Tạo căn cứ chính trị cho sự phát triển bền vững đô thị Việt Nam
Cập nhật ngày: 20-05-2022
 
Sáng 18/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06), theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu toàn quốc.
 
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
 
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
 
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bạc Liêu
 
Tại điểm cầu Công an tỉnh Bạc Liêu, tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tá Lê Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.

Báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 06, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh phát triển mới như hiện nay, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế, chính sách mới, tạo động lực phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nghị quyết được kết cấu gồm 04 phần, có mối liên quan chặt chẽ với nhau, trong đó phần một là về tình hình và nguyên nhân; phần hai là quan điểm, mục tiêu; phần ba là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; phần bốn là công tác chuẩn bị thực hiện.
 
Đại tá Lê Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh;
Đại tá Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bạc Liêu

 
Bộ Chính trị nhận định, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết 06 cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Cùng với đó, đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế...

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết 06 nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị./.
 
Trọng Nguyễn