Chuẩn bị dựng cây nêu.
Lễ dựng cây nêu ngày Tết được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên trời. Một cây tre già được chọn, với các lóng tre và cành lá để nguyên, trên đó treo cờ phướn, đèn lồng vuông, khánh đất, chuông đất hoặc chuông gió để phát ra tiếng, treo cùng với lá bùa. Trước lễ dựng nêu (còn gọi là thượng nêu), người dân làng đào một hố sâu trước sân đình, chuẩn bị sẵn vôi bột và vẽ hình cung tên hướng về phía đông (theo truyền thuyết là quỷ sau cuộc chiến với người thì bị Phật đày ra biển Đông).
Chuyển cây nêu ra vị trí trồng nêu.
Trong sách “Hội hè lễ nghi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết về cây nêu: “Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh có treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình những người đang sống…”
Chỉnh lại cây nêu cho khớp với hố đất đã được đào sẵn.
Trong sự tích cây nêu của cụ Nguyễn Đổng Chi (Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam), cây nêu là vật của con người dùng để đuổi quỷ trong dịp Tết Nguyên đán, với khánh đất, lá đa, lá dứa cho quỷ sợ, đồng thời dưới mặt đất có rắc vôi bột và vẽ cung tên hướng về phía đông với ý nghĩa xua đuổi loài quỷ.
Treo các vật dụng trang trí lên cây nêu.
Nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm có mặt tại sự kiện tái hiện tục dựng cây nêu ngày Tết ở đình So cho biết: “Thực ra chữ nêu xuất phát từ chữ tiêu, nghĩa là cột tiêu, cột mốc. Đó là cột mốc ranh giới giữa con người và quỷ ma. Những đồ vật treo trên cành nêu cũng có những tác dụng và hiệu quả đuổi quỷ khỏi đất sống của con người. Lá dứa, lá đa đều có ý nghĩa và tác dụng đuổi tà, trừ quỷ. Có câu “Cành đa, lá dứa treo nêu/Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà. Quỷ vào thì quỷ lại ra/ Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm”. Ngoài ra còn treo chuông gió, khánh đá phát ra tiếng động để đuổi quỷ. Ngày bé, tôi còn thấy người ta treo hìnnh con giáp tượng trưng cho năm mà dựng cây nêu đón tết và có bùa chú. Tất cả chỉ nhằm mục đích biến cây nêu thành một dấu hiệu để tà ma biết mà tránh xa ra khỏi cõi con người”.
Các bạn nam trong trang phục áo dài truyền thống chuẩn bị dựng nêu.
Nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm cũng cho rằng, một thời gian dài chúng ta đã không còn giữ phong tục này, bây giờ chúng ta cần khôi phục vì dù sao đây cũng là một đặc điểm rất riêng của cái Tết Việt Nam.
Liên quan đến tục dựng nêu, ông cũng cho biết, dải lụa đỏ treo trên cây nêu tượng trưng cho ý nghĩa sẽ đem đến may mắn, hạnh phúc, theo truyền thống của văn hóa Á Đông. Cây đào trong truyền thuyết được sử dụng để làm cung tên và gậy để đuổi quỷ.. Người ta còn lấy hai mảnh vỏ thân cây đào để treo hai bên cánh cửa và vẽ hình hai vị thần, dần dà sau này hai mảnh vỏ thân cây đào trở thành hai câu đối Tết.
Vôi bột được rải cạnh cây nêu.
Cung tên vẽ bằng vôi bột.
Điểm thú vị của lễ dựng nêu này là ngoài những đồ vật treo trên cây nêu được chuẩn bị đúng như truyền thống, thì rất nhiều bạn trẻ là người làng So hoặc khách tham dự đã dựng nêu trong trang phục áo dài và khăn quấn truyền thống.
Cây nêu được dựng dần lên.