Nếu vài chục năm trước khi đất nước chưa mở cửa, chúng ta an phận với việc nửa đêm thức dậy ngồi ngóng xem đài truyền hình có "chôm" được sóng của thiên hạ hay không, thì chuyện không xem được World Cup là bình thường.
Nhưng kể từ năm 2006, khi Việt Nam đã bỏ 2 triệu USD để mua bản quyền truyền hình World Cup, chuyện xem trực tiếp các trận đấu của sự kiện này là điều mặc nhiên với người Việt.
Đúng vậy, đến World Cup 2010 thì người Việt chi 2,7 triệu USD để xem bóng đá; và con số này tăng lên đến 7 triệu USD tại World Cup 2014.
Và con số này năm nay, theo tin hậu trường thì phía bán rao 15 triệu USD, nhưng VTV đang cố đàm phán còn 8 triệu USD với một sự tự tin kiểu: để đến chợ chiều thì cá cũng phải bán thôi, vì không bán cho mình thì bán cho ai? Không bán thì cá ươn thôi!
Nhân đây cũng xin nhắc lại với mọi người một điều, tiền này chả dính dáng gì đến ngân sách cả. Vì vậy, xin đừng bao giờ nói là "Thôi, đắt quá, đừng xem nữa, để tiền đó chăm lo cho người nghèo, xây trường học, bệnh viện…"!
Chuyện bản quyền truyền hình World Cup là một câu chuyện kinh doanh thuần túy. Chúng ta - những người mê bóng đá, đã góp tiền để mua chứ không ai khác. Chính cái phí thuê bao hằng tháng, công xem quảng cáo của chúng ta đã giúp nhà đài có tiền mua bản quyền. Thậm chí nhà đài còn có lãi to nếu họ biết cách kinh doanh.
Trở lại với vụ bản quyền truyền hình World Cup 2018, cách đây 4 ngày, một vài trang báo mạng đưa tin như reo: Việt Nam đã có bản quyền! Tìm hiểu kỹ thì hóa ra có một facebooker ba chớp ba nháng đọc trên trang web của Công ty Infront Sports & Media - đơn vị nắm bản quyền truyền hình World Cup 2018 khu vực châu Á Thái Bình dương- đăng một cái danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ mà họ nắm bản quyền.
Nhưng vì thấy có cái tên Việt Nam ở đó, nên vội vã nghĩ rằng đây là danh sách các nước đã chính thức có bản quyền! Vị facebooker này là một nhân vật rất giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, biết ngoại ngữ, nhưng sao lại mắc lỗi sơ đẳng như vậy? Thông cảm thôi, anh ấy cũng như bao người hâm mộ khác ở Việt Nam, sốt ruột quá rồi mà!
Rồi nhiều nguồn tin hậu trường khác cũng cho rằng VTV đã mua được bản quyền rồi, nhưng chả hiểu sao "vua" nhà đài ở Việt Nam lại chưa công bố?
Cái chuyện này thật sự rất nóng. Nóng không chỉ với người hâm mộ, mà nóng với vô vàn đơn vị kinh tế.
Đơn giản bởi World Cup là mùa vui vẻ với cả chục triệu dân Việt, đồng nghĩa với mùa làm ăn của nhiều nhãn hàng. Các chiến dịch quảng cáo đã được chuẩn bị, các mặt hàng "ăn theo" World Cup đã nằm sẵn trong kho, các hợp đồng đã được soạn sẵn…
Tất cả đều ngóng chờ thông tin từ VTV… Vậy mà vẫn im lặng như tờ nên tất cả đều sốt là phải.
Và rồi tối 2-6, một bản tin từ Fox Sports được viết bởi nhà báo Tyler Dang đã khẳng định Việt Nam là quốc gia cuối cùng chưa có bản quyền truyền hình World Cup 2018!
Bản tin đã dẫn nguồn từ một công bố của FIFA về vấn đề bản quyền truyền hình World Cup năm nay, theo đó, FIFA lên danh sách có tất cả 219 quốc gia, vùng lãnh thổ được nhắm để bán bản quyền, và tính đến ngày 2-6-2018 tất cả đều đã có bản quyền - kèm theo tên cả đơn vị đã mua - trừ Việt Nam!
Ngày hôm nay, dù là chủ nhật, nhưng có lẽ tất cả từ người hâm mộ đến các đơn vị kinh tế đều sẽ nháo nhào với thông tin này.
Tôi cẩn thận ngồi xem hết danh sách 218 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bản quyền truyền hình World Cup 2018.
Trong đó, hai người láng giềng sát chúng ta là Lào và Campuchia đều đã có bản quyền. Cụ thể, đơn vị mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 cho Lào là TVLAO CO.LTD và Campuchia là CBS-Cambodia Broadcast Network System.
Tính tôi vốn lạc quan nên nghĩ vậy: Hay VTV làm như ngày xưa, thời còn đóng cửa ấy, "lấy" sóng từ hai bạn Lào và Campuchia cho khỏe? Còn không, người hâm mộ chúng ta " tự cứu mình" bằng cách sang Lào, Campuchia xem World Cup 2018. Vừa du lịch hè vừa xem World Cup, tiện quá thôi!!!
Theo: tuoitre.vn