CÔNG AN BẠC LIÊU
Ra mắt đoàn kịch tư nhân Luc Team: Hy vọng mới cho sân khấu?
Cập nhật ngày: 30-12-2017
NDĐT - Bùng nổ năm 2016 với “Quẫn” gặt HCV tại Liên hoan sân khấu Thủ đô, tiếp tục làm khán giả ngạc nhiên với “Cơn ghen của Lọ Lem” năm 2017, nhưng phải đến thời điểm này Luc Team - đoàn kịch của đạo diễn, diễn viên Trần Lực mới chính thức ra mắt, đem lại niềm hy vọng mới cho sân khấu kịch nước nhà.

Đặc điểm khiến nhiều người ngạc nhiên nhất, thậm chí sốc, là đoàn kịch của đạo diễn Trần Lực bao gồm toàn những gương mặt mới toanh trên sân khấu kịch trường, bởi vì họ chính là đội ngũ từng khuấy động Liên hoan sân khấu Thủ đô năm ngoái với “Quẫn” của cố nhà biên kịch Lộng Chương. Gương mặt đã thành danh duy nhất là NSND Lê Khanh, người lâu nay luôn nung nấu tìm cách để làm mới và vực dậy sân khấu kịch. Một điểm gây ngạc nhiên nữa là dù mới hoạt động được một tháng nhưng Luc Team đã có đến năm buổi diễn vở "Cơn ghen của Lọ Lem", theo lời đạo diễn Trần Lực thì không phải lúc nào cũng kín khán giả nhưng số lượng khán giả cứ đầy dần lên một cách rất đáng nể.

Trần Lực chia sẻ, anh đã rất trăn trở khi lựa chọn con đường mới để đi. Bởi vì, trước sức mạnh của các phương tiện giải trí hiện đại như bây giờ, khán giả được cung cấp quá nhiều thông tin và hình ảnh, họ không cần phải tưởng tượng nữa. Chỉ có một thứ mà kịch có thể đem đến cho khán giả mà công nghệ giải trí hiện đại không làm được, là khơi gợi trí tưởng tượng của khán giả. Sân khấu biểu hiện - ước lệ là tối giản rất nhiều thứ, như bài trí sân khấu đơn giản, sử dụng nhiều động tác hình thể, cơ sinh lý để thể hiện, sử dụng các nhân vật theo tính biểu tượng… Sân khấu biểu hiện - ước lệ chính vì thế mà có thể diễn được ở rất nhiều nơi, từ khán phòng trang trọng của Nhà hát Lớn cho đến sân khấu nhỏ, hay thậm chí diễn ngoài quảng trường, và có độ tương tác với khán giả rất cao.

Ra đời trong bối cảnh sân khấu kịch nói chung đang ngắc ngoải, nói như NSND Lê Khanh là đang “chết lâm sàng”, thì Luc Team quả là một sự liều lĩnh. Trần Lực cho biết, anh và ê-kíp đã chuẩn bị sẵn tinh thần: “Chúng tôi bảo nhau là có một khán giả thôi cũng vẫn diễn, nhiệm vụ chính của chúng tôi là chinh phục khán giả”. Không phải cả năm đêm diễn đều đông, nhưng theo Trần Lực, khán giả cứ theo nhau đến dần, người nọ kéo người kia đi, và “chúng tôi bán vé được và sống khỏe re”.

NSND Lê Khanh và NS trẻ Mạnh Đạt trong buổi diễn tập "Quẫn".

Nếu như thời gian trước đây, sân khấu kịch đón một luồng gió mới là Nguyễn Phi Phi Anh, với sự tươi trẻ, mới mẻ và sáng tạo. Luc Team cũng là một làn gió mới như thế, ở thể loại sân khẩu biểu hiện - ước lệ vốn cần đến nhiều trí tưởng tượng của khán giả hơn, đồng thời cũng đòi hỏi năng lực và sức diễn của diễn viên cao hơn rất nhiều. Trần Lực chia sẻ: “Không chỉ diễn tốt, tưởng tượng tốt mà các bạn phải có cả thể lực tốt, vận động được các cơ sinh lý linh hoạt để đáp ứng được nhiều động tác về hình thể trong mỗi vở kịch. Thậm chí, các diễn viên còn phát huy được tối đa mọi khả năng ngoài kịch của mình như nhảy, múa, hát…”.

Những diễn viên trẻ của Luc Team đều là các diễn viên năm cuối của ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nhưng qua một năm, họ đã trưởng thành, và khán giả có thể nhận thấy độ chín của họ, khác hẳn với trong vở “Quẫn” từng giành HCB cho vở diễn, 1 HCV và 2 HCB cho diễn viên, cùng với giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Trần Lực.

Tham gia vở diễn với vai bà Đại Cát, NSND Lê Khanh cho biết, chính chị còn phải học hỏi nhiều từ đội ngũ diễn viên trẻ này: “Tôi bây giờ mới vào cuộc, còn các bạn ấy đã bắt đầu từ cách đây một năm. Nhiều người khi xem “Quẫn” cứ so sánh vai ông Đại Cát của bố tôi là NSND Trần Tiến với vai của bạn Trương Mạnh Đạt, nhưng tôi thấy bạn ấy đã thể hiện một cách tuyệt vời. Trong buổi diễn ra mắt ngày 7-1 tới đây tại Nhà hát Lớn, tôi nhất định sẽ mua vé cho bố tôi đi xem, để ông thấy được các bạn đã làm mới vở diễn như thế nào”.

NSND Lê Khanh cũng cho biết, chị bị hấp dẫn bởi sân khấu biểu hiện - ước lệ. “Đó là ước mơ của tôi mà tôi chưa đủ can đảm để thực hiện”. Nữ nghệ sĩ chia sẻ, trong vòng một tháng qua, Luc Team đã cho thấy một sự thay đổi: Luc Team đã sống khỏe và làm lay động và thay đổi thói quen của người xem kịch, vốn không dễ dàng trong thời đại công nghệ bùng nổ này. Điểm đặc biệt nữa là khán giả của Luc Team rất trẻ, xóa tan quan niệm lâu nay rằng kịch chỉ dành cho người già. Luc Team là những người dám chơi, và có người chơi cùng. “Người chơi cùng” ở đây không chỉ là những sinh viên bày tỏ “bọn em đặt trọn vẹn niềm tin vào đạo diễn Trần Lực”, mà còn là nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng, người bạn từ thủa ấu thơ của đạo diễn, cộng tác nhiều, hiểu nhau và cùng khát khao, mơ mộng tới một sân khấu kịch như thời hoàng kim.

Một tháng năm buổi diễn chưa nói lên được nhiều, nhưng đối với nhiều nhà hát đang ngày đêm chật vật tìm cách kéo khán giả trở lại thì đó là một niềm hy vọng. Hy vọng cho làn gió mới trong trẻo và tươi tắn của Luc Team sẽ đủ sức kéo khán giả trở lại với tấm màn nhung, với những khóc cười trên sân khấu, mà không phải rơi nước mắt cho một nền sân khấu từng có thời hoàng kim đang dần bị quên lãng.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác