Khởi tố, tạm giam đối tượng giả danh Công an lừa đảo
Cập nhật ngày: 27-12-2018
 
Một người tự xưng Công an nói anh H sử dụng thẻ ATM giao dịch với ngân hàng để giao dịch liên quan đến buôn bán ma túy. Đối tượng còn xin số điện thoại của anh H để gửi bản ảnh lệnh tạm giam của "Tòa án nhân dân Tối cao TP HCM".
 

Ngày 25-12, được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ cùng đối tượng Xành Ký Phui, trú tại phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh (trước khi bị bắt ở trọ tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đến Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. 
 

Trước khi Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Xành Ký Phui và Lê Văn Tâm, trú tại xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" thì Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố, bắt giam Xành Ký Phui về tội danh nêu trên, còn Lê Văn Tâm bị Công an tỉnh Hải Dương bắt giam.
 

Theo tài liệu điều tra, ngày 20-7-2018, anh H, trú tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, nhận được một cuộc điện thoại gọi vào số máy cố định của gia đình. Người gọi đến thông báo có người gửi cho anh H một bưu phẩm bên trong có tài liệu liên quan đến tội phạm, rồi kết nối máy để anh H nói chuyện với một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh. 
 

Người tự xưng Công an nói anh H sử dụng thẻ ATM giao dịch với ngân hàng để giao dịch liên quan đến buôn bán ma túy. Đối tượng còn xin số điện thoại của anh H để gửi bản ảnh lệnh tạm giam của "Tòa án nhân dân Tối cao TP Hồ Chí Minh". 
 

Để "minh oan" cho anh H, đối tượng yêu cầu anh H phải chuyển hết số tiền hiện có vào tài khoản mang tên Lê Văn Tám để "kiểm tra số seri" tiền của anh H, nếu không liên quan thì sẽ trả lại. Tưởng thật, anh H đã về nhà gom được hơn 107 triệu đồng chuyển vào tài khoản của Lê Văn Tám. Đến tối cùng ngày, biết mình đã bị lừa, anh H vội đến Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội để trình báo.
 

Xác minh số tài khoản mà anh H chuyển tiền đến, cơ quan Công an xác định đây là tài khoản của Lê Văn Tâm. Bị can Tâm khai, số tài khoản trên là Tâm cho Xành Ký Phui sử dụng. Kiểm tra nơi ở của Xành Ký Phui, Công an thu được nhiều giấy tờ, tài liệu thể hiện các đối tượng sử dụng nhiều chứng minh nhân dân giả, mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để phục vụ việc lừa đảo.
 

Đấu tranh với Xành Ký Phui, bị can khai trước đây đã có thời gian làm việc bên Trung Quốc nên được 2 người đàn ông Trung Quốc thuê mở các tài khoản khác nhau tại các ngân hàng Việt Nam. Hai đối tượng sẽ cung cấp cho Phui chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản, đổi lại, mỗi tài khoản được mở, Phui được trả công 1 triệu đồng. Đến thời điểm bị bắt giữ, Phui đã làm được khoảng hơn 40 thẻ ngân hàng bằng chứng minh thư giả.
 

Trong một diễn biến khác, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã xác định, Xành Ký Phui có liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền khoảng 1,5 tỷ đồng của 3 bị hại nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phui để điều tra.
 

Qua vụ án này cho thấy, nếu như anh H cũng như các nạn nhân khác tỉnh táo hơn thì sẽ không bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Vì lý do mà  tội phạm đưa ra thường thiếu logic, vì khi tiền đã được chuyển qua ngân hàng, người nhận sẽ ra ngân hàng nhận đủ số tiền nhưng là tiền khác, có phải gửi bưu kiện bên trong có tiền đâu mà xác định được số seri tiền của anh H gửi được? 
 

Một điểm nữa là cơ quan Công an không bao giờ tống đạt lệnh tạm giam qua ảnh zalo, mà phải phối hợp với Công an sở tại để thực hiện tống đạt quyết định, lệnh... cũng như các giấy tờ liên quan đến tố tụng hình sự. 
 

Thêm nữa, nếu cơ quan Công an đang điều tra, chưa truy tố, đưa ra xét xử tại Tòa thì làm gì có "Lệnh tạm giam" của Tòa án được?! 
 

Vì vậy, người dân hãy hết sức cảnh giác, bình tĩnh khi nhận được những thông tin kiểu như trên. Trong trường hợp không am hiểu pháp luật thì nên tư vấn từ bạn bè, người thân hoặc chính quyền sở tại trước khi chuyển tiền "sập bẫy" đối tượng lừa đảo.

Nguồn cand.com.vn