Iraq (xanh) được đánh giá là ứng cử viên số 1 ở Giải U-23 châu Á 2018. Ảnh: AFC |
Qua hai lần tổ chức giải, Iraq vô địch giải năm 2014 và giành vị trí thứ 3 năm 2016. Thành tích đó giúp họ xếp trên Nhật Bản - nhà vô địch năm 2016 nhưng chỉ lọt vào tứ kết năm 2014. Tính cả lần thứ 3 tham dự giải ở năm nay, Iraq vẫn đang là đội sở hữu thành tích ấn tượng nhất với 12 trận thắng, 2 hòa và 1 thua, tiếp đến là Hàn Quốc (8 thắng, 4 hòa, 2 thua) rồi Nhật (7 thắng, 2 hòa, 1 thua)...
Phong độ ổn định ở VCK U-23 châu Á thật ra cũng chỉ là một điểm nhỏ trong hành trình phát triển bóng đá trẻ ấn tượng của Iraq nhiều năm qua. Năm 2012, lứa U-19 của Iraq giành ngôi á quân châu Á rồi lọt vào bán kết ở World Cup U-20 một năm sau đó. Ở Olympic 2016, thành tích bất bại (3 trận hòa) của U-23 Iraq trong bảng đấu có chủ nhà Brazil, Đan Mạch và Nam Phi thực sự đáng nể.
Giao điểm trong thành công của các đội trẻ Iraq vài năm qua là HLV Abdul Ghani Shahad. Nắm đội U-23 từ năm 2015, HLV 49 tuổi này sử dụng chiến thuật rất đa dạng. Đội Iraq của ông là đội ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử VCK U-23 châu Á, nhưng cũng phòng ngự vững vàng với chỉ 1 bàn thua ở Olympic 2016.
Ngoài HLV Shahad, tiền vệ đội trưởng Bashar Resan cũng là người từng tham dự 2 VCK U-23 trước đây. Ở giải năm 2014, tuy chỉ 17 tuổi nhưng anh đã được xem là một trong những cầu thủ giàu tiềm năng của Iraq. 23 cái tên HLV Shahad mang đến Trung Quốc cũng rất dạn dày kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Trong số đó có 17 cầu thủ đang khoác áo tuyển quốc gia Iraq.
Ở giai đoạn vòng bảng, U-23 Iraq cũng chứng tỏ sức mạnh khi đè bẹp Malaysia với tỉ số 4-1 trước khi hòa Saudi Arabia 0-0 và thắng Jordan 1-0 để giành ngôi đầu bảng C.
Theo: tuoitre.vn