Án mạng thương tâm từ bi kịch gia đình
Cập nhật ngày: 7-07-2021
 
Liên tiếp những vụ án mạng đau lòng xuất phát từ mâu thuẫn gia đình khiến nhiều người bàng hoàng. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, nhưng tích tụ lâu ngày đến lúc không kiểm soát được bản thân mà án mạng xảy ra. Những tấn bi kịch đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong gia đình hiện nay.
 

Những vụ án mạng đau lòng
 

Nếu như trước đây những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình thường xảy ra ở các huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do nhận thức pháp luật thấp, thì gần đây nhiều vụ việc xảy ra ngay cả với những gia đình có nhận thức cao, thậm chí là cán bộ công nhân viên chức. Hậu quả của những vụ việc này thường rất lớn, không chỉ tước đoạt mạng sống của người thân, mà còn khiến cho con mất cha, vợ mất chồng, kẻ vướng vào lao lý. 

 
Hung thủ Đào Văn Thịnh.

Mới đây một vụ thảm án đau lòng xảy ra đúng Ngày gia đình Việt Nam 28-6-2021. Lẽ ra đó là ngày hạnh phúc với chị Đào Thị S. (thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ, Thái Bình) thì lại là ngày tang thương nhất khi các con của chị mất cả mẹ cả ông bà ngoại chỉ vì nhát dao oan nghiệt của người cha vũ phu.
 

Khoảng 8 giờ sáng ngày 28-6-2021, Đào Văn Thịnh (chồng chị S.) đến nhà ông Đào Đình C. và bà Vũ Thị M., là bố mẹ vợ ở cùng địa chỉ (thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa) để nói chuyện. Quá trình nói chuyện, Thịnh xảy ra mâu thuẫn với vợ và bố mẹ vợ nên đe dọa giết cả nhà bố vợ.
 

Thấy vậy, ông C. đã chửi Thịnh là "đồ khốn nạn" rồi thách con rể làm cái việc mà anh ta vừa đe dọa. Đang sẵn cơn uất ức vì vợ nhất mực đòi ly hôn giờ lại bị bố vợ chửi nên Thịnh đã chạy xuống bếp lấy con dao mác chạy lên nhà rồi vung chém bố vợ. Chị Đào Thị S. và mẹ đẻ thấy vậy lao vào ôm Thịnh để can ngăn nhưng cũng bị chém tử vong tại chỗ.
 

Sau khi xuống tay với vợ và bố mẹ vợ, Thịnh cởi áo dính máu vắt lên dây phơi, rút chiếc vỏ chăn đang phơi ở dây xuống đắp cho mẹ vợ. Đối tượng rửa chân tay rồi đi xe máy về nhà (cùng thôn) để tắm giặt, thay quần áo. Sau đó Thịnh ra Công  an xã Quỳnh Hoa tự thú.
 

Tại hiện trường, ông C. tử vong trong tư thế ngồi trên ghế ở ngoài sân. Riêng bà M. và chị S. được phát hiện tử vong gần đường dẫn ra ngõ. Cạnh thi thể chị S., cơ quan chức năng phát hiện một lá đơn ly hôn.
 

Khi lên Công an xã Quỳnh Hoa đầu thú, Thịnh nói mình đã giết vợ và bố mẹ vợ và muốn công an bắt mình. Tuy nhiên, trước thái độ bình tĩnh và không hề tỏ ra run sợ, Thịnh đã khiến một cán bộ công an xã nghĩ rằng anh ta đang đùa. Phải đến lần thứ 2 Thịnh khẳng định điều đó thì anh mới gọi điện xuống thôn Bái Trang để yêu cầu xác minh thì đúng là như vậy.
 

Theo tìm hiểu của phóng viên, vợ chồng Thịnh lấy nhau được hơn 1 năm thì chị S. sinh con gái đầu lòng. Khi con gái đầu cứng cáp, vợ chồng Thịnh chuyển vào Tây Nguyên buôn bán tinh dầu từ cao su, lốp xe đã qua sử dụng. Cách đây 5 năm, khi chị S. sinh bé gái thứ 2 thì 3 mẹ con về quê ở hẳn với bố mẹ chồng còn Thịnh vẫn làm trong miền Nam và thi thoảng về quê thăm vợ con.

 
Ngôi nhà ông C. - nơi xảy ra vụ việc đau lòng.

Khoảng đầu năm 2020, Thịnh chính thức về hẳn với vợ con. Cũng từ đây mâu thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra. Bản thân Thịnh là đối tượng nghiện ma tuý, từng nhiều lần đánh vợ, thậm chí có lần đổ xăng vào người dọa thiêu vợ. Phía chị S. đã nhiều lần bỏ về nhà bố mẹ đẻ, nhưng vì thương hai đứa con gái còn nhỏ nên lại về sống với Thịnh. Gần đây chị S. làm đơn ly dị chồng, cơ sở thôn xóm đã tổ chức hòa giải nhưng không thành.
 

Trước đó, ngày 23-6, một vụ án chồng giết vợ đau lòng đã xảy ra ở Hà Giang. Chị Nguyễn Thúy H, sinh năm 1992, trú tại Tân Tiến, Hoàng Su Phì, Hà Giang được phát hiện tử vong ngay tại hiện trường. Trên giường là chồng cũ Hoàng Duy Thành, sinh năm 1982, với nhiều vết thương trên cơ thể. Sau đó Thành được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang. Bước đầu cơ quan điều tra xác định sau khi ly hôn, chị H về ở tại nhà riêng tại thôn Quang Tiến, Quang Minh, Bắc Quang. Khoảng 22h giờ ngày 22-6-2021, Thành về nhà riêng nơi H đang ở và đòi gặp, tuy nhiên H không muốn gặp, không mở cửa cho Thành vào nhà. Thành đã trèo và chui qua mái lợp xi măng vào trong nhà, đến khi người nhà của chị H đến thì phát hiện sự việc trên.
 

Cách đấy không lâu, một vụ án đau lòng cũng xảy ra vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-2021. Nguyễn Duy Chức, sinh năm 1983, hộ khẩu ở Võng Xuyên, Phúc Thọ, TP. Hà Nội đã ra tay sát hại vợ là chị Đ.T.T.H, có đăng ký tạm trú tại Đại Mạch, Đông Anh và con gái là cháu N.T.D.P mới chỉ sinh năm 2014. Nguyên nhân gây án do Chức bị trầm cảm từ lâu. Gây án xong, Chức đã tự tử bằng cách uống nhiều loại thuốc nhưng không thành.
 

Giải pháp nào để ngăn chặn?
 

Phần lớn, những vụ án mạng đau lòng xảy ra đều xuất phát sự lệch lạc về nhận thức, lối sống và quan điểm sống sai lầm; hoặc do tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi, cụ thể ở đây là tiền bạc, phân chia tài sản không hợp lý cũng dẫn đến sự thiếu kiềm chế trong hành động. Hậu quả của những vụ việc mâu thuẫn gia đình thường rất lớn, là do những xung đột bị tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện sẽ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
 

Mâu thuẫn trong gia đình không phải không có cách giải quyết nếu như những thành viên trong gia đình ngồi lại cùng tìm cách xử lý một cách khéo léo, nhân văn.
 

Dưới góc độ tâm lý, Nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng: "Khi vợ chồng khúc mắc thì cố gắng chủ động đối thoại để tâm lý không bị đẩy tới đỉnh điểm. Không nên để cho sự việc nó tích tụ cộng dồn, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Nếu không may xảy ra xung đột thì phải phòng ngừa các tình huống xấu. Trước hết là không đứng gần những vật dụng cứng, nhọn (là những thứ có khả năng gây sát thương).
 

Trong trường hợp một trong hai bên không muốn giữ lại gia đình vì quá ngột ngạt, muốn buông tay thì cũng là một hình thức kích thích sự hận thù, hằn học của người còn lại. Trong hoàn cảnh như vậy thì rất cần những người thân có cái nhìn sáng suốt, tỉnh táo để khuyên nhủ, để cho người còn lại hiểu bản chất vấn đề.
 

Khi vợ chồng thường xuyên xung đột thì không nên âm thầm chịu đựng, đừng mang tâm lý xấu hổ kiểu "xấu chàng hổ ai", bởi như thế là tự đẩy mình đến tình huống bất lợi. Thông thường tâm lý chung của phụ nữ là nếu cảm thấy còn che giấu được chuyện vợ chồng lục đục thì sẽ cố che giấu đến cùng. Cực chẳng đã người ta mới ra tới chính quyền để xin bảo vệ quyền lợi và tính mạng mình. Tuy nhiên, theo tôi nếu ngại tới chính quyền thì trước tiên phải báo cho người thân biết để phòng những tình huống xấu, sau đó có thể báo tới các hội đoàn như Hội phụ nữ để họ có những tác động kịp thời, tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
 

Để ngăn chặn án mạng từ mâu thuẫn gia đình, trước hết, mỗi người dân cần phải nhận thức rõ những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, chỉ được làm những việc pháp luật không cấm; không sử dụng ma túy, hạn chế tối đa các chất kích thích; không dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân; không nghe theo, cổ súy, tham gia vào các hội, nhóm có tư tưởng tiêu cực, cổ hủ, lạc hậu.
 

Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân; phát huy vai trò của các tổ hòa giải, tổ liên gia, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống; tổ chức các câu lạc bộ, hội đoàn thể, mô hình quần chúng, tạo môi trường, sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân.
 

Án mạng trong gia đình luôn để lại những ám ảnh suốt đời cho hung thủ và những người thân của họ, bản án trước Tòa hay bản án lương tâm cũng không bao giờ bù đắp, hàn gắn được những đau thương, mất mát.
 

Trong cuộc sống gia đình không tránh khỏi những mâu thuẫn, khúc mắc, thậm chí nhiều lúc tưởng như cùng đường nhưng sử dụng bạo lực, sử dụng vũ khí cướp đi tính mạng của chính những người thân yêu nhất từng đầu ấp tay gối là điều không thể dung thứ.


Nguồn cand.com.vn