|
Một đòn thế đẹp của VĐV nước ngoài ở Giải vô địch vovinam thế giới 2017
tại Ấn Độ. Ảnh: GIANG LÊ |
Cụ thể, tại cuộc họp của ban chuyên môn và luật VOC mới đây ở Hà Nội, phó chủ tịch VOC Hoàng Vĩnh Giang làm trưởng ban đồng thời là chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN và thế giới đã ký biên bản kiến nghị: “Đề xuất thống nhất hai môn võ thuật dân tộc là vovinam và võ cổ truyền làm một là vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế”. Đề xuất này được giới võ thuật cho rằng là một phép cộng khiên cưỡng, đi ngược lại quy luật phát triển chung, vô tình đồng hóa các môn phái với nhau.
Với đề xuất trên, ngay từ tên gọi đã khai tử luôn hai “thương hiệu” võ cổ truyền và vovinam. Và người ta tự hỏi chúng ta sẽ dùng hệ thống kỹ thuật nào, triết lý võ đạo nào để phát triển ra quốc tế khi mà từ lâu nay các môn đồ của vovinam và võ cổ truyền VN đều đang sinh hoạt trong hai hệ thống khác biệt và độc lập. Đây là một đề xuất “khai tên đổi họ” kỳ lạ, đi ngược với sự phát triển chung của nền võ học thế giới. Nói vậy bởi ngay như Nhật Bản cũng không đồng nhất hai môn võ nổi tiếng của mình là judo và karatedo thành một khi thi đấu quốc tế.
Thật ra, giới võ thuật đều hiểu kiến nghị này nhằm “đốt cháy lộ trình”, giúp võ cổ truyền (dựa vào vovinam) có mặt ngay vào hệ thống thi đấu quốc tế. Như ở Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 tại Đà Nẵng, do muốn phát triển võ cổ truyền nên ban tổ chức đã “giới hạn” cho vovinam chỉ được tham gia nội dung biểu diễn, còn võ cổ truyền tham gia nội dung đối kháng. Thật ra, việc chúng ta tận dụng các cơ hội để đưa vovinam, võ cổ truyền vào hệ thống thi đấu quốc tế nhằm tạo dựng hình ảnh và văn hóa VN trong mắt bạn bè quốc tế là điều cần thiết. Nhưng ghép hai môn võ này thành một như thế này là không ổn.
|
Các VĐV nước ngoài thi đấu tại Giải vô địch cổ truyền thế giới 2016. Ảnh: N.K |
Võ sư Lê Kim Hòa - phó chủ tịch kiêm trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN và thế giới - tỏ ra bất ngờ khi nghe thông tin này. Theo ông Hòa, vovinam có từ trước ngày đất nước thống nhất, nếu nói một môn phái thì nó đã có gần 100 năm. Môn võ này đã có giáo trình riêng và ngày nay có vị thế của võ VN trên thế giới khi phát triển rộng khắp.
"Việc ghép võ cổ truyền và vovinam lại thành một khi đi thi đấu quốc tế thì tôi không biết thế nào và chưa bao giờ nghĩ đến. Võ cổ truyền là tập hợp tất cả môn phái, xây dựng lại thành một nền tảng gọi chung là võ cổ truyền VN là quá ổn rồi. Trong khi đó, vovinam đã tách ra khỏi võ cổ truyền VN và có quá trình phát triển lớn mạnh của riêng họ rồi thì tại sao phải ghép trở lại?”, ông Hòa phân tích.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu - chánh chưởng quản môn phái vovinam, phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam VN và thế giới - cũng bày tỏ sự không đồng ý với đề xuất này. Ông Chiếu cho rằng Vovinam đã có liên đoàn thế giới, liên đoàn các châu lục, hoạt động đâu ra đó và thậm chí được đưa vào thi đấu chính thức tại SEA Games thì tại sao phải ghép với võ cổ truyền lại thành một?
"Vovinam có tên tuổi khắp thế giới rồi. Mới nhất, ban tổ chức Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á 2018 tại Myanmar và Đại hội TDTT trẻ của châu Phi 2018 tại Algeria đã đưa vovinam vào chương trình thi đấu chính thức. Nên tôi nghĩ môn nào thì ra môn đó, chứ ai đi sửa tên tuổi môn phái lại như vậy. Chúng tôi còn liên đoàn thế giới nữa, làm vậy người ta cười cho” - ông Chiếu nhấn mạnh.
Ông Hoàng Vĩnh Giang từng ký văn bản “không giống ai”
Ngày 15-6-2017, ông Hoàng Vĩnh Giang - chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN - đã gửi văn bản xin lỗi Bộ VH-TT&DL vì trước đó tự cho mình là tổ chức thuộc Bộ VH-TT&DL và cho rằng chỉ có Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN mới có quyền tổ chức thi lên đai, đẳng cho võ sinh, trợ giáo, võ sư các cấp.
Trước đó, ngày 19-5-2017, ông Hoàng Vĩnh Giang đã ký văn bản số 48 gửi các sở VH-TT&DL trên cả nước, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, liên đoàn võ thuật cổ truyền các tỉnh thành, Trung tâm UNESCO VN, Hội Kỷ lục gia VN có nội dung: “Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN là tổ chức duy nhất và chính thống có tư cách pháp nhân của Bộ VH-TT&DL, Bộ Nội vụ trong việc tổ chức thi lên đai, đẳng cho võ sinh, trợ giáo và võ sư các cấp trong và ngoài nước trong quá trình tập luyện hoặc hành nghề võ cổ truyền VN...”.
Ngay sau khi công văn này được ban hành đã nhận được phản ứng dữ dội của các môn phái võ cổ truyền VN. Sau khi dư luận phản ứng, ngày 13-6, ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - đã ký văn bản 856 yêu cầu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN phải đính chính ngay những thông tin đã ban hành trong văn bản số 48 vì gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan.
|
Theo: