CÔNG AN BẠC LIÊU
Về Nguyên Bình dự sắc phong Tẩu Sai
Cập nhật ngày: 11-04-2018
Tẩu Sai là đại lễ tôn vinh sự trưởng thành của đồng bào Dao Tiền ở Cao Bằng. Sự kiện nhiều chục năm mới tổ chức một lần không chỉ là tín ngưỡng dân gian mà còn mang ý nghĩa tôn vinh các giá trị đạo lý về hôn nhân, hạnh phúc gia đình; gắn kết cộng đồng, dòng họ.

Rộn ràng suốt mấy ngày trời, hôm nay ông Bàn Tuấn Bình, người Dao Tiền thuộc dòng họ Bàn (xóm Nà Lừa, xã Quang Thanh, huyện Nguyên Bình) sau mấy chục năm xa quê mới chính thức được khoác trên mình bộ sắc phục Tẩu Sai. Năm nay ông Bình đã 61 tuổi. Lễ Tẩu Sai của dòng họ Bàn tổ chức gần đây nhất từ năm 1990, tức là khi ông Bình mới 34 tuổi. Ở miền biên viễn Cao Bằng, người Dao Tiền dù số dân ít nhưng cộng đồng luôn ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ðến nay, những nghi lễ cốt lõi trong quá trình trưởng thành của người Dao vẫn thực hiện theo chuẩn mực nghiêm ngặt. Chúng tôi may mắn khi dự đại lễ Tẩu Sai, một sự kiện được thực hiện sau 27 năm chờ đợi của dòng họ Bàn, một trong những gia tộc lớn nhất của người Dao Tiền bản xứ. Trong tiếng Tày, "sai" là thầy, "tẩu" nghĩa là cấp bậc. Tẩu Sai là sắc phong cấp bậc thầy - chứng minh cho sự trưởng thành đã đạt đến cấp cao. Theo truyền thống của người Dao, cấp bậc hay pháp danh rất quan trọng. Nó đánh dấu một cá nhân chính thức có tiếng nói trong cộng đồng và đủ quyền tham gia vào các nghi lễ quan trọng của dòng tộc. Trong đó, nghi lễ Tẩu Sai cao hơn nhiều so với nghi lễ cấp sắc. Cấp sắc có nghĩa là lễ "khai sinh" hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban định cho. Người nào được cấp sắc tạm gọi đã có tên khai sinh nhưng lễ Tẩu Sai mới là nghi lễ chính thức công nhận người đàn ông có đủ quyền và địa vị tham gia các hoạt động của dòng tộc, tiếng nói đủ giá trị trong cộng đồng.

Dòng họ nào tổ chức lễ Tẩu Sai còn khẳng định được vị thế của mình, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cũng như tiềm lực kinh tế. Ông Bàn Tuấn Bình, để được tham dự vào ngày lễ Tẩu Sai, đã phải từ Ðác Nông di chuyển về quê nhà ở Cao Bằng họp bàn sáu lần trong bốn năm qua mới đạt được nguyện vọng. Ông Bình cùng nhiều người Dao Tiền xa quê cầu thực, làm ăn buôn bán suốt hàng chục năm trời nhưng lúc nào cũng ngay ngáy tâm niệm hoàn thành thăng cấp Tẩu Sai. Sau 27 năm, 100 hộ dòng họ Bàn ở Quang Thành mới đi đến thống nhất, chọn được ngày lành, tháng tốt để tổ chức lễ "Tẩu Sai", những người làm ăn sinh sống dù ở xa đến đâu cũng phải về dự lễ này.

Các thành viên đủ điều kiện tham gia nghi lễ phải là người có gia đình hòa thuận, còn cả vợ cả chồng, không có người bị mất sớm... Theo Trưởng họ Bàn Tuấn Thanh, vợ chồng người Dao được cấp sắc phong Tẩu Sai là một điều vinh dự bởi được tổ tiên chứng giám. Mấy chục cặp sắc phong trong nghi lễ lần này, có những cặp vợ chồng còn rất trẻ, nhưng cũng có những cặp vợ chồng đã nhiều tuổi, con cháu đề huề.

Yếu tố quan trọng trong đại lễ Tẩu Sai là các thầy pháp sư, được lựa chọn dựa trên nhiều quy chuẩn do tổ tiên người Dao Tiền đặt ra. Những thầy cúng điều hành đại lễ Tẩu Sai phải là người ngoài dòng họ, ít nhất là 14 người, năm thầy chính, chín thầy phụ do các cụ cao tuổi trong dòng họ lựa chọn từ bên ngoài,... Có những đòi hỏi khắt khe như vậy là bởi lễ Tẩu Sai mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Dao Tiền Cao Bằng và được coi như tuyên ngôn về hạnh phúc gia đình, giáo dục đời sau học được lễ nghĩa, đạo lý truyền thống của dân tộc để quyết tâm vươn lên, làm chủ cuộc sống. Những người con của dòng họ Bàn giờ đây dù ở khắp nơi nhưng vẫn luôn một lòng hướng về quê cha đất tổ với mong muốn quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng giá trị của nghi lễ Tẩu Sai vẫn được người Dao Tiền ở Cao Bằng duy trì và bảo tồn. Tuy nhiên, tổ chức lễ cần được gìn giữ một cách thiết thực, tiết kiệm, phù hợp nhân sinh quan và xã hội của đồng bào Dao.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác