Phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cập nhật ngày: 21-06-2021
 
Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp cả về số lượng, tính chất và mức độ thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống nhân dân, trong đó có một số thủ đoạn nổi lên gần đây như:
 
Các đối tượng sử dụng điện thoại giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, ngân hàng.. gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận bưu phẩm, giấy triệu tập hoặc chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước nhằm phục vụ công tác điều tra..; giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người khác.


ảnh minh họa (nguồn Internet)
         
Các đối tượng người nước ngoài tạo lập tài khoản mạng xã hội (Facebook), gắn mác là người giàu có, thành đạt muốn làm quen, gửi tiền, giúp đỡ những người Việt Nam đang gặp khó khăn. Sau khi khai thác được thông tin bị hại những đối tượng này sẽ gửi thông tin cho các đối tượng người Việt Nam đóng giả là nhân viên của đơn vị vận chuyển, sử dụng sim rác gọi xác nhận đã được nhận quà, hàng hóa, yêu cầu bị hại nộp các loại phí nhằm chiếm đoạt.

Các đối tượng giả mạo Website, đầu số tin nhắn (brand name) của các Ngân hàng cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến, yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP, sau đó đăng nhập chiếm đoạt tài sản hoặc hướng dẫn bị hại truy cập vào các đường Link giả mạo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
         
Chiếm quyền quản trị tài khoản (hack) của nạn nhân, sau đó nhắn tin cho danh sách bạn bè của nạn nhân để lừa chuyển tiền; đòi tiền chuộc lại quyền quản trị tài khoản; lợi dụng tình hình dịch Covid 19, mua bán hàng Online trên mạng, yêu cầu khách hàng chuyển khoản đặt cọc khi mua hàng, sau đó chiếm đoạt tiền, không thực hiện giao dịch đã thỏa thuận…
         
Thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng dùng thủ đoạn xây dựng các Website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế như: Bigbuy24h, Binomo, Coolcat, Forex, Bitcoin, Busstrade…kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp, có hưởng hoa hồng khi giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu… Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống. Khi người tham gia đạt một số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi.

Tổ chức cho vay qua các ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến, cho vay ngang hàng với nhiều loại phí phát sinh nhằm “lách” quy định về lãi suất cho vay;

Thủ đoạn lừa đảo thông qua môi giới, đầu tư, mua bán bất động sản. Các đối tượng tạo ra các đợt sốt bất động sản ảo, thu hút người đầu tư, sau đó sử dụng các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản như: lừa đảo chiếm dụng tiền đặt cọc, một lô đất bán cho nhiều người, làm giả, đánh tráo sổ đỏ, mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín để lập các dự án “ma” lừa bán; giả danh ngân hàng thanh lý nhà đất để chiếm đoạt tài sản.
         
Thủ đoạn lừa đảo thông qua mua bán, chuyển nhượng sinh vật cảnh (chim cảnh, cá cảnh, cây cảnh..). Gần đây nổi lên tình trạng mua bán, chuyển nhượng cây lan đột biến với nhiều giao dịch, chuyển nhượng diễn ra công khai, với số tiền hàng trăm tỷ đồng được quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội, gây sự chú ý của dư luận, truyền thông và kéo theo rất nhiều người lao vào vòng xoáy trồng, đầu tư, mua bán lan đột biến. Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng lan đột biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản…
         
Thủ đoạn lừa đảo thông qua giao dịch, chuyển nhượng kim khí, đá quý, xương động vật quý (kim cương, vàng bạc, đá thiên thạch, sừng tê giác, ngà voi, cao hổ, xương hổ…). Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của nạn nhân, dàn cảnh để tạo lòng tin, lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc, chi phí phát sinh để chiếm đoạt, nhiều vụ với số tiền rất lớn. Hoặc thủ đoạn lừa tráo đổi kim cương nhân tạo với kim cương tự nhiên để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra còn một số thủ đoạn khác.
         
Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn trên. Công an tỉnh Bạc Liêu đề nghị người dân tự cảnh giác, phòng ngừa, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như: Số tài khoản, mật khẩu đăng nhập (mã OTP); không truy cập vào các đường “link” lạ; kịp thời tố giác với cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý./.
                                                                                                                                         
  Trần Phát Triển