Hoa Lư, một vùng kinh đô văn vật và trù phú
Cập nhật ngày: 18-04-2018
 
NDĐT - Những ngày này, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng nhân dân tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1050 năm Ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập lên nhà nước Đại Cồ Việt đầu tiên tại Việt Nam. Huyện Hoa Lư nói chung, nhân dân xã Trường Yên nói riêng đang ngày đêm tu sửa, vệ sinh môi trường để đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và bia tưởng niệm vua Lý Công Uẩn xanh, sạch, đẹp đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế thời gian tới.
 


Lễ rước nước kỷ niệm Ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (6-3 âm lịch) hằng năm.

Chủ nhật vừa rồi, tôi và Nguyễn Anh Dũng bớt chút thời gian tham quan Khu di tích lịch sử đền thờ Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại hành thuộc xã Trường Yên huyện Hoa Lư. Vừa tới nơi, Dũng đã ùa vào, mê mải ngắm những mái cong của công trình kiến trúc cổ hàng trăm năm sau nhiều lần tôn tạo. “Tôi đã đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu về di sản văn hóa và thiên nhiên Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận, gồm đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành cùng bia tưởng niệm vua Lý Công Uẩn nhưng nay tận mắt chứng kiến, mới thấy đất Hoa Lư xưa thật địa linh, nhân kiệt”, Dũng nói.

Bốn mươi năm trước, Dũng cùng học với tôi, quê ở Bắc Ninh. Sau đó, anh theo học Đại học Sư phạm rồi được điều động về TP Hồ Chí Minh dạy học. Anh là người đam mê nghiên cứu lịch sử. Những danh thắng, hay địa linh đều được anh tìm tài liệu nghiên cứu.

“Tôi đi hầu hết các di tích và danh thắng từ nam ra phía bắc, thấy dân tộc ta có những trang sử thật hào hùng chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi, gìn giữ giang sơn xã tắc”, Dũng vừa nói vừa mải mê ngắm nhìn hàng loạt những di tích khảo cổ ở hang động, mái đá trong vùng Kinh đô Hoa Lư xưa được phát hiện, nghiên cứu và trưng bày tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Anh thốt lên, đây là những thông tin về một câu chuyện thú vị của người tiền sử định cư trong quần thể danh thắng Tràng An.

Năm 1982, tại Hội nghị, hội thảo về “Lịch sử thế kỷ X”, trong tham luận, GS Trần Quốc Vượng có viết: “Không gian Hoa Lư” là bản lề, quá độ, trung gian giữa Giao và Ái, giữa sông Hồng và sông Mã, Mường và Việt, rừng núi và đồng bằng, giữa An Nam Tống Bình và Đại Việt Thăng Long giữa thế kỷ IX và thế kỷ XI, có ý nghĩa địa kinh tế - chính trị - xã hội - chiến lược lớn lao.

Cùng với nhân dân Đại Việt, trong thời kỳ Lý - Trần, vùng đất Kinh đô Hoa Lư xưa hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà lịch sử giao phó. Thêm một lần nữa, vùng đất địa chiến lược này là nơi kiến dựng hành doanh vương triều, nơi hoạch định kế sách đánh giặc giữ nước, ghi tiếp một mốc son trong trang sử vẻ vang dựng nước và giữ nước của dân tộc ở thế kỷ XIII. Nhân dân cùng các nhà quản lý đang nâng niu, bảo tồn các di tích liên quan các sự kiện lịch sử của đất nước, như các đền thờ liên quan tới nhân vật lịch sử Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thị Dung, Trương Hán Siêu, Trần Quốc Tảng, Tô Hiến Thành, Đào Dương Bật, Trần Nhật Duật, Yết Kiêu v.v... trong không gian của những điền trang, thái ấp xưa, nơi lưu lại nhiều tư liệu lịch sử quan trọng của dân tộc.

Tôi không ngờ Dũng lại am hiểu về di tích lịch sử cố đô Hoa Lư sâu đến thế. Anh mê mải giảng giải cho tôi: Khu di tích cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ. Các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi đều đồng điệu cùng thiên nhiên, có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau. Nổi bật là hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá mang tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII. Bên cạnh đó, còn đền thờ công chúa Phất Kim, thờ con gái vua Đinh, chùa Nhất Trụ nổi tiếng với cột đá khắc kinh Phật ở thế kỷ X.

Ngày 9-3 âm lịch năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Đại Cồ Việt cũng là lần đầu có tiền tệ. Tiền được đúc bằng đồng có tên “Thái Bình Hưng Bảo”, có quân đội. Kinh đô Hoa Lư thời đó được xem là một vùng kinh tế trù phú tấp nập giao lưu buôn bán, thương mại phát triển. Chỉ hai câu đối ghi trong sử sách thời vua Đinh Tiên Hoàng: “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo”/“Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” cũng phản ánh rõ nét về sự phát triển của Hoa Lư chẳng khác gì Tràng An thời nhà Hán bên Trung Quốc.

Chúng ta có hàng loạt những di sản là nhà thờ các dòng họ, bạn tôi diễn giải. Qua đó, phản ánh quá trình lập làng, mở đất, mở nước, mở lịch sử văn hóa truyền thống của các dòng họ cùng hun đúc nên truyền thống văn hóa dân tộc trên vùng Kinh đô xưa.

Ở giai đoạn trước và sau chiến tranh Nam - Bắc triều là thời điểm nhiều dòng họ có sự thay đổi về tên gọi, gốc tích nhằm giữ hòa hiếu. Họ Mạc đổi sang họ Nguyễn (họ Nguyễn gốc Mạc), sang họ Phạm (họ Phạm gốc Mạc); họ Phạm (dòng dõi tiến sĩ Phạm Khắc Thận - Phạm Cương Nghị) đổi sang họ Nguyễn (họ Nguyễn gốc Phạm); họ Ngô (dòng dõi quận công Ngô Đình Nga) đổi sang họ Dương (họ Dương gốc Ngô, sinh Dương Tử Ngô); họ Phạm (chi nhánh gốc là quận công Phạm Quỳnh, con là tướng quân Phạm Dao vốn gốc ở làng Dương Vũ, Ninh Vân, Hoa Lư di cư xuống Yên Mô) đổi sang họ Vũ.

Và cũng trong thời điểm này, họ Giang vốn là con cháu cụ Hàn Giang Hầu có gốc họ Nguyễn (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) ở sứ Đông (Hải Dương, Hải Phòng) xuất hiện ở đất Trường Yên.

Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể ấy là không ít di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Hoa Lư với tích cờ lau tập trận, lễ rước nước hay tín ngưỡng thờ thần núi, tín ngưỡng thờ Mẫu cùng các tín ngưỡng tôn giáo khác gắn với các địa danh huyền thoại. Các di sản văn hóa phi vật thể ấy song song tồn tại hàng nghìn năm ở những làng quê - làng nghề bên công trình di tích lịch sử, là phần hồn văn hóa dân tộc Việt.

Đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc, điểm lại những di sản văn hóa trên đất Kinh đô Hoa Lư xưa cho thấy một bức tranh di sản của ông cha mang đa sắc mầu, sâu lắng hồn sông núi. Từ lịch sử địa chất, địa mạo đến dấu ấn lịch sử nhân loại cho ta niềm tự hào với thế giới về giá trị nổi bật về văn hóa, thiên nhiên để được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An) đến những dấu tích (khảo cổ) vật chất thời kỳ đầu dựng nước, bên cạnh những di tích, truyền thuyết liên quan các tướng thời Hùng Vương dựng nước, rồi các di tích, truyền thuyết liên quan các tướng dưới thời Hai Bà Trưng giữ nước còn in đậm trên vùng đất Hoa Lư.

“Tôi được biết, thời gian qua, khá nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đến Hoa Lư khai quật, nghiên cứu”, Nguyễn Anh Dũng nói thêm. Với vai trò là kinh đô của nước Đại Cồ Việt (kinh đô Hoa Lư) ở cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, thống nhất giang sơn gắn liền với Anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng, chiến tích phá Tống, bình Chiêm của Lê Hoàn. Kinh đô Hoa Lư, nơi giao thoa không gian văn hóa (sông Hồng, sông Mã), giao thoa không gian xã hội Việt - Mường, nơi giao thoa không gian địa mạo núi đồi và vùng đồng bằng trước núi.

Thời điểm hình thành kinh đô là bản lề cánh cửa khép lại một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa. Sang thời Trần, có hành cung Vũ Lâm góp phần chiến thắng quân Nguyên. Rồi khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, địa bàn phân tranh thời kỳ Nam - Bắc triều, nơi hội tụ những tướng tài, là điểm cho phong trào cộng sản sớm nảy mầm, phát triển.

Dấu tích thành quách xưa cùng hàng nghìn công trình kiến trúc, di vật, văn bia đá vẫn đang thi gan cùng tuế nguyệt. Những di tích, di vật ấy đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Những tên làng đậm chất Mường - Việt (Me, Mí, Mèn, Mát, Ác, Láo…) và trong không gian làng còn đang bảo tồn lối hát đối rằng thường bên cạnh các làng vùng đồng bằng có hát chèo, hát xẩm, hát ả đào. Những tên thung (Ui, Bói, Bim...), tên áng (Đại, Lấm, Sơn, Ngũ…), tên lòng (Kháo, Trò, Bong) thể hiện cả một quá trình đi mở đất trong không gian núi đồi, thung lũng và vùng đồng bằng trước núi.

Cùng với đó là sự hội tụ và lan tỏa của các dòng họ trong quá trình đi mở đất lập làng, di dân, di thần để lại biết bao những dấu ấn vật chất, phong tục, tập quán và văn hóa ẩm thực… Và đây cũng là không gian để Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo sớm thâm nhập, tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẫu Liễu), thờ Cha (Trần Hưng Đạo) phát triển mạnh mẽ.

Hoa Lư bây giờ là một trong số những huyện có kinh tế phát triển khá mạnh của tỉnh Ninh Bình. Từ ngày Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, người dân Hoa Lư nói riêng và nhân dân Ninh Bình nói chung càng nâng niu, gìn giữ di tích lịch sử trên quê hương. Hàng nghìn lao động huyện Hoa Lư có việc làm thông qua dịch vụ chèo đò ở Quần thể danh thắng Tràng An, rồi dịch vụ chụp ảnh, bày bán lưu niệm bằng các sản phẩm sản xuất tại nhiều làng nghề ở Ninh Bình.

Năm 2016, Hoa Lư là huyện dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) với quy mô toàn huyện. Trên khắp các nẻo đường liên thôn, liên xã ở huyện Hoa Lư đều được mở rộng và trải bê-tông thẳng tắp tới từng gia đình. 19 tiêu chí xây dựng NTM Hoa Lư đều đạt, thậm chí các tiêu trí giáo dục, vệ sinh môi trường, văn hóa, thu nhập, giao thông v.v... đạt cao hơn so mức đề ra.

Bí thư Huyện ủy Hoa Lư Nguyễn Sỹ Trí cho biết, nhân dân trong huyện cùng các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể đang nỗ lực phấn đấu giữ vững và phát triển bền vững kinh tế - xã hội cũng như các chính sách an sinh xã hội, giúp người nghèo, gia đình chính sách vượt khó vươn lên. Cố đô Hoa Lư vẫn mãi là vùng quê thanh bình và không ngừng phát triển.

Nguồn nhandan.com.vn