Lực lượng Công an tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em cho người dân
Nhiều nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng
Theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021) thì: Số lượng người dùng internet ở Việt Nam là 68.720.000 người, tăng 551.000 người (tăng 0,8%) trong giai đoạn 2020-2021, chiếm 70,3% dân số; số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng 1 năm), tương đương 73,7% dân số, trong đó, trẻ em chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, trẻ em lại chưa có đầy đủ nhận thức về nguy cơ, mặt trái của internet, về kỹ năng sống cũng như kiến thức trong việc sử dụng internet, mạng xã hội một cách an toàn.
Khi tham gia môi trường mạng, trẻ em tiếp cận được nhiều nguồn kiến thức, nhiều thông tin bổ ích, tuy nhiên trẻ em cũng đối mặt với nhiều nguy cơ như: tiếp cận với quá nhiều thông tin giả; lộ thông tin cá nhân; bị bắt nạt qua mạng; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu độc, hoặc nội dung lừa đảo… Sự xâm hại với trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ.
Hiện nay, một lượng thông tin khổng lồ thông qua các mạng xã hội, internet…đang tác động trực tiếp tới trẻ em. Thực tế đã xảy ra một số sự việc đau lòng như trẻ bị lột đồ đánh hội đồng rồi bị tung clip lên mạng; trẻ bị quay trộm clip khi đang thể hiện tình cảm với bạn khác giới… dẫn đến việc các em cảm thấy hổ thẹn, hoang mang, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết. Theo số liệu thống kê, trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Bảo vệ trẻ em bằng nhiều biện pháp thiết thực
Việt Nam đã ban hành Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2018, trong đó có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Việt Nam cũng đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12/2019, App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) được khai trương. Các hoạt động triển khai nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, song nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại.
Tháng 6/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, với sự vào cuộc của các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Công an; đồng thời có sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cùng tham gia, triển khai.
Thực hiện Kế hoạch số 358/KH-BCA-A05 ngày 02/9/2021 của Bộ Công an về triển khai nhiệm vụ của Bộ Công an thực hiện Quyết định số 830 của Thủ tướng, ngày 14/01/2022 Công an tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Bộ Công an thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025". Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý hành vi xâm hại, gây nguy hại, xâm phạm quyền trẻ em được phát hiện hoặc diễn ra trên môi trường mạng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Công an các đơn vị, địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố, xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm trẻ em, gây nguy hại cho trẻ em diễn ra hoặc được phát hiện trên môi trường mạng. Nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật đối với quần chúng Nhân dân, nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ đối với đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ của Công an các cấp trong thực hiện công tác phòng, chống các nguy cơ, hành vi xâm hại, gây nguy hại, xâm phạm quyền trẻ em trên môi trường mạng.
Đổi mới cách thức, nội dung công tác tuyên truyền theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội. Phân công đầu mối thường trực trao đổi thông tin, tiếp nhận điều phối, xác minh, truy vết, điều tra, xử lý, ngăn chặn các vụ việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng. Nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng.
Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội, gia đình, nhà trường trong thực hiện lồng ghép chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng với các chương trình hành động vì trẻ em, các chương trình bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh. thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng./.
Hải Linh