Khu di chỉ Vườn Chuối ngày 19-7.
Kho tàng 3.500 năm tuổi
Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có diện tích khoảng 19-20 nghìn m2, nằm tại dịa phận xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có niên đại tới 3.500 năm, một di chỉ khảo cổ hiếm hoi có niên đại sâu như vậy vẫn còn tồn tại cho đến nay. PGS – TS Nguyễn Văn Huy cho biết, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có giá trị vô cùng độc đáo bởi đây chính là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, qua suốt một quãng thời gian 3.500 năm với các dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Những hiện vật tìm thấy được ở đây vô cùng phong phú, từ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cho đến đồ gỗ.
Hoạt động khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối. Ảnh: Trang Di chỉ Vườn Chuối.
Cách đây một tuần, tại cuộc Tọa đàm khoa học về việc đánh giá và bảo tồn di tích Vườn Chuối do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức, GS -TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết di tích này được khai quật khảo cổ lần đầu vào năm 1969. Tính đến nay, Vườn Chuối đã có tám cuộc khảo cổ với diện tích khoảng 800m. GS – TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều tàn tích động vật như ở đây như xương cốt của voi châu Á, trâu bò… Ngoài ra, những dấu tích liên quan đến nghề đúc đồng ở đây khá đậm đặc như là sỉ đồng, giọt đồng, thỏi đất nung, khuôn đúc bằng đá.
Vò tiền cổ của người dân đào được ở Vườn Chuối. Ảnh: Ông Nguyễn Văn Thắng cung cấp.
GS –TS Lâm Thị Mỹ Dung cũng cho biết, ở Vườn Chuối, các tầng văn hóa có chỗ mỏng, chỗ dày, mặt bằng cư trú có lớp đất sét vàng, được cho là cư dân cổ đã xử lý nền làm nhà; xử lý mặt bằng sinh sống; gia cố đất nung, di tích hố đất đen, dấu tích lò đúc đồng liên quan đến giai đoạn Đồng Đậu.
Ngoài ra, đoàn khai quật còn tìm thấy 28 mộ táng của cư dân văn hóa Đông Sơn, có dấu vết quan tài gỗ. Cách táng cũng đa dạng, đó là mộ chôn người mặt thẳng, đồ chôn, số lượng khá đa dạng, khác nhau cho thấy sự giàu nghèo của cư dân thời đó. GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, một số mẫu xương đã được đoàn khảo cổ chuyển đi Úc để giám định ADN, xác định chế độ dinh dưỡng… của cư dân thời kỳ này.
Theo PGS – TS Nguyễn Văn Huy, đây là địa chỉ khảo cổ hiếm hoi có tồn tại cả không gian của người sống và không gian của người chết.
“Một địa chỉ như thế này là hiếm hoi và vô cùng quý giá ngay cả ở trên thế giới. Hiếm nước nào lại có một địa chỉ khảo cổ có niên đại sâu và nhiều tầng văn hóa dày như vậy” – PGS chia sẻ.
Di chỉ quý giá nằm sâu 2m dưới phế thải
Thế nhưng, kể từ lần được khai quật đầu tiên vào năm 1969, Vườn Chuối không nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà quản lý văn hóa. Năm 2007, tỉnh Hà Tây (trước kia) đã giao cho Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) dự án xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch với tổng diện tích 145,8 ha bao trùm lên cả khu Vườn Chuối.
Anh Nguyễn Phú Cường, người dân trồng rau ở gần khu vực di chỉ cho biết: “Tôi thấy dự án được giao cho công ty này đã lâu, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đất bị bỏ hoang, để không cả chục năm nay. Thời gian gần đây, một trạm trộn bê-tông được xây dựng phía trong, và người ta đã làm con đường bê tông cắt ngang, chia khu vực di chỉ Vườn Chuối thành hai phần. Con đường bê tông đó cũng đè cả lên di chỉ khảo cổ”.
Phế thải trong khu vực Vườn Chuối.
Anh Cường cũng cho biết, khoảng 10 ngày trở lại đây, đơn vị chủ quản đã ngang nhiên đổ phế thải các loại vào khu vực di chỉ khảo cổ.
“Ở kia chỉ còn dấu tích cũ của dốc Vườn Chuối, là dốc đi từ bờ thửa lên Vườn, vì Vườn Chuối trước kia cao hơn khu vực ruộng này nhiều. Bây giờ đơn vị thi công đã đổ thải lên lấp toàn bộ nửa bên này, những di chỉ cũ nằm bên dưới phải tới 2m đất tính ở phần cao nhất, còn phần nền trũng cũ, thì độ cao đó phải lên tới 4-5m. Vì là phế thải nên vô cùng bẩn và còn có nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống quanh đây” – anh chia sẻ.
Tại khu vực Vườn Chuối, một nửa phía bên kia của con đường bê-tông giáp với ruộng rau bị bao phủ bởi phế thải các loại, bùn đất, rác thải ngập sâu, không còn một dấu tích gì của bãi đất cũ.
Anh Nguyễn Phú Cường, người dân Lai Xá.
Là người gốc ở Lai Xá, anh Cường tự hào về ngôi làng cổ của mình: “Làng tôi là làng cổ ở đây, cả nước chỉ mỗi làng tôi vừa có di chỉ khảo cổ 3.500 năm, vừa có hai bảo tàng (Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên). Trước đây phía bên này cánh đồng là Gò Cổ, bên kia là Dộc Đìa, giáp với Vườn Chuối. Ngày xưa các cụ đi làm ruộng thỉnh thoảng lại nhặt được mấy mảnh gốm, sành, thấy lạ nhưng cũng không để ý, cứ để trên bờ ruộng vậy thôi. Khu vực này đã được Bộ Văn hóa trước đây xin dừng lại để làm di sản. Nhưng sau đó, năm 2005-2007 lại giao cho doanh nghiệp làm khu đô thị và dừng lại bỏ hoang 10 năm nay”.
Anh Nguyễn Phú Cường cũng là người đầu tiên phát hiện ra di chỉ Vườn Chuối bị đổ phế thải và san lấp, và báo với trưởng thôn cũ là ông Nguyễn Văn Thắng. “Là người dân làng Lai Xá, tôi hiểu giá trị lịch sử của di tích liên quan đến ngôi làng của chúng tôi. Vì thế tôi thực sự đau xót khi thấy một địa điểm liên quan đến lịch sử bị vùi lấp như vậy. Tôi mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm và tìm cách gìn giữ nơi này”.
Ông Nguyễn Văn Thắng (ảnh trên), trước đây là trưởng thôn Lai Xá, hiện đang đảm nhiệm vai trò quản lý Bảo tàng Nhiếp ảnh của làng cho biết, từ hồi nhỏ đi làm đồng, ông đã thấy khu này có rất nhiều mảnh sành, gốm vỡ, bà con đi làm đồng nhặt rồi để một bên, hồi đó vẫn chưa biết là gì.
“Khu vực này ngày xưa hay bị sét đánh, và khi nhặt được một số đồ kim khí đồng, người dân hồi đó toàn suy đoán theo hướng kỳ bí như coi đó là lưỡi tầm sét từ trên trời rơi xuống. Cho đến năm 1969, dân làng chúng tôi có thông tin tới cơ quan chức năng về những hiện vật tìm thấy ở đây. Một đoàn các nhà khảo cổ ở Đức đã sang tìm hiểu và kết luận rằng nơi này chứa đựng những nền văn hóa khác nhau trong suốt chiều dài 3.500 năm”.
Ông Thắng nói, "người dân làng Lai Xá rất bức xúc trước sự việc một di chỉ khảo cổ như vậy bị san lấp. Nhiều người cho rằng, thành phố có thể xây nhiều khu đô thị mới, nhưng không có tiền nào làm lại được một di chỉ khảo cổ 3.500 năm. Phát triển kinh tế nhưng cũng phải quan tâm đến văn hóa, mà đây lại là văn hóa liên quan đến cái gốc của mình”. Ông Thắng cũng cho biết, do không có biện pháp bảo vệ, cho nên di chỉ này liên tục bị xâm phạm, đặc biệt vào thời điểm năm 2014 và rải rác trước đó, nạn đào trộm cổ vật xảy ra rất nhiều. Anh Phú Cường cũng xác nhận có những người mang dụng cụ đến thuốn thăm dò và đào trộm cổ vật ở đây.
PGS – TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, hiếm có một nơi nào trên thế giới còn lại một di chỉ khảo cổ niên đại 3.500 năm “mà lại dửng dưng như chúng ta. Đây là một bằng chứng vô cùng quý giá cho lịch sử về người Việt cổ, thậm chí là những cư dân cổ nhất của Hà Nội. Đây nhẽ ra phải là một sự tự hào, chứ không phải để di chỉ khảo cổ lên tiếng kêu cứu như thế này”.
Ngày 11-7, đã có một cuộc Tọa đàm khoa học về việc đánh giá và bảo tồn di tích Vườn Chuối do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức, nhưng người dân cho biết, ngay sau đó đơn vị chủ quản vẫn tiếp tục san lấp. Ngày 17-7, Sở đã đề nghị huyện Hoài Đức khẩn trương kiểm tra hiện trạng của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối và đề nghị giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ, báo cáo gửi về Sở trước ngày 22-7 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. |
Nguồn nhandan.com.vn