Một góc làng biển Nam Ô.
Nam Ô - đất lành nhiều dấu tích
Chúng tôi có dịp trở lại ngôi làng ven biển này vào ngày tháng 4 nắng đẹp. Với thành phố du lịch biển Ðà Nẵng, đây có lẽ là vùng biển hoang sơ duy nhất còn lại những cảnh quan có một không hai để người dân, du khách được hòa mình vào không gian xanh bình yên với mùa rêu trên bãi đá.
Ngày xưa, Nam Ô là một địa danh khá nổi tiếng với các làng nghề truyền thống khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, làm nước mắm và pháo. Ðến năm 1994, thực hiện Chỉ thị 406/TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, nghề pháo Nam Ô đã không còn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề biển và mưu sinh bên chân sóng, làm nước mắm. Khi kinh tế thị trường chuyển hướng, làng nghề truyền thống nước mắm cũng đứng trước bộn bề khó khăn. Ðến nay, số hộ dân theo nghề này trong làng giảm dần, vì thiếu nguyên liệu và nhiều yếu tố khách quan. Thế hệ trẻ thì đi xa học hành, kiếm công ăn việc làm và ít theo nghề biển, làm nước mắm cha ông để lại.
Chúng tôi có dịp đi xuyên “rú cấm” của dân làng trên mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô, để hiểu hơn một vùng đất huyền sử và nghe kể chuyện về biển khơi, về “di cảo” của làng biển. Bao đời nay, người dân nơi đây đã thực hiện nghiêm ngặt các quy chế về giữ rừng trong hương ước của làng. Dẫu không có gỗ quý, gỗ lớn, nhưng đây là khu rừng nguyên sinh vẹn nguyên giá trị và không bị chặt bất cứ một nhánh cây nào. Di cảo của làng ghi rằng, tại “rú cấm” có miếu thờ bà Chúa Tiên thần nữ, tương truyền là vị nữ thần bảo hộ cho làng. Phía ngoài là miếu vọng Công chúa Huyền Trân. Hiện nay, tại đây vẫn còn các dấu tích, bia đá, bình phong của những dã sử này. Ông Ðặng Dừng, người được mệnh danh là “nhà sử học của làng Nam Ô”, từng có nhiều bài nghiên cứu về lịch sử của vùng đất này, kể rằng, khu vực “rú cấm” và mỏm Hạc có rất nhiều sản vật quý và độc đáo. Một trong những sản vật đó là tảo, hay còn gọi rau mứt biển, đem lại thu nhập cho nhiều phụ nữ trong làng vào những ngày cuối tháng 11,12 âm lịch hằng năm. Bởi không có đất trồng lúa, nên người dân chỉ bám biển; mứt biển là một đặc sản và cũng là món hàng để họ nhọc nhằn trên từng con sóng, ngụp lặn khai thác đắp đổi cái ăn, cái mặc vào ngày biển động.
Mỏm Hạc chính là cột đèn, là ngọn hải đăng nổi để bà con đi biển định hướng trở về. Trong tâm thức, mỗi khi đi biển, ngư dân bắt đầu từ dưới chân mỏm Hạc và cũng neo con sóng, cơn gió và mỏm Hạc để thuận mái chèo về bến Nam Ô. Xuất phát từ nghề biển là nghề mưu sinh, người dân làng Nam Ô bao đời nay vẫn ngưỡng vọng và tri ân Mẹ biển. Họ mở hội cầu ngư vào những ngày sau Tết Nguyên đán, tầm rằm tháng 2 âm lịch, để cầu một mùa lộc biển bội thu, mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Ðất lành và Mẹ biển cùng với ghềnh đá - mỏm Hạc luôn chở che, để người dân thấy bình an trong mỗi chuyến ra khơi vào lộng. Không có tàu thuyền đánh cá công suất lớn, ngư dân của làng chỉ đánh bắt khu vực gần bờ với thời gian đi biển trong vòng một ngày. Cuộc sống trên con sóng vẫn đầy vơi những khó khăn, thách thức…
Lễ hội làng biển là dịp để người dân Nam Ô tri ân, tưởng nhớ các vị thần đã che chở cho làng.
Chung tay gìn giữ giá trị truyền thống
Với mong muốn phát triển kinh tế, xã hội, thay đổi diện mạo cho đô thị biển Ðà Nẵng, chính quyền thành phố đã mời gọi đầu tư vào khu vực làng biển Nam Ô. Người dân nơi đây đã vì sự nghiệp chung, đồng lòng di dời, giải tỏa. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort & Spa của Tập đoàn Trung Thủy (TP Hồ Chí Minh) đã được UBND thành phố Ðà Nẵng phê duyệt tại Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư số 1461/UBND-QLÐTh ngày 11-3-2010 và Văn bản số 7204/UBND-QLÐTh ngày 16-11-2010 của UBND thành phố Ðà Nẵng. Dự án cũng đã được UBND thành phố Ðà Nẵng phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 9926/QÐ-UBND ngày 20-12-2010 và Quyết định số 1756/QÐ-UBND ngày 22-3-2014. Dự án có diện tích quy hoạch 36,5 ha, bao gồm 57 biệt thự cao cấp, khách sạn năm sao, spa, khu vui chơi giải trí quốc tế,... với số vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, UBND thành phố Ðà Nẵng đã phê duyệt di dời miếu Bà Liễu Hạnh, dinh Âm Hồn và lăng Cá Ông ra khỏi dự án, riêng phần mộ Tiền Hiền được giữ lại.
Năm 2013, người dân Nam Ô đề nghị chính quyền địa phương không thực hiện việc di dời các phần văn hóa tâm linh này, chủ đầu tư đã điều chỉnh lại một phần quy hoạch ban đầu để bảo tồn các di tích tại dự án bao gồm miếu Bà Liễu Hạnh, dinh Âm Hồn, lăng Cá Ông và mộ Tiền Hiền từ 504 m2 lên 2.035 m2. Ðến tháng 5-2017, về cơ bản, công tác đền bù, di dời, giải tỏa dân được triển khai xong và chính quyền giao lại đất sạch cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án. Ðến tháng 3-2018, khi chủ đầu tư khoanh rào chắn quanh khu vực dự án để tiến hành các công đoạn tiếp theo, đã xảy ra mâu thuẫn khi người dân Nam Ô tập trung để đòi lại đường xuống biển. Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã trực tiếp thị sát hiện trường, chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc, giải quyết rốt ráo các vấn đề dân sinh, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể của Ðà Nẵng và đúng pháp luật.
Ngày 3-4, UBND quận Liên Chiểu thông báo kết luận của đồng chí Huỳnh Ðức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng. Theo đó, quận Liên Chiểu đề nghị UBND thành phố quy hoạch điều chỉnh ranh giới dự án theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong đó, đối với khu đất dọc đường Nguyễn Tất Thành nối dài khoảng 6.300 m2, quận Liên Chiểu đề nghị thu hồi và cho chủ trương sử dụng vào mục đích quy hoạch mở rộng nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân. Ðối với phần diện tích trên mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô, đề nghị thành phố phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế đến mức thấp nhất việc chặt phá cây rừng nguyên sinh vì việc tác động mạnh đến tự nhiên khu vực này sẽ có nguy cơ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng. Ðối với lối xuống biển, đề nghị quy hoạch tại hai di tích dinh Âm Hồn và miếu Bà Liễu Hạnh hiện nay. Ðề xuất giữ lại các di tích tâm linh, không di dời để tiến hành trùng tu, tôn tạo, bảo đảm nguyên vẹn… Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Huỳnh Ðức Thơ yêu cầu các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô theo phê duyệt tại Quyết định số 1756/QÐ-UBND ngày 22-3-2014 và thực hiện đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển. Giữ nguyên hiện trạng, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử tại khu vực; đề xuất các phương án bảo tồn làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử của khu vực này cũng như xác định vị trí khu vực bãi tắm công cộng. Tổ chức khảo sát, đánh giá hạ tầng khu dân cư chỉnh trang, đề xuất phương án cải tạo giao thông, tạo lối xuống biển, lưu ý tuyến đường giáp ranh giữa khu dân cư và dự án bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng tại khu vực. Yêu cầu các ngành chức năng thực hiện thu hồi đất, giao đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai và các vấn đề môi trường đối với dự án.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trung Thủy Nguyễn Văn Trung, đại diện chủ đầu tư cho biết: Doanh nghiệp đầu tư vào Ðà Nẵng là muốn mang lại một diện mạo mới, thúc đẩy du lịch phía bắc Ðà Nẵng phát triển. Thực hiện chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch Dự án của thành phố, khi triển khai dự án, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc bảo tồn và trùng tu các di tích lịch sử hiện hữu ngay trong khu đất dự án để phục vụ các hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, tăng giá trị điểm tham quan trong khu vực, không có việc di dời hay phá dỡ di tích. Doanh nghiệp cũng cam kết bảo đảm sự hài hòa giữa sự phát triển của dự án với chất lượng và môi trường sống người dân địa phương. Hiện, doanh nghiệp cho biết, đã lên kế hoạch đầu tư, xây dựng bãi tắm công cộng với đầy đủ các hạng mục tiêu chuẩn, như nhà tắm nước ngọt, khu thay quần áo, dù che, quầy hàng phục vụ ăn uống nhẹ… và giao lại cho người dân địa phương quản lý dưới sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương; xây dựng chợ hải sản; hỗ trợ người dân phục hồi, tái phát triển nghề làm nước mắm, cải tạo thuyền thúng truyền thống phục vụ du lịch tham quan biển; về lâu dài sẽ tuyển dụng khoảng 500 lao động tại địa phương nhằm góp phần bảo đảm công ăn việc làm, nâng cao mức sống người dân khi dự án đi vào hoạt động…
Vấn đề của làng biển Nam Ô đã được chính quyền rất cầu thị lắng nghe từ nhiều phía, doanh nghiệp cam kết thực hiện trùng tu và người dân địa phương sẽ vẫn giữ được những giá trị văn hóa tâm linh bao đời nay cha ông để lại. Kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập và điều chỉnh khi dự án chưa triển khai, doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền thấu hiểu, cân nhắc việc điều chỉnh quy hoạch và thu hồi diện tích đất để có điều kiện triển khai dự án; mong muốn người dân cho thời gian để chứng minh các cam kết bằng việc làm cụ thể. Việc ổn định trật tự, không để xảy ra các vụ việc “nóng” của địa phương rất cần thiết để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp vào thời điểm này.
Nhà “sử học” Nam Ô Ðặng Dừng khẳng định, việc lãnh đạo thành phố chỉ đạo và phía doanh nghiệp cam kết giữ nguyên, trùng tu, tôn tạo, xây dựng các di tích thành điểm đến du lịch phục vụ người dân, du khách là một quyết tâm cao, đúng thời điểm. Nếu thực hiện đúng, nơi này sẽ vẫn giữ được hồn cốt của làng biển Nam Ô. Ðó là việc nên làm nhằm tri ân các bậc tiền hiền đã có công xây dựng, làm giàu cho giá trị văn hóa biển Ðà Nẵng. Làng biển Nam Ô sẽ khoác áo mới bằng tất cả nỗ lực, tâm huyết của chính quyền, doanh nghiệp và sự ủng hộ, chung tay góp sức của mỗi người dân.
Nguồn nhandan.com.vn