Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 800 người chấp hành xong án phạt tù hoặc đặc xá, tha tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Đây là một trong những vấn đề có tác động rất lớn đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương, rất cần sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng Nhân dân trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người từng lầm lỗi.
Tổ chức lớp tái hòa nhập cộng đồng
Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng là một trong những biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa tình trạng tái phạm tội, góp phần giữ vững ANTT tại địa phương. Lực lượng Công an toàn tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng, nhất là triển khai thi thành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, xem trọng quá trình quản lý, cải tạo phạm nhân trong cơ sở tạm giam, tạm giữ; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt lồng ghép giáo dục pháp luật, mở lớp tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân… Qua đó, giúp phạm nhân nhận thức những sai lầm đã phạm phải, có ý chí phấn đấu, cải tạo, trở thành công dân tốt.
Phạm nhân L.T.K.P tâm sự: từ khi vào trong Trại tạm giam được cán bộ quản giáo tại đây thường xuyên động viên, giáo dục. Bản thân tôi cũng ý thức được sai lầm trước đây phạm phải do thiếu hiểu biết pháp luật. Hiện tại tôi chỉ biết cố gắng lao động, cải tạo thật tốt để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, làm lại cuộc đời có ích…
Lực lượng Công an họp dân tuyên truyền pháp luật
Ngay khi đối tượng được đặc xá, mãn hạn tù, hết thời gian cải tạo trở về địa phương sinh sống, lực lượng Công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức bàn giao các đối tượng trên cho các ban, ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Gắn việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật với phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng của địa phương, qua đó, đã phát động được 1.248 cuộc, với gần 55.000 lượt người tham dự, vận động cá biệt 208.331 lượt người, phát trên 65.000 tài liệu tuyên truyền; cảm hóa, giáo dục hàng trăm lượt đối tượng, buộc ký cam kết không tái phạm.... Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quần chúng Nhân dân ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm, cùng với lực lượng Công an quản lý, giúp đỡ người được đặc xá tha tù trở về địa phương nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Lực lượng Công an thường xuyên thăm hỏi, động viên và trao quà cho người hoàn lương
Một trong những biện pháp nổi bật, quan trọng trong tái hòa nhập cộng đồng là thực hiện tốt các chế độ chính sách hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Lực lượng Công an cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng để họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, Công an tỉnh còn vận động các ngành, tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân quan tâm, trao tặng cây, con giống, phương tiện, công cụ lao động, hỗ trợ vay vốn… với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, để tạo điều kiện cho họ sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố hoạt động của 294 lượt mô hình, 328 tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, trong đó, nhiều mô hình, tổ chức chức quần chúng đã thu hút số lượng lớn người tái hòa nhập cộng đồng cùng tham gia. Tiêu biểu như mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương”, nhiều thành viên sau khi tham gia câu lạc bộ đã hoàn toàn đoạn tuyệt quá khứ lầm lỗi, siêng năng lao động phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt sẵn sàng hỗ trợ lực lượng Công an, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo ANTT, góp phần phát hiện, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương.
Có thể khẳng định, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được kết quả đáng khích lệ. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân của đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều trường hợp được đặc xá tha tù trở về địa phương có cuộc sống ổn định, an tâm lao động, sản xuất, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, tỷ lệ người đặc xá tái phạm tội là rất thấp. Qua đó, góp phần hạn chế tình hình tội phạm, đảm bảo ANTT, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Phương Thảo