Lần tìm dấu vết những kẻ thất nghiệp chuyên lừa đảo việc làm
Thành lập văn phòng, đăng báo tuyển dụng lao động phổ thông lương cao nhằm thu hút người lao động tìm đến, sau khi thu tiền đặt cọc thì chuyển địa điểm mới... đây là chiêu trò lừa đảo việc làm nhằm vào những người lao động nghèo ngoại tỉnh của một nhóm lưu manh vừa bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội điều tra và đề nghị truy tố trước pháp luật.
Cầm đầu nhóm lừa đảo này là Lại Văn Tiến (32 tuổi, ở Đông Anh) và Nguyễn Thị Hoài Anh (30 tuổi, ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội). Đầu năm 2017, với hành vi lừa đảo tuyển dụng lao động, Hoài Anh bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt 7 tháng tù treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không chịu “cải tà quy chính”, với những thủ đoạn được tích lũy trong vụ án trước, Hoài Anh lôi kéo Lại Văn Tiến và các đối tượng khác vào cuộc, tạo dựng một “liên minh” những kẻ thất nghiệp đi lừa đảo việc làm.
Theo đó, từ đầu năm 2017, Lại Văn Tiến, Nguyễn Thị Hoài Anh rủ hai vợ chồng Nguyễn Văn Huynh (29 tuổi), Đặng Thị Thoan (23 tuổi, ở Hưng Yên) cùng Bùi Thị Mai Hương (45 tuổi, ở Phúc Thọ), Lê Đức Mạnh (26 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) cùng tham gia lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu tìm việc làm. Các đối tượng phân công Tiến và Thoan làm nhiệm vụ đi tìm địa điểm thuê làm văn phòng, chuẩn bị bàn ghế, tiếp lao động đến xin việc. Hoài Anh, Hương và Mạnh đăng thông tin gian dối trên mạng Internet về việc tuyển lao động làm lái xe, phụ xe làm việc tại các tỉnh, thành phía Bắc với mức lương rất cao.
Mỗi đối tượng sẽ sử dụng một vài số điện thoại đăng kèm tin quảng cáo tuyển dụng để người lao động liên hệ. Khi có người lao động gọi đến, các đối tượng hẹn đến địa điểm mà Tiến và Thoan thuê làm văn phòng. Tại đây, Hương, Mạnh và Thoan được phân công đóng vai nhân viên công ty tuyển dụng, tiếp và tư vấn cho người lao động, yêu cầu họ nộp tiền mua quần áo đồng phục đi làm và nộp tiền đặt cọc từ 1 đến 5 triệu đồng.
Hoạt động như vậy khoảng 2-3 ngày, cả bọn chuyển văn phòng đi nơi khác, chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã thu được của người lao động. Theo thỏa thuận của các đối tượng thì tiền chiếm đoạt được sẽ chia 50% cho Tiến, Thoan và Huynh; còn lại khách của ai tiếp người đó sẽ được hưởng.
Công an Tuyên Quang ghi lời khai một đối tượng lừa đảo việc làm. |
Sau nhiều lần thay đổi địa điểm để hoạt động lừa đảo, ngày 17-4-2018, Huynh và Thoan đến thuê nhà tại địa chỉ số 1 ngõ 45 đường La Dương (phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) với giá 3 triệu đồng/tháng. Các đối tượng phân công Hoài Anh, Hương và Mạnh đăng tin tuyển dụng lao động trên các trang tin muaban.net, Jobsvietnam.vn tuyển lái xe và phụ xe là người ngoại tỉnh.
Khi người lao động gọi đến, Hương và Hoài Anh nghe điện thoại, hướng dẫn họ tới số 1 ngõ 45 La Dương để nộp hồ sơ. Tại “văn phòng” này, Tiến kê 3 bàn làm việc để Mạnh, Hương và Thoan tiếp lao động, tư vấn và thu tiền mua đồng phục với mức thu 1 triệu đồng/người. Huynh làm nhiệm vụ canh gác, cảnh giới trước cửa nhà đề phòng sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Tiến có nhiệm vụ giải quyết các trường hợp lao động quay lại đòi tiền. Giải pháp là hẹn lao động đến giải quyết sau khi nhóm đã chuyển địa điểm đi nơi khác tiếp tục gây án.
Hoạt động của ổ nhóm lừa đảo trên gây bức xúc cho nhiều người lao động. Song, cái khó là chúng thay đổi địa điểm hoạt động liên tục nên bản thân người lao động cũng không nhớ chính xác địa chỉ các đối tượng đã thuê làm văn phòng. Quá trình thu thập những thông tin tuyển dụng mà nhóm lừa đảo này đăng trên mạng, các điều tra viên Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã lần tìm theo dấu vết các văn phòng “ma” mà các đối tượng đã thuê để hoạt động.
Qua đó, đến ngày 18-4-2018, tổ công tác đã tiến hành bắt giữ quả tang các đối tượng đang thu tiền của người lao động tại địa chỉ số 1 ngõ 45 đường La Dương, phường Dương Nội, Hà Đông.
Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra đã làm rõ chỉ trong thời gian từ đầu tháng 4-2018 đến khi phát hiện, có 38 bị hại là lao động ngoại tỉnh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 68,9 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào phiếu thu tiền, cùng thời gian này còn có 18 người lao động khác không có địa chỉ cụ thể nơi cư trú đã nộp 17 triệu đồng cho nhóm lừa đảo.
Với hành vi trên, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã đề nghị truy tố 6 đối tượng trong ổ nhóm trên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Giúp người nghèo phòng tránh tội phạm lừa đảo
Vụ án lừa đảo việc làm trên đã khép lại, song điều các điều tra viên Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội vẫn trăn trở là đến nay, các anh vẫn nhận được các cuộc điện thoại của người dân gọi đến tố cáo những ổ nhóm lừa đảo với hình thức tương tự. Đây là chiêu trò lừa đảo không mới nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy, bởi các đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, đánh vào tâm lý cần việc làm của họ.
Trước những quảng cáo lương cao, công việc nhàn, chế độ tốt mà các đối tượng “vẽ” ra, rất nhiều lao động có nhu cầu tìm việc làm đã dính bẫy. Đồng thời, quá trình lừa đảo, các đối tượng chỉ thu một khoản tiền nhỏ nên ngay cả khi biết bị lừa, nhiều người lao động đã chọn giải pháp im lặng, không tố cáo bởi chỉ mất ít tiền.
Đối với người lao động trong các vụ án lừa đảo này, thiệt hại có thể đơn giản chỉ là mất đi một khoản tiền nhỏ không đáng kể. Nhưng, với cơ quan điều tra thì mặc dù số tiền thiệt hại không lớn và nhiều bị hại không tố cáo, nhưng với trách nhiệm của lực lượng công an đấu tranh, ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật, các điều tra viên đã không quản khó khăn, bằng mọi cách vận động người bị hại hợp tác, lên tiếng tố cáo hành vi của các đối tượng lừa đảo để giúp cơ quan điều tra xử lý nghiêm hành vi phạm tội.
Điều tra viên Nguyễn Hùng Cường, cán bộ Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội chia sẻ: Một trong những khó khăn khi điều tra các vụ án lừa đảo việc làm qua thông tin quảng cáo trên mạng, lại chính là việc tìm và mời người bị hại đến cơ quan điều tra làm việc. Đa số người bị hại ở tỉnh ngoài, số tiền bị chiếm đoạt nhỏ, từ vài trăm nghìn đến khoảng 1 triệu đồng.
Các đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo việc làm bị Công an Hà Nội bắt giữ. |
Sau khi nộp tiền cho các đối tượng môi giới nhưng không được đi làm, hầu hết người lao động trở về quê tìm kiếm công việc khác hoặc đi làm ăn xa. Có người vì uất ức bị các đối tượng lừa đảo đã xé phiếu thu tiền vứt đi, dẫn đến thiếu chứng cứ khi tố cáo, xử lý đối tượng.
Quá trình điều tra vụ án, để thu thập thông tin về người bị hại, do trong phiếu thu tiền chỉ ghi tên tuổi, địa chỉ chung chung nên buộc cơ quan điều tra phải đăng thông báo tìm người bị hại trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc dựa vào số điện thoại của bị hại ghi trên phiếu thu để liên lạc, động viên họ hợp tác cung cấp địa chỉ chính xác, từ đó gửi giấy mời làm việc. Tuy nhiên, ngay cả khi đã nhận được giấy mời thì trừ vài trường hợp bị chiếm đoạt số tiền khoảng vài triệu đồng mới đến cơ quan điều tra tố cáo, phần đông vì ngại đường sá xa xôi, đi lại tốn kém trong khi số tiền bị chiếm đoạt không lớn nên không ít người bị hại đã chọn giải pháp “bỏ qua”.
Tâm lý ngại tố cáo này của người bị hại ở ngoại tỉnh cũng là điều dễ hiểu và được các đối tượng lừa đảo tính toán kỹ để đưa vào nội dung quảng cáo tuyển dụng ghi rõ chỉ tuyển lao động ở các tỉnh, không nhận lao động ở Hà Nội. Trong trường hợp đã gửi giấy mời nhưng bị hại không đến, buộc cán bộ điều tra phải cất công đến tận nơi tìm bị hại để ghi lời khai của họ phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng phạm tội.
Do người lao động bị lừa ở nhiều tỉnh nên trong vụ án này, cơ quan điều tra phải tăng cường một tổ công tác gồm 5 điều tra viên ròng rã trong vài tháng trời tìm đến nhà từng người bị hại ở các tỉnh để ghi lời khai. Cơ quan điều tra mất công như vậy nhưng không ít người lao động lại bày tỏ quan điểm “mất thì thôi” vì số tiền bị chiếm đoạt không đáng kể.
Lúc đó, các điều tra viên chỉ còn cách kiên trì động viên, thuyết phục họ hợp tác làm việc, trình báo và cung cấp thông tin để các đối tượng lừa đảo không lừa người khác nữa. Khi đó, người lao động mới chịu hợp tác.
Những vụ án lừa đảo việc làm đối với lao động phổ thông vẫn diễn ra, trước hết do nhận thức của người lao động. Trong thời đại công nghệ 4.0, nhiều người lao động khi tìm việc trên mạng chỉ quan tâm đến mức lương mà không tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị tuyển dụng. Trong khi đó, việc đăng tin trên mạng hiện nay cũng quá dễ dàng.
Các đối tượng lừa đảo chọn những trang tin không kiểm duyệt tính xác thực của nội dung thông tin, từ đó đưa lên thông tin tuyển dụng lao động hấp dẫn nhằm thu hút người lao động, dạng như tuyển lái xe lương từ 10-15 triệu đồng/tháng + chế độ, chỉ nhận lao động ngoại tỉnh...
Tang vật thu giữ trong các vụ án lừa đảo việc làm. |
Hiện tượng lừa đảo việc làm đối với lao động phổ thông tồn tại gây bức xúc trong dư luận, một phần nguyên nhân còn do việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Thủ đoạn của các đối tượng là thuê địa điểm thành lập văn phòng để tuyển lao động nhưng không có giấy phép. Thường những ngày đầu tuyển dụng, người lao động kéo đến văn phòng rất đông.
Hoạt động lừa đảo của các đối tượng diễn ra công khai như vậy nhưng chưa được chính quyền và cơ quan chức năng địa phương phát hiện sớm, dẫn đến việc các đối tượng sau khi chiếm đoạt được tiền của người lao động liền chuyển địa điểm đi nơi khác tiếp tục gây án, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
“Đồ nghề” của các đối tượng rất đơn giản, chỉ là vài bộ bàn ghế văn phòng dùng để tiếp người lao động. Khi chuyển địa điểm, các đối tượng có thể mang đi hoặc bỏ lại. Một văn phòng tuyển lao động mà chỉ sơ sài có vài nhân viên làm việc cùng vài ba cái bàn, không có trang thiết bị nào khác là những điểm đáng ngờ để người dân và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Theo cơ quan điều tra, trước nhu cầu việc làm ngày càng tăng ở các đô thị lớn, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra những thông tin tuyển dụng hấp dẫn như tuyển lao động không cần trình độ học vấn nhưng lương cao, công việc không vất vả... để thu hút lao động đến xin việc. Do bức bách về việc làm nên người lao động sẵn sàng nộp phí tư vấn, tuyển dụng mà các đối tượng đưa ra với mức cao nhất chỉ vài triệu đồng/người.
Dù số tiền này đối với lao động không phải là lớn nhưng khi thu hút được số đông thì tiền chiếm đoạt được của các đối tượng lại không nhỏ. Các điều tra viên cho biết, khi thụ lý các vụ án lừa đảo dạng này, cá nhân cán bộ điều tra cũng thấy bức xúc thay cho người lao động bởi đa phần họ đều là người nghèo, nhu cầu tìm việc làm kiếm sống rất chính đáng. Mặc dù chỉ bị lừa vài trăm nghìn nhưng có người vẫn phải đi vay mượn số tiền trên.
Người nghèo bị lừa tiền, đã khổ càng khổ hơn. Những trăn trở này đã giúp các điều tra viên quyết tâm vượt khó để vạch trần thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, góp phần mang lại công bằng cho người lao động nghèo.
Qua các vụ án lừa đảo việc làm, cơ quan điều tra khuyến cáo người lao động khi tìm việc cần cảnh giác trước những thông tin tuyển dụng việc nhàn lương cao trên mạng. Một công ty hợp pháp phải có địa chỉ rõ ràng, có giấy phép và có hoạt động kinh doanh thường xuyên, có hợp đồng lao động, có con dấu và chữ ký lãnh đạo, phiếu thu phải ghi nội dung đầy đủ thông tin và có đủ thành phần ký trong phiếu.
Đặc biệt cảnh giác khi có yêu cầu nộp tiền đặt cọc mua quần áo hoặc đặt cọc để đi làm, bởi những doanh nghiệp chân chính thường không yêu cầu những khoản đặt cọc bất hợp lý như vậy.