MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Cập nhật ngày: 4-04-2022
 
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là dự án luật rất quan trọng, góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự: “... Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ bản đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội từ xa, từ cơ sở.
 

Lực lượng Công an, bảo vệ dân phố ra quân
đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh

 
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng là nhằm: (1) Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. (2) Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó có Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện. (3) Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
 
Quá trình xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bảo đảm theo những nguyên tắc, quan điểm sau:
 
Thứ nhất, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; kế thừa các quy định pháp luật còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập để xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
 
Thứ hai, tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
 
Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Do đó, việc sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở ở sở là yêu cầu cấp thiết, để vừa kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng, vừa tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động của lực lượng này, góp phần đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới./.
 
Hồng Thúy - Phòng Tham mưu Công an tỉnh