Vì tâm lý cầu may nên hội cướp phết Hiền Quan năm nào cũng hỗn loạn.
Với sự trẻ, khỏe, nhanh nhẹn, những người cướp được “lộc” nhanh nhất, nhiều nhất ở các lễ hội thường là thanh niên – đại diện cho “thế hệ 4.0”, những người sẽ làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Như ở lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), rước cây bông (Vĩnh Phúc), cướp chiếu hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc)… hay mới đây là lễ hội làm Chay (Long An)… Trẻ, khỏe thì mới đủ khả năng xô đẩy, chen lấn, đánh bạt người khác giành “lộc” về cho mình. Có thể người giành được lộc sẽ được nhiều may mắn. Có thể không. Không ai dám chắc. Nhưng có một điều chắc chắn, lễ hội kết thúc, những thanh niên trẻ khỏe ấy sẽ trở về cuộc sống. Cái họ đối mặt sẽ là một thế giới đang biến động như vũ bão, khi công nghệ thay đổi mọi ngõ ngách của cuộc sống – “thời đại 4.0” như người ta thường nói. Chỉ vài năm trước, chẳng ai có thể tưởng tượng nổi, một nghề đơn giản như xe ôm cũng có người mất việc cái thứ… “xe ôm công nghệ”.
Tám nghìn lễ hội trải khắp mọi miền. Có lẽ ít quốc gia nào tự hào có di sản văn hóa phi vật thể phong phú, có bề dày lịch sử như đất Việt. Nhưng lễ hội không đơn thuần là câu chuyện của những tập tục, những di sản văn hóa. Đằng sau những nghi lễ, phong tục ấy chính là nhận thức, tư duy, trình độ văn minh của thời đại.
Những lễ hội có từ lâu đời ở Việt Nam phần lớn sinh ra bởi nền văn minh lúa nước. So với các lối sống khác, đời sống cư dân trồng lúa nước chịu sự chi phối mạnh mẽ của tự nhiên. Đối mặt với tự nhiên, cư dân văn hóa nông nghiệp lúa nước không có khát vọng chinh phục. Thay vào đó là "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày..." hay “Ơn trời mưa nắng phải thì…”. Sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên sinh ra lối tư duy vạn vật có linh hồn. Không có gì là lạ khi tín ngưỡng điển hình của người Việt cổ là sùng bái tự nhiên, thần thánh hóa tự nhiên, nhất là các lực lượng tự nhiên có ảnh hưởng đến mùa màng – nước là một thí dụ điển hình.
Những tập tục, nghi lễ ở lễ hội luôn gắn với cầu mong "ông trời" bớt "đỏng đảnh" hơn. Theo ngôn ngữ của giới nghiên cứu, là cầu cho mưa thuận, gió hòa. Ngay cả ở những lễ hội tưởng nhớ anh hùng có công, lễ hội tưởng nhớ tổ nghề... Niềm tin mọi vật đều có linh hồn, và niềm tin vào sức mạnh các vị thần, khiến đến với lễ hội, ai cũng cầu xin được thánh thần ban cho điều may mắn. Nhưng không ai muốn “tiếp nhận” điều may mắn thần linh ban cho một cách mông lung. Người ta muốn cụ thể hóa bằng các vật phẩm. Đấy là nguồn cơn của các tục phát lộc, rồi cướp lộc để cầu may.
Sùng bái rồi cầu xin, cầu may - chu trình này không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở nhiều nền văn minh khác. Nhưng khác nhau ở mức độ thể hiện, và cũng khác nhau ở sự biến đổi cùng thời gian.
Có lẽ điều đặc biệt ở Việt Nam là khi bảo tồn lễ hội, người ta đã bỏ quên câu chuyện phong tục, tập quán, nghi lễ ở lễ hội phản ánh trình độ văn minh, nhận thức, tư duy của thời đại về thế giới chung quanh. Người ta cũng không nhắc đến lễ hội truyền thống là sản phẩm của nền văn hóa – văn minh nông nghiệp lúa nước, là sản phẩm của tư duy làng xã, còn thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, trình độ văn minh, nhận thức của nhân loại về thế giới, về vũ trụ đã thay đổi. Và bây giờ nhân loại đang trong cuộc cách mạng thứ tư - thời đại của trí tuệ nhân tạo, của vạn vật kết nối, của robot…
Có lẽ, việc “bỏ quên” ấy, khiến cùng với những phong tục, nghi lễ, niềm tin vào việc cầu lộc, cầu tài, cầu may ở các lễ hội ngày một lớn hơn. Các màn xin lộc, tranh lộc, rồi cướp lộc ngày càng hăng hái hơn. Lễ hội đã từng vui. Nhưng nay nhiều người nghĩ đến là hoảng. Năm nào cũng nơm nớp lo tranh giành đánh nhau có thương tích hay không. Đấy chính là lễ hội, là cầu may phiên bản “bốn chấm không”, với những thanh niên đại diện “thế hệ bốn chấm không” đang diễn ra.
Tôi khá ngạc nhiên khi có một nhà khoa học có tiếng từng nhấn mạnh: “Thánh cứ phải thiêng” khi nói về lễ hội. Nếu cứ giữ niềm tin như thế, nếu tiếp tục mong cầu “lộc thánh” như thế, thì cướp lộc sẽ còn tiếp tục kinh hoàng hơn.
Cầu may không hẳn là xấu. Nhưng không thể đem lối tư duy của xã hội nông nghiệp để bước vào “thế giới phẳng”, thời đại “bốn chấm không”. Liệu có thể cầu may không khi đàm phán các hiệp định kinh tế quốc tế, hay tham gia vào cách mạng “bốn chấm không”?
Nhiều người muốn bảo tồn nguyên vẹn những nghi thức lễ hội xưa. Nhưng xã hội đã thay đổi, đã bước qua rất nhiều nấc thang phát triển. Kết cấu làng xã cũng đã phá vỡ. Truyền thông tham gia mọi ngóc ngách lễ hội… Dù muốn, cũng không thể bảo tồn nguyên vẹn. Lễ hội cần phải được nhìn trong dòng chảy văn minh nhân loại. Đã đến lúc suy nghĩ một cách nghiêm túc: Cái gì đáng được bảo tồn?
Nguồn nhandan.com.vn