Sở dĩ như vậy, bởi tất cả chúng đều là những người giỏi về công nghệ thông tin, được học hành tử tế, là niềm hi vọng của gia đình, nhà trường. Thế nhưng, chỉ vì hám tiền, vì ham ăn chơi đua đòi, chúng đã đánh mất tất cả.
Phân vai để lừa đảo
6 đối tượng bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá, làm rõ, xử lý gồm: Võ Văn Tuấn Kiệt (SN 1996), Trần Quang (SN 1992), Trương Đức Huy (SN 1999), Huỳnh Văn Lâm (SN 1997), Nguyễn Tiến, SN 2000, đều ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Văn Thanh (SN 1999) ở tổ 30, Hoà An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đều là những người giỏi về công nghệ thông tin, hầu hết đều là sinh viên đại học. Qua nghiên cứu trên mạng, chúng thấy có nhiều người thiếu hiểu biết, lại hám lợi nên đã tìm cách "đánh" vào điểm này của bị hại để kiếm tiền.
Theo đó, chúng thuê căn nhà ở số 11, Bàu Trảng 6, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng để làm nơi sinh sống và thực hiện hành vi lừa đảo.
Phải nói rằng, tổ chức lừa đảo của các đối tượng trên được chúng tính toán, "phân vai" khá kỹ lưỡng. Theo đó, chúng sẽ dựa trên khả năng của từng người để "nhập vai" lừa đảo gồm "cán bộ phụ trách trả thưởng", "nhân viên ngân hàng", "nhân viên cửa hàng xe máy"....
Đối tượng nào có khả năng thuyết phục, nói khéo thì được nghe "hot line" để dụ nạn nhân gửi tiền, đối tượng nào giỏi công nghệ thì phụ trách "mảng" tạo ra các tin nhắn và các ứng dụng để tạo sự tin tưởng cho nạn nhân.
Ban đầu, Nguyễn Văn Thanh lên ứng dụng Skype để tìm mua trang web với giá 500.000đ/web và các tài khoản facebook trên diễn đàn (bao gồm facebook và mật khẩu đăng nhập đã được mã hoá trên Notepad) với giá 8 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng 1 tài khoản.
Sau khi có các tài khoản facebook và các trang web, Thanh tiếp tục mua tài khoản ngân hàng, tải ứng dụng có chứa phần mềm tự động gửi tin nhắn đồng loạt cho bạn bè trong list người dùng.
Khi có đầy đủ các điều kiện, Thanh cùng đồng bọn vào ứng ụng Mesenger để gửi tin nhắn theo mẫu soạn sẵn, chỉnh sửa số điện thoại hotline mà chúng dùng và gửi cho list bạn bè có trên các tài khoản facebook chúng đã mua để thống báo trúng thưởng tiền và vật dụng.
Khi có người dùng facebook gọi điện phản hồi theo số hotline của chúng, lập tức, các đối tượng phân công người nghe máy và hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các trang web của chúng như: sukien26.com; quatang152.com; monquavn25.com; timdientu99.com; hopquatrian68.com... và qua thư trúng thưởng với nội dung chúc mừng tài khoản facebook của nạn đã may mắn nhận được giải nhất từ tuần lễ tri ân khách hàng trên trang web của chúng tôi, mã số trúng tưởng là..., giải thưởng là 1 xe SH 150i Việt Nam; 1 phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 250 triệu đồng và 1 phiếu đổ xăng miễn phí trị giá 5 triệu đồng... Ngoài ra, chúng sẽ cung cấp số "hot line" là các số điện thoại của chúng để nạn nhân gọi lại.
Để tránh bị phát hiện, Võ Văn Tuấn Kiệt đã lên mạng mua tài khoản 050111281731 của người dùng có tên là Lý Thanh Nhã với giá 5 triệu đồng để giao dịch với các nạn nhân. Theo thoả thuận, số tài khoản mang tên Lý Thanh Nhã nhưng số điện thoại dùng Internet banking là số điện thoại của Võ Văn Tuấn Kiệt để Kiệt biết, quản lý tiền các bị hại chuyển vào.
Khi nạn nhân gửi tiền vào, Nhã sẽ có trách nhiệm chuyển vào tài khoản của Kiệt để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Với thoả thuận như vậy, Lý Thanh Nhã sẽ được hưởng 30% số tiền lừa đảo được, 70% còn lại sẽ chuyển lại cho Kiệt để Kiệt chia cho các đối tượng đồng phạm.
Theo sự phân công thì tất cả 6 đối tượng đều có nhiệm vụ nhắn tin cho người dùng facebook, nếu có người gọi lại thì Thanh; Kiệt, Huy là những đối tượng khéo ăn nói, giỏi thuyết phục sẽ nghe máy để dụ dỗ họ gửi tiền.
|
Lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hoá trao thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc điều tra, khám phá vụ án. |
Con mồi sập bẫy
Một trong những nạn nhân của các đối tượng là chị Nguyễn Thị Phương, SN 1984, trú ở phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hoá. Chị Phương nhận được tin nhắn từ facebook có tin là Binh Thanh Nguyen và kích vào web sukien26.com, nhập các thông tin yêu cầu gồm họ tên, địa chỉ, số CMND, số điện thoại.
Sau đó, chị Phương gọi điện vào số hotline mà các đối tượng ghi trong tin nhắn. Theo đó, Nguyễn Văn Thanh nghe máy, yêu cầu chị Phương chuyển 5 triệu đồng tiền phí để nhận quà.
Sau khi nhận được 5 triệu của nạn nhân, Võ Văn Tuấn Kiệt gọi điện cho chị Phương yêu cầu chuyển thêm 34,8 triệu đồng nữa tiền phí vận chuyển và 73,1 triệu tiền thuế VAT đối với chiếc xe Shi. Tưởng thật, người phụ nữ này tiếp tục chuyển hơn 100 triệu đồng vào tài khoản của Lý Thanh Nhã cho các đối tượng.
Sau khi nhận được tiền, Kiệt yêu cầu chị Phương liên hệ với "nhân viên ngân hàng" để nhận số tiền thưởng 250 triệu đồng và cung cấp số điện thoại của Nguyễn Tiến nói là của "nhân viên ngân hàng".
Với số điện thoại 0935596170, Nguyễn Tiến dưới danh nghĩa là "nhân viên ngân hàng" đã thông báo và gửi hình ảnh qua Zalo cho chị Phương 1 phiếu nhận tiền có họ tên, số CMND của chị Phương với số tiền 300 triệu đồng. Theo lời của Tiến thì để nhận được số tiền trên, chị Phương phải nộp 50 triệu đồng tiền "phí", số thực nhận của chị là 250 triệu đồng.
Tưởng thật, chị Phương tiếp tục chuyển khoản cho các đối tượng 50 triệu đồng. Thấy vẫn còn tiếp tục lừa được bị hại, Tiến lại gọi điện yêu cầu chị Phương chuyển thêm 86 triệu nữa để nhận thưởng.
Đến lúc này, mặc dù không còn tiền chị Phương vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn tiếc "món quà" từ trên trời rơi xuống nên nói với Tiến rằng mình không đủ 86 triệu. Lập tức, đối tượng này đã "bớt' cho nạn nhân ½ số tiền, còn 43 triệu và yêu cầu chị Phương chuyển ngay.
Chị Phương lại ngoan ngoãn làm theo lời chúng, chuyển thêm 43 triệu đồng vào tài khoản của Lý Thanh Nhã. Nhận tiền xong, Tiến gọi điện lại yêu cầu chuyển thêm 43 triệu đồng nữa nhưng nạn nhân nói đã hết sạch tiền. Biết không thể lừa thêm được nữa, các đối tượng đã xoá trang web sukien26.com, vứt các số điện thoại mà chúng đã sử dụng liên lạc với chị Phương.
|
Các đối tượng lừa đảo. |
"Săn" tội phạm tàng hình
Sau khi chuyển cho các đối tượng 205,9 triệu đồng nhưng xe máy, tiền chẳng thấy đâu, gọi điện thoại lại thì "hot line" cũng như các số máy của "nhân viên ngân hàng", "nhân viên phụ trách trao thưởng" đều không liên lạc được, chị Phương mới tá hoả nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Nhận được đơn của nạn nhân, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã giao Phòng Cảnh sát hình sự điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Trách nhiệm của Phòng Cảnh sát hình sự khá nặng nề bởi nạn nhân và đối tượng chưa bao giờ quen biết nhau, chỉ nghe qua điện thoại, trong khi các số điện thoại, trang web chúng liên hệ với nạn nhân đều không còn nữa. Chỉ duy nhất một điều nạn nhân biết, đó là các đối tượng đều nói tiếng miền Nam.
Từ các thông tin ít ỏi trên, chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Thanh Hoá đã nghiên cứu kỹ thủ đoạn phạm tội của đối tượng, phối hợp với Công an một số địa phương có bị hại tương tự để điều tra, xác minh. Qua đó phát hiện nhóm đối tượng trên là người Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, chúng là ai, sống ở đâu thực sự là một ẩn số bởi hầu như chúng không để lại dấu vết gì. Kể cả đối tượng Lý Thanh Nhã là kẻ cho thuê khoản để bị hại chuyển tiền cũng không biết các đối tượng thuê là ai, chưa bao giờ gặp mặt.
Chắp nối các thông tin nhỏ nhất, kết hợp với rà soát các ổ nhóm có biểu hiện lừa đảo qua mạng, các đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên giỏi về công nghệ thông tin, Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Đà Nẵng xác định chính xác nhóm đối tượng lừa đảo chị Phương và nhiều nạn nhân khác nên đã tổ chức bắt giữ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng về hành "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ, ngoài việc lừa hơn 200 triệu của chị Phương, các đối tượng đã lừa đảo của hàng chục bị hại khác. Tuy nhiên, số tiền lừa thường không lớn chỉ khoảng 5 triệu đến 10 triệu/tài khoản. Có 1 trường hợp ở Bắc Giang cũng chuyển cho Lý Thanh Nhã hơn 50 triệu đồng.
Theo lời khai của các đối tượng, sở dĩ chúng nghĩ ra cách lừa đảo trên bởi có rất nhiều bị hại cả tin, hám lợi nên nghe lời sự dụ dỗ của chúng. Đặc biệt, thông thường, mỗi bị hại chỉ bị lừa một số tiền ít ỏi (thường 5-10 triệu đồng) nên sau khi mất, thường không báo cáo với cơ quan Công an. Chính vì vậy, việc lừa đảo của chúng không bị bại lộ.
Cơ quan CSĐT Công Thanh Hoá đã phong toả tài khoản của Lý Thanh Nhã, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý đối tượng này. Bước đầu, lực lượng chức năng đã xác định, tài khoản của Lý Thanh Nhã có số tiền luân chuyển hàng tỷ đồng.
Hiện nay tình trạng lừa đảo qua Zalo, Facebook khá phổ biến, chính vì vậy, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không hám lợi từ những "món quà" trên trời rơi xuống, dẫn đến việc "tiền mất, tật mang".
Nguồn cand.com.vn