Nhận thấy nhiều người có lòng trắc ẩn, luôn muốn dang tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn mình nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng điều này lập các tài khoản facebook, các trang fanpage để kêu gọi từ thiện.
Tuy nhiên những đồng tiền kêu gọi được từ nhà hảo tâm, các đối tượng này không làm việc thiện nguyện mà dùng chi tiêu cho mục đích cá nhân. Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, những người có tấm lòng vàng cần tỉnh táo trước những “ma trận từ thiện” không rõ nguồn gốc này.
Cắt ghép hình ảnh thiện nguyện để xin tiền
Ngày 29-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với Cao Thị Hoài, 23 tuổi (trú tại xóm 8 xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ của Cơ quan cảnh sát điều tra, trước thời điểm bị bắt, Cao Thị Hoài đã lập gia đình và có 3 con nhỏ. Hoài từng làm công nhân may nhưng sau khi liên tiếp sinh nở thì chị ta nghỉ việc để tiện ở nhà chăm sóc con.
Trong một lần tình cờ lên mạng xã hội, Hoài biết đến facebook của một người sống tại tỉnh Bình Thuận chuyên làm việc thiện nguyện cho những trẻ sơ sinh xấu số. Cụ thể, trên trang facebook cá nhân của người này thường xuyên đăng tải những hình ảnh thu gom, mai táng cho những hài nhi xấu số. Vào đọc bình luận, Hoài thấy rất nhiều người gửi tiền cho chủ nhân facebook để ủng hộ việc làm thiện nguyện. Ngay lập tức người đàn bà này nảy sinh ý tưởng kiếm tiền bằng cách lừa đảo các nhà hảo tâm.
Nghĩ là làm, Hoài lập ngay một tài khoản facebook lấy tên “Trần Mai Thu Thảo (sau đổi tên thành “Mai Mai”). Hoài dùng facebook này để đăng tải những hình ảnh thiện nguyện được lấy và cắt ghép từ các trang facebook cá nhân khác rồi sau đó kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ tiền mua đất, mua vật tư phục vụ cho việc chôn cất những hài nhi xấu số. Hoài đặt slogan cho facebook mới là “Bảo vệ sự sống cho các con”. Để tăng độ tin cậy, đối tượng này còn tự khoác cho mình một công việc mới, đó là bác sĩ tại phòng khám “Tâm an đường”.
Để tăng độ tin cậy tới các nhà hảo tâm, facebook Mai Mai thường xuyên đăng những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé. Nhờ vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 11-2020 đến tháng 5-2021, facebook Mai Mai đã có hàng nghìn lượt xem, like và bình luận. Tài khoản ngân hàng của Hoài có tới vài trăm người ủng hộ. Người ủng hộ nhiều nhất lên tới vài chục triệu, người ít cũng tiền trăm.
Qua một thời gian thu thập tài liệu, trinh sát công nghệ cao phát hiện tài khoản facebook Mai Mai, chủ tài khoản là Cao Thị Hoài có dấu hiệu lừa kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tiền, phục vụ nhu cầu chi tiêu của cá nhân. Ngay khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo và triển khai ngay nhiều biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ. Qua điều tra, xác minh, trinh sát xác định được chủ tài khoản facebook “Mai Mai” và chủ tài khoản cá nhân nêu trong bài đăng kêu gọi ủng hộ đều là Cao Thị Hoài. Trên trang facebook, Cao Thị Hoài đăng tải các bài viết kêu gọi các nhà hảo tâm trên cộng đồng mạng ủng hộ, quyên góp tiền từ thiện dùng vào việc mai táng các thai nhi bị bỏ rơi, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên trên thực tế Hoài chưa từng một lần làm công việc thiện nguyện như các bài viết mà chị ta đăng tải. Những hình ảnh đó đều do Hoài lấy từ những facebook cá nhân khác rồi cắt ghép để làm sao thông điệp chuyển tải thương tâm nhất có thể. Như vậy sẽ khiến nhiều người động lòng trắc ẩn mà ủng hộ. Sau khi nhận được tiền từ thiện của các nhà hảo tâm, Hoài không chuyển cho bất cứ cá nhân, gia đình nào cần giúp đỡ hay tổ chức từ thiện nào, mà sử dụng để chi tiêu cá nhân. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 11-2020 đến tháng 5-2021, Cao Thị Hoài đã chiếm đoạt tài sản của 688 nhà hảo tâm với tổng số tiền gần 261 triệu đồng.
Trước đó vào ngày 10-5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Bộ Công an cho biết, đơn vị phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ đối tượng Trần Văn Lâm về hành vi lập Fanpage Facebook kêu gọi từ thiện để “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại cơ quan công an, Trần Văn Lâm khai, là người thiết lập và sử dụng Fanpage Facebook có tên “Hỗ Trợ Trẻ Em” để thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các nhà hảo tâm trên toàn quốc. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ tháng 9-2020, Lâm đã thiết lập trang Fanpage Facebook “Hỗ Trợ Trẻ Em”, đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là hoàn cảnh của các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Đã có hàng nghìn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng do Trần Văn Lâm tạo lập, quản lý.
Ngoài ra, Lâm khai nhận đã lập thêm 7 trang Fanpage Facebook khác nhằm mục đích tương tự, gồm: “Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em”, “Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em Việt Nam”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”. Các bài viết Lâm sử dụng đăng tải trên các Fanpage được lấy từ các hội, nhóm từ thiện trên mạng xã hội hoặc các bài viết trên báo điện tử, rồi chèn số tài khoản của mình vào để các nhà hảo tâm gửi tiền ủng hộ. Sau khi nhận tiền, Lâm không chuyển tiền cho gia đình các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà chuyển đến các tài khoản ngân hàng khác dùng để chơi Game bài và chi tiêu cá nhân.
Có thể xử lý hình sự
Hiện nay khi nền kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, nhiều người muốn được sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Cùng với sự phát triển của công nghệ, một trường hợp khó khăn, hay hoàn cảnh bất hạnh muốn nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng là rất dễ. Chỉ cần đăng lên mạng xã hội trong thời gian ngắn sẽ nhận được nhiều like, nhiều share, cùng với đó là sự ủng hộ cả về tiền bạc, vật chất của các Mạnh thường quân.
Và thường những câu chuyện cảm động về người cần được giúp đỡ sẽ rất dễ lấy được nước mắt của cộng đồng mạng. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo thường đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng, khơi gợi tình thương của họ bằng những hoàn cảnh đáng thương mà chúng tự dựng lên hoặc “xào nấu” lại từ những nhân vật có thật trên báo chí, mạng xã hội để kêu gọi từ thiện.
Thủ đoạn chính của chúng vẫn là tạo lập các trang mạng xã hội, sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ. Nhưng sau khi nhận được tiền ủng hộ, các đối tượng không hề trao tặng lại cho nhân vật như đã hứa hẹn, mà chiếm đoạt làm của riêng.
Theo luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn luật sư Bắc Giang, hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. “Kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt hoặc ăn bớt tiền từ thiện là hành vi trục lợi trên nỗi đau, trên khó khăn hoạn nạn của người khác và là hành vi lừa dối, gian dối. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của con người vào lòng tốt và tâm hướng thiện”.
Cũng theo luật sư Khải, giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng; song thực tế họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền hoặc toàn bộ số tiền đó thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.
Để tránh tình trạng bị lợi dụng lừa đảo, mỗi người dân khi tiếp nhận thông tin từ thiện cần phải xác minh. Nếu là cá nhân, tổ chức tự phát đứng ra kêu gọi, trước tiên phải xem xét các nhân, tổ chức đó có đáng tin cậy hay không, như địa chỉ làm việc, công việc, nhân thân, nghề nghiệp rõ ràng, đã từng bị tố cáo trên mạng xã hội, báo chí hay chưa. Chỉ cần cú click chuột là có thể dễ dàng tra cứu thông tin trên google hay mạng xã hội, đồng thời xác minh thông tin về cả nhân vật được kêu gọi giúp đỡ lẫn người kêu gọi giúp đỡ thông qua chính quyền địa phương.
Lại nhớ cách đây vài năm, khi ấy trên khu vực đường Đội Cấn, Hà Nội, có một bà cụ hơn 80 tuổi, chiều tối nào cũng lọ mọ ra ngồi bán chanh ở gần ngã tư Liễu Giai. Trên mạng xã hội, thông tin về cụ cũng được lan truyền khắp các hội nhóm, đề nghị giúp đỡ cụ. Người thì bảo cụ không con cháu, sống một mình, người thì bảo có con cái nhưng không ai nuôi nên già cả vẫn phải đi bán hàng mưu sinh. Khi nào bán hết chanh cụ mới về. Vì thế cụ được người đến mua và ủng hộ cả tiền bạc. Muốn giúp đỡ cụ, chúng tôi đã cẩn thận đi theo cụ về tận nhà để biết tường tận gia cảnh của cụ để kêu gọi từ thiện. Nhưng thật bất ngờ, nhà cụ ở ngay trong một ngõ nhỏ phố Đội Cấn, khá đàng hoàng. Khi hỏi thăm thì hàng xóm xung quanh đều bảo cụ bị “giời đày”. Cụ ở cùng con cháu, gia đình khá giả lắm. Các con cấm không cho cụ đi bán hàng, nhưng cụ cứ thích lọ mọ, không cho đi thì lại trốn con cháu đi. Các con nói mãi không được nên cũng để cụ thích làm gì thì làm...
Xã hội luôn hoan nghênh những người có tấm lòng vàng, hết lòng vì người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn, nhưng hãy để tấm lòng của mình được đặt đúng chỗ, tránh tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo, lợi dụng từ thiện để trục lợi.
Tốt nhất những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp, hoặc chính quyền nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh...
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.