Cách đây 75 năm, ngày 06/01/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, cử tri cả nước đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đi bỏ phiếu bầu Quốc hội của nước Việt Nam. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một cơ quan thực hiện quyền lập pháp quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội có ba chức năng chính: Lập hiến, lập pháp; Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Nhiệm kì của mỗi khóa Quốc hội kéo dài 5 năm, đến nay Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trải qua 14 khóa.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới. Tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội đã thông qua nhiều luật, pháp lệnh và nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, cụ thể hóa và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền của đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế. Trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời. Sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.
![](/wcatbl/upload/articles10/04_2021/bhu.jpg)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu khóa XIV tiếp xúc cử tri tại xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi
Tại tỉnh Bạc Liêu, trong từng thời kỳ phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đều gắn liền với trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, qua đó càng khẳng định sự trưởng thành của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội từng khóa, trong đó có sự đóng góp về trí tuệ, cống hiến công sức rất lớn của các đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã có những ý kiến đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến quốc kế, dân sinh, đối ngoại của đất nước. Cùng với đó, Đoàn cũng đóng góp thiết thực cùng tỉnh Bạc Liêu tạo ra những đột phá, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm của các đại biểu Quốc hội các khoá trước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu khóa XIV có nhiều đổi mới về công tác tổ chức và hoạt động; đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp để xây dựng các văn bản luật và tham gia với các cơ quan chức năng của tỉnh kịp thời xử lý những bất cập, tồn tại, đồng thời đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội...
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lấy ý kiến 57 Dự án Luật bằng các hình thức; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp của Quốc hội trên 200 điểm tại các địa phương trong tỉnh với hơn 3.000 lượt cử tri tham gia. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu còn thực hiện tốt các mặt công tác giám sát; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Ngoài các hoạt động chuyên môn, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã tích cực vận động và trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung vào việc thăm, tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Nhiệm kỳ 2016-2021, là nhiệm kỳ có số lượng đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu công tác tại địa phương được tín nhiệm, điều động về công tác tại Trung ương nhiều nhất.
Đối với lực lượng Công an, Quốc hội khóa XIV cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có sự tham gia của đại biểu công tác trong lực lượng Công an Bạc Liêu. Cụ thể, ngày 22/5/2016, cử tri tỉnh Bạc Liêu đã bỏ phiếu, bầu ra đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu gồm 06 đồng chí. Trong đó, có đại biểu Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, sau đó ông được thăng hàm Thiếu tướng và được Bộ Công an điều động, bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an vào năm 2020.
Cùng với đó, lực lượng Công an tỉnh Bạc Liêu đã có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu khóa XIV. Cụ thể: lực lượng Công an toàn tỉnh đã rất tích cực, chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động của Đoàn đại biểu; làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, yêu cầu, chỉ tiêu Quốc hội giao trong lĩnh vực công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Đặc biệt, tập trung xây dựng các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp./.
Bích Ân