chỗ kia.

 
Không gian sân khấu hiện đại hơn 

“Người đi tìm minh chủ” tập trung “đánh” vào cảm xúc của khán giả, lôi kéo cảm xúc của họ, nhưng không phải sự thương cảm hời hợt mà phải là sự rung động, lay động từ trong tâm hồn và lương tri của người xem. Trang phục được làm rất kĩ, phải đúng, đẹp, chân thực, không bị lai tạp, có sự đẹp đẽ sang trọng, không phải hào nhoáng loè loẹt. 

 
Vở diễn hấp dẫn khán giả đến phút cuối dù có thời gian dài kỷ lục

Diễn viên cũng có nhiều thay đổi. Nghệ sĩ Quang Khải xưa nay nổi tiếng với các vai diễn chính diện, lần này vào vai phản diện - Đặng Trần Thường. Hay như top 12 diễn viên nữ được sử dụng chung một mẫu phục trang trung tính và là những nhân vật trung tính, có vai trò vô cùng linh hoạt. 

Có khi họ là các cô ca nương, có khi trở thành các kiêu binh, có khi lại là quân giặc. Các nữ diễn viên này vô cùng vất vả. Ngoài vai trò diễn viên múa, họ còn tham gia  chuyển cảnh, làm công việc của hậu đài. Để được “nhuần nhuyễn” trên sân khấu, các cô gái này đã có lúc đều mệt lả vì tập luyện...

Theo: cand.com.vn

Các tin khác