Chiếm đoạt trên 30 tỷ đồng từ bưu phẩm ảo
Cập nhật ngày: 15-06-2020
 
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã điều tra, làm rõ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong vụ án này, đối tượng đã giả danh nhân viên bưu điện rồi chiếm đoạt 30 tỷ đồng của người bị hại. Liên quan đến vụ án trên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng về hành vi phạm tội trên.
 

Vụ án bắt nguồn từ đơn trình báo của bà Nguyễn Thị Lệ Dung (SN 1955, HKTT tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) gửi đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ. Theo trình báo của bà Dung thì khoảng tháng 3/2020, bà bị một nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội giả danh nhân viên bưu điện, hải quan thông báo nhận quà sau đó yêu cầu nộp các loại tiền phí nhận quà... Tin tưởng vào những lời hứa của đối tượng, bà Dung đã bị chiếm đoạt số tiền là 695 triệu đồng.
 

Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành ghi lời khai của người bị hại, qua đó xác định đây là nhóm tội pham hoạt động với phương thức, và thủ đoạn tinh vi....
 

Ngày 21/5, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã vào TP Hồ Chí Minh, tiến hành các biện pháp xác minh. Quá trình rà soát, căn cứ vào  lời khai của người bị hại và các tài liệu có trong hồ sơ, các trinh sát  xác định được 1 trong 4 tài khoản bà Dung chuyển tiền đến. Đó là tài khoản của Đoàn Minh Đức mở tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) Chi nhánh Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
 

Vào ngày 18/5, tài khoản này có số dư là 30 triệu đồng, sau đó số tiền này đã bị rút hết tại máy ATM. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành rà soát, xác định người đã đến rút tiền là một phụ nữ, có đặc điểm gần giống với đối tượng đã rút tiền các tài khoản Nguyễn Quốc Thanh, Ngô Kế Mười Ba, Nguyễn Văn Vấn, Lê Đình Hòa... Những tài khoản này liên quan đến việc bà Dung đã chuyển tiền vào đó.
 

Tiếp tục rà soát, các trinh sát phát hiện đối tượng rút tiền tại máy ATM thuộc VIB ở số 2A, Phan Văn Trị từ ngày 16/3 đến 25/3 và đối tượng rút tiền ngày 18-5 có đặc điểm nhận dạng cơ bản giống nhau.
 

Quá trình rà soát đã xác định đối tượng đó là Thái Ngọc Lựu (SN 1983, nơi đăng ký HKTT: ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Kiểm tra nhanh những người biết mặt Lựu xác định Lựu chính là người trong hình ảnh camera máy ATM  VIB.
 

Từ thông tin trên, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp chính quyền địa phương xác minh tại chung cư Thái An để xác định, sàng lọc đối tượng nghi vấn, những đối tượng có mặt ở phòng 9.05; đồng thời, tiến hành giám sát di biến động của đối tượng Lựu và các đối tượng có liên quan trong phòng 9.05.
 

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 22/5, Phòng Cảnh sát hình sự đã khám xét khẩn cấp chỗ ở tại chung cư Thái An, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh đối với Thái Ngọc Lựu.
 

Quá trình khám xét, thu giữ 138 thẻ ATM, 42 CMND và nhiều tài liệu liên quan đến việc các đối tượng sử dụng trang mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 

Tại cơ quan Công an, Lựu khai nhận: Khoảng tháng 4/2019, Lựu quen biết với Enenwali Chijioke Collins (SN 1986, quốc tịch Nigeria). Sau một thời gian làm quen và kết bạn, khoảng cuối tháng 4/2019 Lựu đã đi Nigeria để làm đám cưới với Collins và đã đăng ký kết hôn theo luật pháp Nigeria. Từ đó đến nay Lựu và Collins cấu kết, bàn bạc thống nhất với nhau thực hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 

Theo sự phân công giữa các đối tượng thì Collins có trách nhiệm đi mua thẻ ATM, CMND và đưa cho Lựu sử dụng. Sau đó, Collins và mấy người bạn cùng quốc tịch Nigeria hiện ở Campuchia, Malaysia sẽ sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo (thông báo nhận quà, yêu cầu chuyển các loại tiền phí nhận quà).
 

Sau khi các bị hại chuyển tiền vào tài khoản, có thông tin về số dư các tài khoản ngân hàng mà các bị hại chuyển vào thì Collins và nhóm đối tượng thông tin về các tài khoản ngân hàng có tiền, để Lựu trực tiếp đi rút hoặc sử dụng ứng dụng cài đặt sẵn trên máy điện thoại di động đi chuyển tiền tại các máy ATM, chia nhỏ thành nhiều khoản. Khoản nào dưới 100 triệu thì rút, còn lại trên 100 triệu thì chuyển sang nhiều tài khoản khác.
 

Số tiền rút được, Lựu chuyển trực tiếp cho một đối tượng có tên Emblem of Grace (quốc tịch Nigeria) và được trích lại 8% số tiền rút được.
 

Với phương thức thủ đoạn như trên, từ tháng 5/2019 đến nay Lựu và đồng phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại trên phạm vi nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng số tiền Lựu đã đi rút được khoảng 30 tỷ đồng. Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ, ngày 28/5, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thái Ngọc Lựu về hành vi cùng đồng bọn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 

Mở rộng điều tra, Thái Ngọc Lựu khai nhận: Ngoài việc câu kết với nhóm đối tượng người nước ngoài trên, Lựu còn bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Hồng (SN 1987, ở phường 14, đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 

Theo đó, Hồng có nhiệm vụ gọi điện cho những người Việt Nam giả danh là nhân viên chuyển phát nhanh thông báo với người bị hại có thùng hàng từ nước ngoài chuyển về và yêu cầu họ nộp tiền chuyển vào tài khoản để được nhận thùng hàng. Điều này, đã làm cho các nạn nhân tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản do nhóm của Lựu yêu cầu (trên thực tế không có thùng hàng nào). Đồng thời, Lựu trực tiếp đi rút tiền hoặc sử dụng ứng dụng cài đặt sẵn trên máy điện thoại di động chuyển tiền tại các máy ATM để chia nhỏ thành nhiều khoản.
 

Do ngân hàng hạn chế số tiền được rút là 100.000.000 đồng/ngày nên tài khoản nào dưới 100 triệu đồng thì Lựu rút luôn, còn lại trên 100 triệu đồng thì chuyển sang nhiều tài khoản khác để Lựu trực tiếp đi rút hoặc đưa thẻ ATM cho Nguyễn Thị Hồng đi rút tiền. Lựu và Hồng thống nhất, mỗi lần Hồng đi rút tiền, Lựu sẽ trả cho Hồng 2% tổng số tiền rút được.

Nguồn cand.com.vn