Bên kia dòng Nhật Lệ
Cập nhật ngày: 21-04-2018
 
Dòng sông Nhật Lệ như nét vẽ tuyệt đẹp mà tạo hóa đã phóng túng tạc vào vùng đất này - thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Không quá rộng nhưng sông luôn biếc xanh và đủ làm dịu mát một vùng cát trắng; không quá dài nhưng cũng đủ cho những con đò mải mê xuôi ngược. Không còn là khát vọng nối đôi bờ của hàng trăm năm trước, bây giờ trên dòng Nhật Lệ có hai cây cầu không chỉ phục vụ giao thương mà nối cả ước mơ, khát khao vươn lên của thành phố Ðồng Hới nơi miền gió Lào, cát trắng.
 


Bán đảo Bảo Ninh, TP Ðồng Hới (Quảng Bình).

Những cây cầu nối ước mơ

Có một buổi sáng nắng như dát bạc lên dòng sông, đứng trên cầu Nhật Lệ 2 nhìn về phía cửa sông, bao ký ức hiện lên trong tôi. Trên khoảng sông rộng non cây số này, chúng tôi đã bơi vượt qua giữa đêm tối. Vượt sông rồi mới giật mình, sông rộng không sợ bằng những con cá lớn chực chờ. Ðó là chuyện của rất nhiều năm về trước. Và xa hơn trong ký ức, cũng trên đoạn sông này, năm xưa Mẹ Suốt anh hùng chèo đò chở vũ khí tiếp sức cho bộ đội đánh trả máy bay Mỹ. Một chiếc đò mỏng manh giữa mênh mông sông nước và bom đạn ngút trời... Lúc đó mẹ có nghĩ đến một cây cầu vượt qua dòng sông khi kết thúc chiến tranh?

Nhớ lại những năm sau khi tỉnh Quảng Bình trở lại địa giới cũ (tháng 7-1989), đi dạy học ở xã Bảo Ninh là nỗi ám ảnh của giáo viên thị xã Ðồng Hới lúc bấy giờ, bởi đơn giản, đó là vùng cát biệt lập bên kia dòng Nhật Lệ. Bảo Ninh là một bán đảo cát nằm giữa dòng Nhật Lệ và Biển Ðông. Dòng sông dù đẹp đẽ, nên thơ nhưng nó vẫn là nỗi cách trở với cư dân hai bên bờ. Mãi đến những năm đầu thế kỷ 21, một cây cầu vượt sông Nhật Lệ nối trung tâm đô thị Ðồng Hới với xã Bảo Ninh mới được xây dựng và nó mang tên chính dòng sông này.

Ngày cầu Nhật Lệ khởi công, niềm vui khó tả không chỉ với người dân làng biển Bảo Ninh mà cả thị xã Ðồng Hới lúc đó. Vui nhất là cảnh hằng ngày, người dân Bảo Ninh nô nức tập... đi xe đạp. Bởi ở xứ cát trắng này, đường đi là lối mòn trên cát. Người dân vốn chỉ sử dụng đôi dép tông lội vục vào cát chứ nào biết đến xe đạp. Cái cơ ngơi của Tập đoàn Trường Thịnh sầm uất đang hiện hữu, khi ấy mới chỉ là ý tưởng của nhà đầu tư. Chỉ đến khi khởi công cầu Nhật Lệ, thì những viên gạch đầu tiên của một công trình có tầm vóc ở tỉnh Quảng Bình mới được đặt xuống vùng cát trắng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Với một tỉnh nghèo, cây cầu vượt sông Nhật Lệ cũng mang "dấu ấn" của vùng đất nghèo. Lúc bấy giờ đã có một số ý kiến cho rằng, chúng ta phải làm cầu thật "hoành tráng". Nhưng các vị lãnh đạo tỉnh khi ấy có cái nhìn khá thực tế, nhìn vào túi tiền của địa phương và nguồn lực của Trung ương hỗ trợ để lượng sức làm cầu. Thế là chọn phương án xây một cây cầu "bình dân" cùng lời động viên, sau này tỉnh khá lên chúng ta sẽ làm những cây cầu khác đẹp hơn, xứng với dòng sông đã đi vào thi ca, nhạc họa... Gần 20 năm hiện hữu, cầu Nhật Lệ không chỉ làm tròn trọng trách nối đôi bờ như bao chiếc cầu khác, mà còn làm được điều lớn lao hơn, đánh thức một vùng đất đầy tiềm năng mà lâu nay đang gối đầu lên sóng biển với giấc ngủ bình yên. Một miền quê nghèo cát bỏng đã chuyển mình vươn dậy. Lần đầu tiên, một đợt sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật được tỉnh Quảng Bình tổ chức chỉ để ngợi ca cây cầu nối đôi bờ dòng sông có cái tên mỹ miều - Nhật Lệ. Sau đợt đó, các tác phẩm được in thành một tập san dày dặn, với nhiều bút ký và bài hát đi vào lòng người Quảng Bình. Ðiều đó cho thấy, khát khao có được cây cầu và khát vọng cháy bỏng có được gạch nối sông - biển ấy để thành phố trẻ Ðồng Hới vươn mình ra biển, lớn đến nhường nào.

Từ đầu cầu Nhật Lệ đến cuối bán đảo Bảo Ninh dài hơn 10 km. Trên cung đường cát trắng ấy, tiềm năng về du lịch dần được đánh thức. Chỉ một cây cầu thôi khó gánh nổi trọng trách phát triển kinh tế. Ông Trần Ngoan, nguyên Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Bảo Ninh tâm sự, có cầu qua sông Nhật Lệ là niềm mơ ước của bao thế hệ người dân quê hương Mẹ Suốt anh hùng. Song khi cầu Nhật Lệ được xây dựng thì cây cầu ấy mới chỉ giải quyết được vấn đề dân sinh, giúp người dân cải thiện đời sống chứ muốn thành phố giàu và nâng tầm đô thị, phải thêm những chiếc cầu khác, rộng hơn, ấn tượng hơn. Quả thật, theo thời gian, những định dạng mới cho Bảo Ninh và cả thành phố Ðồng Hới trong tương lai được tỉnh Quảng Bình thể hiện ngày càng rõ nét. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nhấn mạnh, tập trung nguồn lực phát triển vùng Bảo Ninh thành khu đô thị đặc biệt, làm động lực trong phát triển du lịch không chỉ của riêng Ðồng Hới mà của cả tỉnh Quảng Bình. Và việc xây dựng một cây cầu thứ hai vượt sông Nhật Lệ có tầm vóc là yêu cầu tất yếu. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình tổ chức thi tuyển chọn mẫu cầu đáp ứng với yêu cầu phát triển của địa phương. Cầu hiện đại thì cần số vốn không nhỏ, điều đó là cả một nỗi lo đối với tỉnh nghèo. Tuy nhiên bằng nhiều cách, Quảng Bình đã thu xếp đủ vốn cho cây cầu dây văng nhịp đối xứng khẩu độ lớn thứ hai Việt Nam (chỉ sau cầu Rạch Miễu tỉnh Bến Tre). Thoáng chốc sau 5 năm, cầu Nhật Lệ 2 hoành tráng vươn qua dòng sông. Cây cầu với trụ tháp vút cao không chỉ là nhịp cầu nối đôi bờ mà sẽ gánh những trọng trách lớn lao hơn với vùng đất giàu tiềm năng này.

Ðánh thức bán đảo Bảo Ninh

Thả bộ trên cầu Nhật Lệ, đón gió thổi từ biển mát rượi, tôi nhìn ra phía cửa biển. Từng đoàn thuyền nối đuôi nhau ra khơi. Tôi chợt nhớ lại, doi cát Bảo Ninh 20 năm trước là một phần của làng Mỹ Cảnh vùi trong cát bỏng. Là người sinh ra từ làng cát, ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh Quảng Bình đã nhận ra tiềm năng vùng cát cho nên quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch mang tầm quốc tế. Ông xin phép mở một bến phà tạm vận chuyển vật liệu xây dựng từ bên này sông sang Bảo Ninh làm khu du lịch. Cầu Nhật Lệ làm xong thì giai đoạn đầu của Sun spa Resort cũng hoàn thành để đón khách. Bây giờ thì Mỹ Cảnh - Bảo Ninh đã trở thành "lâu đài trên cát" với nhiều dự án du lịch hiện đại ở khu vực miền trung. Làng Bảo Ninh cũng lên phố. Nhà cửa san sát, mái xanh mái đỏ kiểu cách. Ông Trần Ngoan nhớ lại, trước khi chưa có cầu, vùng cát trắng Bảo Ninh cho chưa có người nhận, nhưng cầu bắc qua sông Nhật Lệ vừa xong, giá đất cát nhảy vọt. Lợi thế đó đã mang lại cho người dân nguồn vốn lớn để xây dựng nhà cửa và tạo kế sinh nhai mới, đó là các nghề dịch vụ phục vụ khách du lịch. Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết thêm, năm qua doanh thu từ khách sạn và các ngành nghề dịch vụ du lịch của Bảo Ninh đạt gần 300 tỷ đồng, chiếm gần một nửa số thu ngân sách của xã biển có đội tàu xa bờ hùng hậu này.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài có lý khi quyết định dành một triệu USD từ ngân sách của tỉnh để thuê bằng được Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản đến lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Ðồng Hới, nhằm biến bán đảo cát Bảo Ninh thành... vàng. Với trục ngang là đường nối hai cây cầu bắc qua Nhật Lệ và tuyến đường "xương sống" rộng 60 m chạy dọc Bảo Ninh, các nhà lập quy hoạch đến từ Nhật Bản đã nhấn mạnh việc xây dựng các đô thị mới trên vùng cát Bảo Ninh với hàng loạt resort ven biển, khu nghỉ dưỡng, cây xanh, hồ nước. Vùng đất ở Bảo Ninh với diện tích 1.630 ha sẽ tạo điều kiện để phát triển thành phố Ðồng Hới về phía đông, một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển du lịch biển, một lợi thế của các tỉnh duyên hải miền trung.

Tuy nhiên để Bảo Ninh trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng phát triển bền vững vẫn còn đó những trăn trở. Bên cạnh những điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, những đầu tư lớn về hạ tầng thiết yếu cũng chỉ mới là điều kiện bước đầu cho phát triển bền vững. Sẽ phải cần thêm công tác quản lý của các cấp chính quyền trong tỉnh, là cơ chế cho đầu tư đủ độ thông thoáng nhưng phải hạn chế khe hở để tránh những "hậu họa" mà một số đô thị du lịch ven biển khác ở miền trung gặp phải. Một thực tế mà tỉnh Quảng Bình không thể lảng tránh, là vẫn còn đó những dự án đang án binh bất động, những dự án giữ đất chờ thời. Bên cạnh đó, tỉnh nên dành quỹ đất thích hợp cho nhiều năm sau để đón những dự án có tầm vóc lớn hơn phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Quảng Bình cần mạnh dạn cắt bỏ những dự án quy mô nhỏ, thiếu bài bản có thể ảnh hưởng đến môi trường du lịch, không còn phù hợp với quy hoạch phát triển trong tương lai của Bảo Ninh.

Nguồn nhandan.com.vn