Xử lý nghiêm vấn nạn “thực phẩm bẩn” – bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Cập nhật ngày: 7-05-2022
 
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được các ngành, các cấp và người dân đặc biệt quan tâm. Thực tế hiện nay, không ít người dân đang trở thành nạn nhân của các “gian thương” vì hám lợi mà sẵn sàng kinh doanh các mặt hàng “thực phẩm bẩn” trên thị trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh mà còn giống lên hồi chuông cảnh báo về sức khỏe của người tiêu dùng.
 
Trước thực trạng đó, Công an Bạc Liêu đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 34 vụ, liên quan 36 đối tượng có hành vi vận chuyển, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, tôm chứa tạp chất, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ…
 
Lực lượng Cảnh sát kinh tế kiểm tra hơn 3,7 tấn đậu không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ
 
Điển hình mới đây, hơn 3,7 tấn đậu nành, đậu xanh không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ do cơ sở kinh doanh thực phẩm của ông Trang Hoàng Anh, sinh năm 1978, ngụ Khóm 2, Phường 7, thành phố Bạc Liêu làm chủ đã bị Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Cục Quản lý thị trưởng tỉnh phát hiện và lập biên bản thu giữ khi chuẩn bị đem ra thị trường tiêu thụ.
 
Hay trước đó, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cũng bắt quả tang cơ sở kinh doanh thực phẩm có địa chỉ tại ấp Bình Minh, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình do ông Trần Văn Cảnh làm chủ, đang tổ chức cho công nhân dùng phẩm màu không rõ nguồn gốc nhuộm hơn 100kg tôm khô trước khi đem sấy khô thành phẩm.
 
 
Cảnh sát môi trường bắt quả tang cơ sở dùng phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ để nhuộm tôm khô
 
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thượng tá Lý Minh Khương, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian gần đây, các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, thậm chí được tẩm nhuộm hóa chất xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Các loại “thực phẩm bẩn” này không chỉ liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây mất cân bằng thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
 
Để chủ động phát hiện và xử lý các loại “thực phẩm bẩn” vận chuyển vào địa bàn Bạc Liêu tiêu thụ, Giám đốc Công an tỉnh cũng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra chặt chẽ các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy liên tỉnh nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, vận chuyển tôm chứa tạp chất.
 
Mới đây, Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh phát hiện và ngăn chặn kịp thời hơn 2,3 tấn tôm nguyên liệu chứa tạp chất Agar và CMC do tài xế Hồ Đắc Hoàng Nam, sinh năm 1981, ngụ khóm 3, phường 6, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau vận chuyển vào địa bàn Bạc Liêu tiêu thụ.
 
 
Lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện và kiểm tra xe tải vận chuyển gần 01 tấn tôm chứa tạp chất đi tiêu thụ
 
Trước đó, cũng thông qua công tác tuần tra kiểm soát các tuyến giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông đường bộ đã phát hiện xe tải biển kiểm soát 94C-037.61, do tài xế Lâm Văn Toàn, sinh năm 1994, ngụ khóm 1, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai điều khiển, bên trong có gần 01 tấn tôm nguyên liệu chứa tạp chất CMC được tài xế Toàn vận chuyển đi tiêu thụ trên địa bàn.
 
Để đấu tranh, xử lý hiệu quả các loại “thực phẩm bẩn” trên thị trường, Thượng tá Lý Minh Khương, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Cảnh sát kinh tế đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở kinh doanh và ý thức cảnh giác cho người dân trước các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
 
Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì mọi người dân cần nâng cao ý thức trước các loại “thực phẩm bẩn” và hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân trong gia đình./.
 
Trọng Nguyễn