Tội phạm hình sự tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp, với thủ đoạn manh động, gây bức xúc trong xã hội. Cục Cảnh sát hình đã lên kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đe dọa
Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục CSHS cho biết, năm qua lực lượng CSHS đã điều tra, khám phá 807 vụ cướp tài sản, bắt 1.428 đối tượng; điều tra, khám phá 1.713 vụ cướp giật tài sản, bắt xử lý 2.138 đối tượng.
Tình trạng cướp, cướp giật tại các ngân hàng và tiệm vàng vẫn còn nhiều phức tạp, các đối tượng gây án rất manh động, thường sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để đe dọa khống chế làm tê liệt sự phản kháng của bảo vệ; nhân viên ngân hàng và nhân viên bán hàng để cướp tài sản.
Cụ thể, xảy ra 5 vụ cướp ngân hàng, 7 vụ cướp tiệm vàng và 8 vụ cướp giật tài sản tại các tiệm vàng, 1 vụ cướp giật tại ngân hàng (ngay bãi đỗ xe khi khách vừa rút tiền ở ngân hàng). Các địa phương xảy ra cướp và cướp giật tại ngân hàng và tiệm vàng gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Quảng Nam, Tiền Giang, Cà Mau…
Điển hình mới đây, khoảng 10h ngày 23-1-2019, Công an tỉnh Thái Bình nhận được tin báo tại phòng giao dịch của một ngân hàng chi nhánh tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có 1 đối tượng một tay cầm dao quắm đe dọa, một tay cầm bình xịt hơi cay xịt vào mặt 4 nhân viên ngân hàng (1 nam, 3 nữ) và 2 vợ chồng khách hàng đến giao dịch sau đó cướp đi 210 triệu đồng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 17h, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt được Lê Văn Cẩn, thu được tang vật gây án và 199 triệu đồng. Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Lê Văn Cẩn khai nhận do nợ nần không có tiền trả nên đã nảy sinh ý định đi cướp ngân hàng.
Sáng ngày 23-1, Cẩn đi xe máy đến phòng giao dịch ngân hàng chi nhánh Vũ Tiến, huyện Vũ Thư; khi thấy trong phòng giao dịch có ít người, Cẩn dùng dao đe dọa và bình xịt hơi cay xịt vào mặt các nhân viên rồi lấy tiền, sau đó lên xe máy không BKS bỏ chạy. Sau khi gây án, Cẩn về nhà cất giấu số tiền cướp được, rồi tiếp tục đi làm.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Công an các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, tập trung lực lượng điều tra, giải quyết các vụ án đã xảy ra, chủ động xác lập các chuyên án đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm này trên nhiều địa bàn khác nhau.
Đơn cử, ngày 27-7-2018, Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá băng nhóm gồm 5 đối tượng do Nguyễn Phú Đông (22 tuổi), trú tại quận Tân Bình cầm đầu, chuyên dùng búa và dao tấn công nạn nhân để cướp tài sản.
Qua đấu tranh khai thác, cơ quan Công an đã làm rõ từ tháng 5-2018 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng đã gây ra 11 vụ cướp tài sản tại địa bàn các quận, huyện trên tuyến phố.
|
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cướp tại Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT xã Vũ Tiến. |
Theo Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, đối tượng có sự nghiên cứu, tìm hiểu trước khi gây án, thường chọn những nơi lưu giữ nhiều tiền, vàng như ngân hàng, tiệm vàng, rồi chọn thời điểm thích hợp, điều kiện thuận lợi sử dụng vũ khí, hung khí (súng, dao, búa…) khống chế nhân viên ngân hàng, bảo vệ, nhân viên và chủ tiệm vàng để thực hiện hành vi cướp tài sản.
Bọn chúng lợi dụng địa bàn vắng người qua lại, xa khu vực dân cư, sử dụng vũ khí, hung khí đe dọa khống chế cướp tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Một số đối tượng lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của những người lái xe ôm, taxi điều nạn nhân đến điểm vắng, ít người qua lại, tạo tình huống để thực hiện hành vi cướp tài sản.
Ngoài ra, đối tượng lợi dụng gia đình bị hại ở nơi thưa dân cư, ít người qua lại, bị hại có khiếm khuyết về sức khỏe, thể chất để khống chế, đe dọa cướp tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát.
Khi gây án, thường từ 2 đến 3 đối tượng trở lên có sự phân công vai trò, nhiệm vụ rõ ràng. Các đối tượng có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ điều kiện trước khi hành động, chọn nơi tập kết nhiều tài sản, tiền bạc, công tác bảo vệ sơ hở dễ khống chế, tấn công để gây án.
Về tội phạm cướp giật tài sản, bọn chúng lợi dụng sơ hở của bị hại khi tham gia trên tuyến giao thông, đối tượng thường sử dụng xe máy, tháo biểm kiểm soát hoặc lắp biển kiểm soát giả và tập trung theo dõi để ý những phụ nữ đi xe môtô một mình có đeo túi trên người, để trên khung móc ở xe, ngang xe… hoặc trong khi tham gia giao thông nghe điện thoại đối tượng áp sát từ phía sau bất ngờ giật túi xách, điện thoại… của bị hại rồi tẩu thoát.
Ngoài ra, lợi dụng sơ hở của một số ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, điện thoại di động, cửa hàng tạp hóa… trong khi trao đổi mua bán, thấy sơ hở đối tượng thực hiện hành vi cướp giật chạy ra ngoài, đồng bọn hỗ trợ tẩu thoát.
Làm tốt công tác phòng ngừa
Để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống loại tội phạm cướp và cướp giật tài sản, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát hình sự tập trung chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm có điều kiện lợi dụng hoạt động phạm tội.
Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng thông báo tình hình phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tự bảo vệ tài sản.
Tại các nơi công cộng, các tuyến giao thông có thể sử dụng hình thức dán panô, áp phích, đống các biển quảng cáo để mọi người dân biết và cùng tham gia vào công tác phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, giữ gìn ANTT, an toàn xã hội.
Thành lập các tổ công tác gồm các lực lượng như: CSHS, CSGT, CSCĐ… để tiến hành công tác tuần tra nghiệp vụ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm (tập trung vào thời gian và địa điểm xung yếu mà các đối tượng có điều kiện hoạt động phạm tội) để chủ động phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả.
Khi các vụ cướp tài sản và cướp giật tài sản mới xảy ra, cần làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường, thủ thập dấu vết, kịp thời tổ chức điều tra và củng cố tài liệu, chứng cứ, xác định tội phạm và tổ chức truy bắt đối tượng.
Tiến hành khai thác triệt để, nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xử lý. Khi các vụ án có liên quan đến nhiều địa phương, có tính chất nghiêm trọng cần báo cáo Cục CSHS để chỉ đạo các địa phương tập trung đấu tranh đạt hiệu quả…
Công an các địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác bảo vệ an ninh tại các ngân hàng, cửa hàng vàng bạc trên địa bàn mình quản lý. Thường xuyên tuyên truyền phương thức, thủ đọa mới; mở các lớp tập huấn cho nhân viên ngân hàng, lực lượng bảo vệ về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản và cướp giật tài sản.
Cục CSHS lưu ý, người dân không nên phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức có giá trị khi lưu thông trên đường. Nếu đeo trang sức thì quàng khăn, mặc áo chống nắng… trùm ra ngoài để che khuất. Khi mang túi xách thì cho trong cốp xe, nếu phải đeo túi thì nên quay túi về trước. Khi lưu thông trên đường mà cần phải nghe điện thoại nên dừng xe bên đường để nghe điện thoại.
Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa có giá trị như vàng, bạc, điện thoại di động, đồng hồ… cần lắp đặt thiệt bị bảo vệ, cảnh giác với đối tượng giả vờ xem hàng, mua hàng rồi ra tay cướp giật. Khi bị cướp giật tài sản nạn nhân không vội vàng chạy đuổi theo đối tượng cướp, lập tức tri hô để nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Đồng thời, cố gắng ghi nhớ loại xe và biển số xe, đặc điểm nhận dạng của đối tượng gây án. Điều này giúp cơ quan Công an điều tra đạt hiệu quả trong quá trình phá án. Với những gia đình có người giúp việc hoặc các cụ già ở nhà thì nân dặn không được cho người lạ hoặc người mình không biết vào nhà.
Phối hợp với chính quyền địa phương phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm, nhất là tội phạm cướp tài sản và cướp giật tài sản; thông báo số điện thoại “đường dây nóng”, lập các hòm thư tố giác tội phạm tại các khu dân cư, tuyến đường, địa bàn hay xảy râ các vụ cướp tài sản và cướp giật tài sản… để phục vụ điều tra, tìm nhân chứng, truy bắt đối tượng.
Theo http://cand.com.vn