CÔNG AN BẠC LIÊU
Thoát bẫy lừa đảo chuyển tiền “khủng” ngay tại quầy giao dịch
Cập nhật ngày: 16-07-2020
Từ công tác tuyên truyền, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của các phòng giao dịch và nhân viên ngân hàng trên địa bàn quận, làm giảm thiệt hại cho người dân số tiền lên đến hàng tỷ đồng...

Ngân hàng và nhân dân cảnh giác ngăn chặn kịp thời lừa đảo
 

Khoảng 8h ngày 29/6, ông P. (SN 1958, hiện ở tại quận Thanh Xuân- Hà Nội) nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an phòng cảnh sát ma tuý đang điều tra vụ án mua bán ma tuý và rửa tiền. Đối tượng nói rằng ông P. có liên quan đến vụ án, chụp ảnh lệnh bắt khẩn cấp gửi cho ông P. và hỏi về các tài khoản ngân hàng của ông P. rồi yêu cầu phải chuyển số tiền 300 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng để thanh tra.Trong quá trình nói chuyện, các đối tượng yêu cầu ông không được kể lại câu chuyện trên cho người nào biết...
 

Quá hoang mang trước sự việc xảy ra, 11h cùng ngày, ông P. vội ra ngân hàng NCB tại 28 Bà Triệu làm thủ tục rút tiền để gửi cho đối tượng.  Khi ông rút được 200 trăm triệu đồng chuẩn bị chuyển vào tài khoản của đối tượng thì đọc được Cảnh báo của Công an Hoàn Kiếm đặt tại ngân hàng. Lúc này, ông phát hiện mình bị lừa nên đã dừng việc chuyển tiền.
 

Trước đó, vào khoảng 13h30 ngày 26/5, bà N. (SN 1959, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến phòng giao dịch Ngân hàng Vietinbank, có địa chỉ tại 35-37 Hàng Bồ) làm thủ tục rút 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 450 triệu đồng. Thấy bà rút số tiền nhiều, nhân viên ngân hàng yêu cầu đọc Cảnh báo của cơ quan Công an. Sau khi đọc xong cảnh báo đã biết mình bị lừa nên bà N. không chuyển tiền.
 

Cũng tương tự, khoảng 15h45 ngày 2/6, bà P. (SN 1956, HKTT Hoàn Kiếm) đã đến ngân hàng xây dựng CBBank tại 96 Bà Triệu rút tiền từ sổ tiết kiệm số tiền 220 triệu đồng để chuyển khoản.
 

Trước khi chuyển khoản, bà P. đã được nhân viên ngân hàng yêu cầu đọc cảnh báo và biết mình bị lừa nên không thực hiện việc chuyển tiền.
 

Một số vụ việc, nhân viên ngân hàng đã chủ động phát hiện nghi vấn như vào hồi 14h ngày 4/6, nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng ViettinBank có địa chỉ tại 37 Hàng Bồ đã phát hiện bà H. (SN 1978, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến ngân hàng để chuyển tiền.
 

Thấy có biểu hiện nghi vấn, nhân viên ngân hàng đã tư vấn và yêu cầu bà H. đọc biển cảnh báo, sau khi đọc biển cảnh báo xong bà H. đã phát hiện mình bị lừa đảo và không thực hiện giao dịch.
 

Tiếp đó, vào hồi 10h ngày 5/6, cũng tương tự như trên tại chi nhánh ngân hàng VPBank địa chỉ 39 Ngô Quyền, nhân viên ngân hàng VPBank cũng đã tư vấn và yêu cầu khách hàng là anh L. (SN 1990, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc lại bảng cảnh báo. Sau khi đọc xong anh L. cũng biết mình bị lừa đảo nên không thực hiện giao dịch. (Anh L. không cho biết ý định chuyển bao nhiêu tiền).
 

Việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt số lượng tiền lớn thể hiện hiệu quả của công tác tuyên truyền mà Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai, sự phối hợp kịp thời và ý thức cảnh giác của các phòng giao dịch và nhân viên Ngân hàng trên địa bàn quận đã kịp thời làm giảm thiệt hại cho người dân số tiền lên đến một tỷ đồng.
 

Phối hợp với ngân hàng, cách làm hiệu quả góp phần phòng ngừa, tội phạm
 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Việc tuyên truyền xuất phát từ thực tiễn trên địa bàn. Trong thời gian qua tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội và gọi điện thoại giả danh cơ quan tư pháp với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn.

 

Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm tặng giấy khen cho các cán bộ ngân hàng tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống tội phạm.


Một số người dân, trong đó có cả cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, nhân viên ngân hàng, trí thức, người trẻ tuổi,... do nhận thức chưa đầy đủ hoặc nhẹ dạ cả tin đã bị lừa đảo chiếm đoạt với số tiền lớn.
 

Đặc biệt có nhiều người dân mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn bị các đối tượng gọi điện giả danh cán bộ tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản đối tượng cung cấp để chiếm đoạt số tiền rất lớn. Phần lớn sau khi xảy ra các vụ việc, các bị hại đến cơ quan Công an trình báo thì đã bị các đối tượng rút hết tiền trong tài khoản hoặc chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau để chiếm đoạt, ít có khả năng thu hồi.
 

Trong các trường hợp này, thủ đoạn của tội phạm là tự xưng là nhân viên bưu điện, nhân viên sân bay, ngân hàng... gọi điện vào máy điện thoại cố định, điện thoại di động thông báo “người bị hại” đang nợ tiền cước điện thoại, nợ tiền thẻ tín dụng, nợ vay ngân hàng hoặc có bưu phẩm, quà tặng gửi ở các Bưu điện, sân bay lâu ngày không đến nhận,...
 

Khi “người bị hại” thắc mắc không có những việc như trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho bị hại nói chuyện với “cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án,...”. Sau đó, đối tượng yêu cầu “người bị hại” gọi điện đến tổng đài 1080 để kiểm tra số điện thoại mà đối tượng cho sẵn có phải là của cơ quan Công an không?
 

Để người bị hại tin tưởng là đang làm việc với cơ quan Công an, đối tượng đã sử dụng thiết bị, phần mềm gọi điện thoại qua mạng internet để giả lập số điện thoại gọi đến hiển thị giống với số điện thoại Cơ quan Công an (ví dụ: số +840693187783 giống với số 0693187783 của Công an TP Hồ Chí Minh, chỉ khác đầu số +84).
 

Sau đó, đối tượng yêu cầu “người bị hại” khai các thông tin cá nhân như: họ tên, số điện thoại, số căn cước công dân, thông tin các tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động,... rồi sử dụng số điện thoại (ví dụ +840693187783) gọi vào số điện thoại di động của “người bị hại” thông báo họ có mở một tài khoản khác liên quan đến các vụ án buôn bán ma túy, rửa tiền lớn mà cơ quan công an đang điều tra.
 

Đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện các việc như cung cấp các thông tin như: số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hồ sơ do đối tượng cung cấp và tên đăng nhập, mật khẩu Internet baking. Sau khi nhập xong, ứng dụng hiển thị “Lệnh bắt của Viện Kiểm sát” có tên bị hại.
 

Một trường hợp khác, các đối tượng yêu cầu họ cài đặt ứng dụng có giao diện “Bộ Công an” theo đường dẫn http://136.244.64.122/static/109807/protectV10.apk mà chúng gửi cho bị hại qua tin nhắn. Quá trình gọi điện thoại cho bị hại, đối tượng luôn tạo cho bị hại có cảm giác lo sợ, không có thời gian suy nghĩ về các nội dung mà đối tượng cung cấp từ đó “điều khiển” bị hại đến phòng giao dịch Ngân hàng rút tiền từ tài khoản tiết kiệm để chuyển vào số tài khoản đối tượng cho sẵn.
 

Sau khi nhận được tiền, đối tượng khẩn trương rút số tiền chiếm đoạt được hoặc sử dụng Internet Banking chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau. Phần lớn số tài khoản thụ hưởng, các đối tượng mua của những người không quen biết, do vậy công tác điều tra truy xét gặp nhiều khó khăn.
 

Bên cạnh đó một số thủ đoạn khác của tội phạm lừa đảo như giả mạo người thân, người quen trên Facebook, Zalo; kết bạn ngoại quốc nhờ nhận, chuyển quà; lừa trúng thưởng...nhiều trường hợp cũng đến các phòng giao dịch Ngân hàng để chuyển tiền, tuy nhiên dấu hiệu nhận biết tương đối khó khăn.
 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đơn vị trong Công an quận triển khai các biện pháp tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị để người dân biết chủ động phòng tránh.
 

Ngày 20/5, Công an quận Hoàn Kiếm có Công văn số 998/CAHK gửi các Phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn quận để tổ chức đặt biển cảnh báo tại các quầy giao dịch ngân hàng để khi người dân bị lừa, đến ngân hàng nộp, chuyển tiền nhìn thấy các biển cảnh báo sẽ dừng việc chuyển, nộp tiền, đồng thời các giao dịch viên khi phát hiện người dân có các biểu hiện nghi vấn bị lừa thị kịp thời nhắc nhở người dân, không thực hiện việc giao dịch và báo ngay cho lực lượng Công an.
 

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu thủ đoạn và diễn biến tâm lý của người bị hại khi đến phòng giao dịch ngân hàng thực hiện việc rút và chuyển tiền. Tính đến ngày 30/5, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các Ngân hàng tổ chức đặt xong trên 700 biển cảnh báo tại 187 phòng giao dịch trên địa bàn quận.
 

Công an quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm giả danh cơ quan tư pháp gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, kịp thời nắm bắt phương thức thủ đoạn để thông báo cho người dân và cơ quan chức năng để phòng ngừa.
 

Tại hội nghị, cùng với việc tuyên truyền phương thức và thủ đoạn của các đối tượng, Công an quận Hoàn Kiếm đề nghị các ngân hàng, phòng giao dịch ngân hàng, nhân viên giao dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an quận trong việc đặt biển cảnh báo.
 

Đồng thời, các ngân hàng cần nâng cao tính bảo mật thông tin của khách hàng, kiểm tra, thẩm định kỹ các giấy tờ cá nhân của người có giao dịch với ngân hàng để hạn chế, không để xảy ra các vụ lừa đảo ngân hàng chiếm đoạt tài sản.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác