Luận thành bại World Cup: Từ thánh Deschamps đến chàng hề Neymar
Cập nhật ngày: 17-07-2018
 
Didier Deschamps trở thành võ lâm bá chủ trong cuộc luận kiếm ở nước Nga 2018, và sau đó lần lượt đến thấp nhất là Neymar.
 
Luận thành bại World Cup: Từ thánh Deschamps đến chàng hề Neymar - Ảnh 1.

HLV Deschamps vừa đưa Pháp giành chức vô địch World Cup thứ 2 trong lịch sử - Ảnh: REUTERS

Deschamps đúng là con người của chiến thắng. Không quá nổi bật cả khi là cầu thủ lẫn khi là HLV nhưng ông có uy tín như những người đã từng vô địch World Cup ở cả hai vị trí trên sân và ngoài đường biên như Mario Zagallo, Franz Beckenbauer.

Sẵn nguồn thực phẩm hảo hạng nhưng nếu đầu bếp dở thì không thể cho ra món ngon. Tương tự như vậy, dù nước Pháp sẵn nguồn tài năng song nếu thiếu tài nấu nướng của Deschamps, họ không thể bước lên ngai vàng bóng đá thế giới.

Deschamps đã nếm trái đắng nhất khi thua trận chung kết Euro 2016 trên sân nhà trước đối thủ yếu hơn. Ông học được từ thất bại đó, ông xây dựng công thức chiến thắng và đội tuyển chiến thắng của riêng mình.

Pháp vượt qua đội có ngôi sao sáng nhất (Argentina), đội phòng thủ tốt nhất (Uruguay), đội tấn công tốt nhất (Bỉ), đội kiên cường nhất (Croatia).

 

Cả Pháp, Croatia, Bỉ, Anh đều chiến thắng.

Croatia và Bỉ có vị trí cao nhất trong lịch sử bóng đá của họ. Anh không ngờ tới họ được vào đến bán kết với một đội bóng đầy hứa hẹn. Cả 4 HLV của 4 đội đều là người thắng cuộc.

Một người thắng cuộc khác là Mauricio Pochettino khi CLB Tottenham có 9 cầu thủ dự vòng bán kết nằm trong 3 đội bóng.

Những đội bóng thua cuộc rõ ràng là các ông lớn Đức, Tây Ban Nha, Brazil, Argentina.

11/16 đội châu Âu có mặt ở vòng 1/8, cả 4 đội lọt vào bán kết đều từ châu Âu cho thấy sự thắng thế quá lớn của châu lục này. Châu Phi lần đầu tiên kể từ năm 1982 không có đội nào vượt qua vòng bảng là thất bại.

Về lối chơi, tiki-taka nên được đổi thành taki-taxi: gọi chiếc taxi tiễn đội nào ham cầm bóng về nhà. Cầm bóng nhiều như Đức, Tây Ban Nha không giải quyết được vấn đề gì. Tận dụng tốt nhất các chiều không gian và thời gian như Pháp mới thành công.

Nổi bật nhất mùa World Cup này là lối chơi… taca-dada, tạt cánh đánh đầu. 71/169 bàn thắng, tức 42% số bàn thắng được ghi từ các pha bóng cố định, hơn nhiều so với các kỳ World Cup trước cũng như 5 giải VĐQG hàng đầu trong mùa bóng qua.

15/32 đội dự giải có tỉ lệ số bàn thắng ghi được từ các pha cố định 50% trở lên.

Lý do khiến giải đấu có nhiều bàn thắng loại này? Nhiều đội bỏ lối chơi cầm bóng, tập trung phòng thủ và nhờ vào các pha này để có bàn thắng. Các đội tập luyện các pha này rất nhiều, nhờ khoa học kỹ thuật trợ giúp phân tích, họ thiết lập sự hiệu quả cao khi thực hiện. 

Các đội phạm lỗi nhiều, nhờ công nghệ VAR nên có nhiều quả phạt đền hơn.

Các danh hiệu cá nhân ở giải thuộc về Luka Modric, Kylian Mbappe là xứng đáng. Thủ môn Hugo Lloris rất đáng tiếc lại có pha bóng quá tệ để lọt lưới bàn cuối cùng của giải đấu, và cũng để lọt danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất về tay Thibaut Courtois.

Tương tự như Lloris là N’Golo Kante, cả giải anh chơi rất hay, trừ trận chung kết, khi anh chơi dưới khả năng mình rất nhiều.

Romelo Lukaku và Harry Kane ghi bàn tưng bừng ở vòng ngoài, nhưng đến vòng cược lớn hơn, họ không giơ nổi cánh tay lên để nói với đồng đội rằng "yên tâm đã có tôi".

Kane trở thành vua phá lưới với ba quả phạt đền cộng với một bàn thắng theo kiểu «ai đá bóng vào chân tôi». Mbappe với 4 pha làm bàn từ tình huống bóng sống là tiền đạo hay nhất.

Nói chung đây là một World Cup thất vọng với các chân sút, kể cả Kane và Lukaku, cũng như một loạt người khác Robert Lewandowski, Gabriel Jesus, Timo Werner... và một người quen thuộc: Olivier Giroud, 546 phút trên sân, không một bàn thắng, không một cú sút trúng đích để thủ môn phải cản phá.

Trước giải đấu, cuộc đua đi vào cõi bất tử của Cristiano Ronaldo và Lionel Messi được nói đến rất nhiều. Nhưng đội bóng của họ như những toa tàu chở hàng quá nặng, đầu kéo khỏe như họ cũng thành bất lực.

Ngày nay, không còn bóng đá đường phố với những cá nhân xuất chúng tạo ra sự khác biệt. Mà là bóng đá tập thể với sự trợ giúp đắc lực của khoa học kỹ thuật.

Dù sao thì Ronaldo, Messi, Ozil hay ai đi nữa thì vẫn không thất bại như Neymar, từ một ngôi sao trở thành một chú hề kệch cỡm đến thảm hại, nhiều năm sau, người ta vẫn còn nhớ đến trò hề này.

Luận thành bại World Cup: Từ thánh Deschamps đến chàng hề Neymar - Ảnh 2.

Neymar, ngôi sao tự biến mình thành chàng hề bằng những trò ăn vạ kệch cỡm

Xếp ngược từ dưới lên, sau Neymar sẽ là HLV Jorge Sampaoli, người đánh mất hết cái uy của một HLV đội bóng quốc gia, chưa có HLV nào chạy ra dọc sân hỏi xin sự đồng ý từ cầu thủ trong việc thay người.

Người ta hay nói "Chớ đem thành bại luận anh hùng". Chỉ có một đội thắng cuối cùng nhưng anh hùng ra từ khắp cõi. Có những đội ra về sớm nhưng để lại ấn tượng đẹp trong người hâm mộ như Morocco, Iran, Peru, Hàn Quốc. Senegal chơi hay, thiếu may mắn, bị loại chỉ bởi những cái thẻ phạt.

Iceland là nước nhỏ nhất trong lịch sử có đội bóng dự World Cup, trên 300.000 người, nhưng họ đã ghi dấu ấn bằng thứ bóng đá quả cảm và màn trình diễn vỗ tay «Viking clap» trên khán đài.

Người Panama trên khán đài mừng như vào hội khi đội bóng của họ có bàn gỡ 1-6 trong trận gặp Anh.

Và đội tuyển Nhật Bản chơi tuyệt hay, không một chút toan tính khi thua Bỉ 2-3 ở vòng 1/8 cùng với thái độ sạch đẹp của các cầu thủ và cổ động viên trong phòng thay đồ lẫn trên khán đài sau mỗi trận đấu.

Luận thành bại World Cup: Từ thánh Deschamps đến chàng hề Neymar - Ảnh 3.

Chủ nhà của World Cup 2018 mang lại sự hân hoan cho người hâm mộ

Lãi nhất vẫn là chủ nhà Nga.

World Cup đã giúp Nga tẩy rửa những định kiến về họ của người ngoài. Tất cả những mối lo về an ninh, về phân biệt chủng tộc (điều thường xảy ra khi các đội bóng Nga tiếp các đội bóng nước ngoài) đều tan biến, không vụ việc tiêu cực to tát nào xảy ra.

Dưới sân, màn trình diễn quả cảm như những người lính của đoàn quân Cherchesov mang lại sự hân hoan trải rộng khắp nước Nga, từ Kaliningrad đến Vladivostok. Cảm giác là một nước từ khi liên bang xô-viết tan rã năm 1991 chưa bao giờ hiện hữu một cách vững chắc trong lòng người Nga như bây giờ.

Theo: tuoitre.vn