CÔNG AN BẠC LIÊU
Cổ động viên của châu lục nào chịu chơi nhất World Cup 2018?
Cập nhật ngày: 14-06-2018
Cổ động viên nước nào cuồng nhiệt nhất ở World Cup 2018? Người hâm mộ các nước Nam Mỹ và châu Phi cho thấy họ đang áp đảo các đối thủ châu Âu như thế nào.
Cổ động viên của châu lục nào chịu chơi nhất World Cup 2018? - Ảnh 1.

Ông Miguel và Carlos chụp hình cùng những người dân bản địa - Ảnh: H.Đ

Một ngày trước thềm trận khai mạc, Quảng trường đỏ - khu vực trung tâm của Moscow được phủ kín bởi vô số các sắc màu khác nhau.

Bạn có thể sẽ bị loạn mắt trước một khung cảnh rực rỡ từ sắc cờ vàng xanh của người Brazil, những chiếc mũ Sombrero Charro thương hiệu của người Mexico, hàng trăm tấm khăn hijab của dân Morocco, những món đồ thổ cẩm sặc sở từ Peru hay các banner khổng lồ in hình Mohamed Salah.

Trong một khung cảnh choáng ngợp do các CĐV Nam Mỹ và Phi châu tạo ra, người châu Âu khá… chìm. Tôi không gặp được nhiều CĐV Đức, Anh hay Pháp ở Moscow, có lẽ vì họ bay thẳng đến thành phố diễn ra trận đấu đầu tiên của đội nhà.

Cổ động viên của châu lục nào chịu chơi nhất World Cup 2018? - Ảnh 2.

Các CĐV Brazil được dân địa phương chào đón như ngôi sao - Ảnh: H.Đ

Nhưng về khoản chịu chơi, dân châu Âu xem ra không bằng Nam Mỹ và châu Phi. Ai Cập đá trận đầu tiên ở Yekaterinburg, tương tự là Morocco ở Petersburg, Peru và Colombia ở Saransk, Brazil ở Rostov… nhưng cổ động viên những nước này không ngần ngại dạo qua Moscow một vòng để khuấy động cuộc vui trước thềm khai mạc.

 

Không chỉ vậy, họ còn có những câu chuyện ấn tượng. Trong hàng ngàn cổ động viên, có 3 CĐV thu hút sự chú ý của cánh truyền thống nhất, gồm Miguel Juan Silio, Carlos Alberto người Argentina và Mohamed người Ai Cập. Cả 3 đã đạp xe đến Nga.

Với Miguel và Carlos, 2 cổ động viên ngoài 50 tuổi này bay đến Madrid rồi đạp xe sang Nga với hành trình 4800km trong hơn 70 ngày. Trong khi đó, anh chàng người Ai Cập vượt hơn 3000km, trải 6 quốc gia trong 65 ngày để đi từ Cairo đến Moscow.

Cổ động viên của châu lục nào chịu chơi nhất World Cup 2018? - Ảnh 3.

Anh Mohamed bên chiếc xe đạp đã đồng hành với mình từ Ai Cập đến Nga - Ảnh: H.Đ

"Tôi bắt đầu đạp từ Cairo đến Jordan, rồi tôi đi máy bay qua Syria vì tình hình chiến sự nguy hiểm của vùng này. Đến Georgia, tôi lại đạp tiếp, băng qua Romania, Belarus và rồi đến Nga. Tôi từng đến Nga thời còn bé nên đây là một kỳ World Cup rất ý nghĩa với tôi, tôi nghĩ phải làm gì đó thật đặc biệt để theo chân đội tuyển Ai Cập", Mohamed kể.

Theo: tuoitre.vn

Các tin khác