Vì vậy, nhiều người dân nảy sinh tâm lý hoang mang, lo lắng, muốn được sớm tiêm vaccine ngừa Covid -19; tâm lý dự trữ nhu yếu phẩm thiết yếu, dược phẩm, dụng cụ, vật tư y tế phòng tránh dịch cũng như e ngại, không muốn vào các cơ sở cách ly tập trung… Đánh vào tâm lý trên, các đối tượng xấu đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo, trộm cắp hoặc cướp tài sản của người dân. Qua nắm được, thời gian qua các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn sau:
1. Giả mạo nhân viên y tế hoặc người thuộc lực lượng phòng, chống dịch gọi điện vận động người dân quyên góp tiền mua vaccine ngừa Covid-19 hoặc ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, đồng thời hứa hẹn sẽ ưu tiên cho nạn nhân tiêm vaccine sớm nếu quyên góp tiền, khi nạn nhân chuyển tiền thì liền cắt liên lạc.
2. Giả mạo nhân viên y tế hoặc đại diện thương mại cho nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 thông báo có sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để được tiêm ngừa, sau khi nhận được tiền thì chiếm đoạt hoặc cung cấp vaccine giả.
3. Giả mạo nhân viên y tế gọi điện thông báo nạn nhân nằm trong danh sách bị cách ly tập trung hoặc đang truy vết F1, F2, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để khai báo y tế, bao gồm cả thông tin về thẻ căn cước công dân, mật khẩu và tài khoản ngân hàng… hoặc yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường link website có chứa mã độc, khi nạn nhân thực hiện theo yêu cầu thì bị đối tượng đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng.
4. Quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Zalo… dịch vụ cung cấp giấy xét nghiệm Covid-19 làm “giấy thông hành” qua trạm kiểm soát; rao bán các loại dược phẩm, dụng cụ, vật tư y tế phòng tránh dịch và hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu. Khi nạn nhân chuyển tiền mua hàng thì liền chặn liên lạc.
5. Mặc trang phục dân quân tự vệ, đóng giả lực lượng phòng, chống dịch, khi phát hiện người vi phạm quy định về phòng, chống dịch thì đe dọa, yêu cầu người vi phạm đưa một số tiền ít hơn tiền nộp phạt để được bỏ qua lỗi.
6. Mặc trang phục bảo hộ phòng dịch, đóng giả nhân viên y tế đến tận nhà người dân phun thuốc phòng dịch, phát thuốc diệt khuẩn rồi thu tiền của người dân hoặc phát khẩu trang có tẩm thuốc mê để gây mê rồi cướp tài sản hoặc lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản.
7. Giả mạo nhân viên y tế gọi điện cho nạn nhân mạo nhận việc đã điều trị cho người thân của nạn nhân khỏi Covid-19, rồi yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí cho quá trình điều trị.
8. Giả mạo thông tin của các tổ chức y tế, gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm Covid - 19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc dẫn đến thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng bị chiếm đoạt.
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua mặc dù chưa xuất hiện các thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên, để tránh sập bẫy của đối tượng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tình hình phòng, chống dịch từ các nguồn chính thống; tuyệt đối không nhấp vào các đường link lạ; khi nhận được các yêu cầu chuyển tiền phải kiểm tra, xác thực trước khi chuyển. Ngoài ra, những người trẻ trong gia đình phải thường xuyên cập nhật, thông tin với cha mẹ, ông bà về các thủ đoạn lừa đảo có sử dụng công nghệ cao để họ biết và đề phòng. Trường hợp nghi ngờ đối tượng lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý./.
Phạm Việt Thắng
|