CÔNG AN BẠC LIÊU
Cảnh báo nguy cơ thương tích từ việc tự chế pháo nổ
Cập nhật ngày: 22-01-2021
Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, số người bị thương tích do tự chế pháo nổ lại xuất hiện càng nhiều. Đáng lo ngại là hiện nay chỉ cần lên mạng Internet, mọi người đều có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc hướng dẫn cách làm pháo tự chế, thậm chí, các loại hoá chất để chế tạo pháo cũng được rao bán công khai trên mạng…

Từ 15 đến 20/1, tại nhiều địa phương trên cả nước như: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh… liên tiếp xảy ra các trường hợp bị thương tích nặng do tự chế pháo nổ…

Tại Thanh Hoá, mặc dù từ cuối năm 2020 đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhập viện do tự chế pháo nổ, tuy nhiên theo nhận định của các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thông thường, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán lại xuất hiện các bệnh nhân bị thương tích do pháo nổ, trong đó có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng chấn thương rất nặng. Điển hình như cuối năm 2019, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhân 13 tuổi, quê ở huyện Triệu Sơn bị dập nát bàn tay và tổn thương nhiều bộ phận trên cơ thể sau khi mua 50 hộp diêm về học chế tạo pháo theo hướng dẫn trên mạng Internet.

 
Cảnh báo nguy cơ thương tích từ việc tự chế pháo nổ

Ngày 18/1, Đội chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã đột kích, kiểm tra, phát hiện và bắt giữ xưởng sản xuất pháo nổ qui mô nhỏ của đối tượng Lê Hữu Thiện, SN 1999, ở xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn. Trước đó, sáng 18-1, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bắt quả tang Lê Hữu Thiện đang vận chuyển 152 quả pháo cối có trọng lượng 1,5kg đi tiêu thụ.

Qua đấu tranh, Thiện khai số pháo nói trên do Thiện tự sản xuất tại nhà riêng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Hữu Thiện tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, lực lượng Công an đã thu giữ: 0,1kg thuốc pháo, dây ngòi, keo, bột lưu huỳnh… và các dụng cụ dùng để sản xuất pháo nổ. Thiện khai nhận đã mua thuốc pháo về và sản xuất pháo rồi đem lên thành phố Thanh Hóa bán lẻ.

Thạc sỹ, bác sĩ Lưu Đức Thọ, Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết: Những tổn thương do pháo nổ gây nên gồm: thứ nhất là tổn thương vào mắt, có thể gây bỏng mắt; tổn thương ở vị trí bàn tay do trẻ chế tạo pháo thì bàn tay trực tiếp tiếp xúc với quả pháo nên khi phát nổ thì nơi tiếp xúc chính là bàn tay, có những trường hợp tổn thương, phải cắt bỏ bàn tay; tổn thương nữa là bỏng do nhiệt lượng của quả pháo gây ra.

Hiện nay thông qua mạng Internet, không khó để mọi người có thể tìm kiếm cách thức hướng dẫn làm pháo nổ. Trong khi với nhiều người, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, do tâm lý tò mò, thích khám phá, cùng sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nên đã lên mạng xã hội để mày mò học cách làm pháo nổ.

Do đó, để ngăn ngừa tình trạng tự chế tạo pháo và sử dụng pháo nổ trái phép, các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh về những nguy hại của pháo nổ.

Bà Đoàn Thị Ân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung cho biết: Trường THPT Hoàng Lệ Kha đã phối hợp chặt chẽ với Công an trên địa bàn và với phụ huynh để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho các em học sinh về việc phòng chống pháo nổ và vật liệu cháy trong dịp trước, trong và sau Tết. Từ đó nâng cao ý thức cho các em, đặc biệt là không tự ý mày mò chế pháo nổ.

Còn theo Trung tá Trương Văn Hoàng, Trưởng Công an phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá: Để quản lý và ngăn chặn tình trạng làm pháo tự chế và sử dụng pháo tự chế gây nguy hiểm trong học sinh thì lực lượng Công an phường đã tham mưu cho trường học tổ chức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, đặc biệt Công an phường đã phân công cho Chi đoàn thanh niên đến để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn các cháu thực hiện tốt các quy định của pháp luật cũng như kiên quyết không nổ pháo, tự chế các loại pháo.

Các bác sĩ cũng cảnh báo: Tai nạn do pháo nổ gây ra thường là những chấn thương rất nặng. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời từ trò “nghịch dại” này. Vậy nên bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng thì chính các bậc phụ huynh cần phải có biện pháp quản lý, giáo dục con em để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo, nổ pháo, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang gần kề như hiện nay.

Theo: cand.com.vn

Các tin khác