Lê Văn Ba đã chọn cả hai vì ông vừa là nhà văn, lại vừa là người trong cuộc của giai đoạn văn nghệ Hà Nội thời kỳ 1947 - 1954. Ông nhớ lại những gì từng diễn ra trong đời sống văn nghệ thời kỳ ấy để tìm kiếm tư liệu, hồi ức từ bạn bè cùng thời, ngõ hầu làm nên cuốn sách, rất đáng đọc tham khảo, tìm hiểu về một thời kỳ văn nghệ Hà Nội đầy sôi động và đa dạng, góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cuốn sách gồm hai chương: Chương I - Nhận diện văn nghệ Hà Nội 1947 - 1954; Chương II - Đỉnh cao văn nghệ Hà Nội những năm 1947- 1954. Mở đầu là đề dẫn của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Bên cạnh mảng văn nghệ yêu nước bí mật, trong những năm Hà Nội bị tạm chiếm còn mảng văn nghệ công khai mà hôm nay dưới ánh sáng đổi mới chúng ta nhìn lại, đó là văn nghệ mang đậm tính dân tộc, đề cao các giá trị truyền thống tình nghĩa đồng bào. Rất tiếc những tiểu thuyết, truyện dài, những bài hát, bức tranh, vở kịch... lãng mạn ca ngợi tình yêu, cái đẹp... này một thời bị phê phán một chiều và chưa thấy giá trị nhân văn của nó”.
Cuốn sách được trình bày khá khoa học, mạch lạc. Ở chương I, tác giả đã đưa ra cái nhìn tổng quan phân biệt văn nghệ công khai, hợp pháp và văn nghệ chống đối, bí mật ngay trong lòng Hà Nội những năm bị tạm chiếm. Tuy cách thức hoạt động và hình thức thể hiện trên văn bản tác phẩm có khác nhau, nhưng nhìn chung hai bộ phận văn nghệ này vẫn hướng về dân tộc, về những người lao động cùng khổ. Họ có thể là chị bán hàng rong, anh đạp xích lô, cậu học trò, nhà trí thức,... nhưng đều là những người lao động mưu sinh chân chính, đều có lòng yêu nước thiết tha, ghét bọn xâm lược và bè lũ tay sai.
Tác giả tiếp cận vấn đề theo diễn trình thời gian lịch sử với các giai đoạn 1947 - 1950; 1950 - 1953 và những tháng đầu năm 1954 cho đến ngày chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Trong cả ba giai đoạn, đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội, trên các lĩnh vực khác nhau, say mê, nhiệt huyết với mục tiêu mình đã chọn và con đường mình đang đi. Họ sáng tác, bình phẩm, góp ý, rồi cùng nhau tìm cách công bố tác phẩm sao cho trót lọt, không để gây phiền lụy cho bản thân và các cộng sự.
Chương II, tác giả dành riêng cho việc trình bày những tác phẩm, mà theo tác giả là đỉnh cao của những sáng tác thời kỳ này. Chẳng hạn như: Truyện ngắn Tiếng khóc của Băng Hồ, tiểu thuyết Đất của Ngọc Giao, tản văn Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng, bức tranh Núi rừng Việt Bắc của Nam Sơn, ca khúc Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương,...
Cuốn Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954 là đóng góp đáng kể của nhà văn Lê Văn Ba cũng như những văn nghệ sĩ thế hệ ông trong quá trình phục dựng diện mạo văn nghệ Thủ đô Hà Nội thời kỳ tạm chiếm. Đây là công việc hết sức khó khăn vì thời gian trôi qua đã lâu, người còn, kẻ mất, nhiều tài liệu lưu trữ bị thất lạc. Ngay tác giả cuốn sách này, tự nhận mình là thế hệ đàn em cùng với nhà thơ Vân Long, nay cũng đã 84 tuổi, thì các bậc đàn anh, đàn chị chắc vào khoảng 90, số người còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay… Đây là nguồn tư liệu quý cho những ai quan tâm đến mảng đề tài văn nghệ Hà Nội thời kỳ này, nhất là đối với những người làm văn học sử, cũng như những độc giả là người Hà Nội.
Nguồn nhandan.com.vn