CÔNG AN BẠC LIÊU
Nhớ những mái nhà sàn truyền thống
Cập nhật ngày: 24-04-2018
NDĐT - Nhà sàn lợp ngói âm dương mang đậm bản sắc, là nơi lưu giữ văn hóa, tâm hồn dân tộc Tày, Nùng cư trú ở các tỉnh miền núi phía bắc. Trận mưa đá lịch sử xảy ra ở huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) gần đây không những gây thiệt hại lớn về vật chất mà còn làm mất đi rất nhiều mái nhà sàn truyền thống, tổn thương nghiêm trọng văn hóa dân tộc.


Những mái nhà sàn lợp ngói âm dương bị mưa đá “đập” nát.

Nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Pác Nặm với những hàng cột gỗ được giằng chắc chắn, toàn bộ sàn gỗ bên trên là không gian sống, sinh hoạt, lưu giữ văn hóa dân tộc của từng gia đình. Những căn nhà sàn lợp ngói âm dương, hai mái, hai trái, giản dị, mộc mạc là nét đặc trưng của đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Tày.

Nhưng trận mưa đá lịch sử xảy ra gần đây đã “đập” mất hàng trăm mái nhà sàn lợp ngói âm dương truyền thống của đồng bào. Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm bùi ngùi, nhìn những mái nhà sàn lợp ngói âm dương vỡ nát tan tành mà xót xa. Ngói âm dương được làm bằng đất sét, đưa vào lò nung đỏ. Nay trên địa bàn toàn tỉnh không sản xuất loại ngói này nữa nên không có ngói thay thế, phải lợp bằng tôn thép. Ngoài những thiệt hại về vật chất, đời sống văn hóa, kiến trúc truyền thống của đồng bào nơi đây bị tổn thương nghiêm trọng.

Ngói âm dương được lợp trên những mái nhà sàn đã gắn bó lâu đời với đồng bào, không chỉ là nét văn hóa kiến trúc đặc trưng mà còn làm mát cho căn nhà. Tuy nhiên, chất lượng xuống cấp qua mưa nắng, mưa đá với mật độ dày, nhiều viên đá lớn bằng quả trứng gà, trứng vịt làm cho mái nhà sàn không chống chịu được. Đồng bào không tìm đâu ra loại ngói tương tự thay thế.

Không có ngói âm dương thay thế, mua ngói móc với giá lên đến vài trăm nghìn đồng/m2 và phải làm lại phần khung mái cho phù hợp thì hầu hết các gia đình đều không đủ điều kiện kinh tế. Mặt khác, phải khắc phục nhanh hậu quả để sớm ổn định cuộc sống nên hầu hết các gia đình đều đưa tôn thép lên lợp mái nhà sàn. Những mái nhà sàn được lợp bằng tôn thép tuy có chắc chắn, nhưng vào mùa hè sẽ làm không gian sống, sinh hoạt ở dưới nóng nực khiến bà con đều tiếc nuối mái nhà xưa.

Những vùng không bị thiên tai, mái nhà sàn lợp ngói âm dương cũng ít dần, lâu năm ngói xuống cấp, năm đến bảy năm phải đảo lại một lần vì ngói xô lệch, bị dột. Mỗi lần đảo là lượng ngói lại hao hụt, không tìm đâu được ngói thay thế nên nhiều mái phải “dặm” bằng prô-xi-măng, nhiều nhà thay thế bằng vật liệu khác, làm cho ngôi nhà không còn giữ được nét truyền thống.

Xã hội có nhiều đổi thay, thiên tai ngày càng khắc nghiệt và dữ dội, việc bảo tồn những mái nhà xưa là thách thức lớn hiên nay. Vấn đề đặt ra, cần phải quan tâm kiến trúc nhà ở nông thôn, đặc biệt nhà ở, không gian sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày, vừa mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống nhưng cũng vừa rẻ, vừa đẹp, giản dị và bền vững.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác