CÔNG AN BẠC LIÊU
Cảnh báo tình trạng đưa người trốn sang Lào rồi đòi tiền chuộc
Cập nhật ngày: 12-06-2023
Chỉ trong thời gian ngắn, tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên xuất hiện tình trạng nhiều lao động bị rủ rê, dụ dỗ đưa sang các nước Lào, Campuchia xin việc, sau đó bị khống chế, ngược đãi, ép buộc gọi điện về cho gia đình để gửi tiền chuộc nếu muốn quay trở về Việt Nam.

Lực lượng chức năng đã phối hợp giải cứu thành công nhiều trường hợp, đồng thời phát đi cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác.

Trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp nhận được đơn cầu cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Lào, Campuchia lao động rồi bị bóc lột, cưỡng bức và đòi tiền chuộc nếu muốn quay trở về Việt Nam. Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình trạng nêu trên đã có phần lắng xuống trong thời gian ngắn. Tuy vậy, trên địa bàn Hà Tĩnh, gần đây tiếp tục tái diễn tình hình liên quan đến tội phạm mua bán người sang Lào với nhiều diễn biến phức tạp.

Canh_bao_doi_tien_chuoc_2-1686533260717.jpg
Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh tiếp xúc với gia đình các nạn nhân có đơn trình báo.

Ngày 6/5/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn trình báo của 3 gia đình đều trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và 1 gia đình trú tại thị trấn M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk về việc 5 người con của họ đang bị các đối tượng đe dọa, đánh đập, khống chế, yêu cầu gia đình các nạn nhân chuyển số tiền 2,5 tỷ đồng "tiền chuộc" vào tài khoản của đối tượng thì chúng mới thả người. Cụ thể, theo đơn trình báo của ông H.B.H, trú tại huyện Can Lộc, do hoàn cảnh khó khăn nên đầu năm 2023, nghe theo lời quảng bá về chương trình "việc nhẹ, lương cao" của đối tượng không rõ danh tính, lai lịch trên mạng xã hội sang Lào làm việc, vợ chồng ông đã lần lượt cho hai người con trai là H.B.K và H.B.T "xuất ngoại" tìm kiếm việc làm.

Trong những tháng đầu tiên ở xứ người, công việc tuy có cực nhọc nhưng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, nhưng gần đây lần lượt cả anh K. và anh T. đều liên tục gọi điện về, cầu cứu bố mẹ mang tiền sang để chuộc người về, bởi các anh bị ép làm việc quá sức, bị đánh đập và đe dọa tính mạng. Theo ông H., mức tiền chuộc mà các đối tượng đưa ra là 500 triệu đồng mỗi người. Nhà nghèo không có tiền để gửi sang chuộc con, lo sợ tính mạng bị ảnh hưởng, ông H. đã làm đơn trình báo, cầu cứu sự giúp đỡ của lực lượng Công an và BĐBP Hà Tĩnh.

Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định sự việc là có thật, các nạn nhân đang làm việc và bị ngược đãi tại một casino của người nước ngoài làm chủ thuộc Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào). Ngay sau đó, Công an Hà Tĩnh và BĐBP tỉnh này đã phối hợp với Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát Lào đề nghị phối hợp giải cứu các nạn nhân. Đồng thời, lực lượng Công an, biên phòng các tỉnh tuyến Việt - Lào tăng cường lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng của bạn Lào tiến hành giải cứu các nạn nhân. Đến đầu tháng 6/2023, những người này đã được giải cứu thành công trong tình trạng sức khỏe, tinh thần tương đối ổn định. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục bàn giao cho gia đình.

Liên quan đến vấn đề này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ sau khi tiếp nhận trình báo của các nạn nhân, đơn vị đã thành lập tổ công tác, phối hợp với các lực lượng liên quan để tiến hành điều tra, đồng thời động viên các gia đình bình tĩnh, phối hợp để đưa nạn nhân về nước an toàn. Qua làm việc với các gia đình nạn nhân và công tác điều tra, xác minh ban đầu xác định, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... các đối tượng đăng tải các bài quảng cáo tuyển người đi làm việc tại Lào đối với người lao động trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 35 tuổi, kể cả nam và nữ. Sau khi đưa các nạn nhân sang Lào, thời gian đầu các nạn nhân vẫn liên lạc về gia đình bình thường, được các đối tượng bố trí nơi ăn nghỉ, việc làm và trả lương trong 3 tháng đầu nhằm tạo niềm tin đối với nạn nhân.

Những tháng tiếp theo, đối tượng bắt đầu yêu cầu nạn nhân liên lạc về gia đình để gửi các nhu yếu phẩm sang Lào. Sau đó khoảng 1 tháng, đối tượng lấy cớ vu khống cho nạn nhân trộm cắp tài sản của công ty rồi khống chế, đánh đập nạn nhân, yêu cầu nạn nhân liên lạc về gia đình chuyển "tiền chuộc" số tiền 500 triệu đồng/người, khi chúng nhận được tiền thì mới thả người. Để tránh việc nạn nhân tìm cách bỏ trốn, các đối tượng luôn bố trí người canh gác, quản thúc nạn nhân nghiêm ngặt, không cho liên lạc về gia đình, nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, chích điện, không cho ăn uống. Đồng thời, đe dọa gia đình sẽ đánh đập, chặt tay, chặt chân nếu không đưa tiền chuộc đúng hẹn.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã triệt phá thành công đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái phép trên địa bàn Hà Tĩnh, bắt giữ hai đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (SN 1998), trú xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc và Nguyễn Ngọc Tuyền (SN 1994), trú xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là 2 đối tượng liên quan trực tiếp đến các vụ việc đưa người dân trên địa bàn Hà Tĩnh sang lao động tại Campuchia trong thời gian qua, bất luận trước đó các đối tượng này đã bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố về tội mua bán người.

Từ sau khi đường dây này bị triệt xóa, tại Hà Tĩnh nói riêng và nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam… tình hình lao động Việt Nam sang Lào, Camphuchia làm việc trái phép rồi bị ngược đãi, đánh đập và đòi tiền chuộc đã lắng xuống. Tuy nhiên, gần đây lợi dụng người lao động khó khăn trong tìm kiếm việc làm, một số đối tượng lại tiếp tục dụ dỗ, lừa đảo xuất ngoại trái phép để khống chế, yêu cầu người thân gửi tiền chuộc để trục lợi, chiếm đoạt.

Trước tình hình nêu trên, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát đi khuyến cáo, cảnh báo người dân cần cẩn trọng trước những mời chào tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội, đặc biệt là cần thận trọng khi có ý định sang Lào làm việc. Bởi hiện nay, tại Lào có 4 đặc khu kinh tế do người nước ngoài hoạt động kinh doanh nhiều lĩnh vực, sử dụng nhiều lao động trẻ tuổi, làm việc trong môi trường phức tạp… Khi đã vào đây dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, dẫn đến hệ lụy lớn đối với bản thân và gia đình. Người dân cần cảnh giác, đề phòng với người lạ hoặc người đã từng quen biết, bạn bè đang làm ăn ở xa, chủ động liên hệ hoặc trở về quê hứa hẹn giúp đỡ tìm kiếm việc làm thuận lợi hoặc mời chào hợp tác làm ăn.

Ngoài việc tìm hiểu kỹ về địa điểm, công ty nơi đối tượng giới thiệu mình đến làm việc thì khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác