Gần 67 nghìn người bị lừa trong vụ Liên Kết Việt
Cập nhật ngày: 25-09-2018
 
Lợi dụng được cấp phép kinh doanh bán hàng đa cấp, nhiều nhà đầu tư cho rằng Nguồn hàng của Công ty Liên Kết Việt là do Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP) sản xuất. Sự mập mờ này đã đánh lừa khách hàng.
 

Ngày 24-9, Viện KSND Tối cao đã có văn bản chuyển hồ sơ vụ án Lê Xuân Giang cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội; đồng thời Viện KSND Tối cao giữ nguyên quan điểm như cáo trạng số 28 ngày 25-1-2018 truy tố 7 bị can gồm: Lê Xuân Giang – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên Kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt); Lê Văn Tú – Tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt; Nguyễn Thị Thủy – Phó Tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt; Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường đều là thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên kết Việt.  
 

7 bị can bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Lê Xuân Giang trong trang phục Đại tá quân đội khi tham dự các sự kiện

 

Cáo trạng nêu, lợi dụng được cấp phép kinh doanh bán hàng đa cấp, nhiều nhà đầu tư cho rằng Nguồn hàng của Công ty Liên Kết Việt là do Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP) sản xuất. Sự mập mờ này đã đánh lừa khách hàng. 
 

Trong thời gian từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015, Giang, Tú, Thủy, Sơn, Sáng, Dung và Trường đã  thực hiện hành vi gian dối tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư về việc Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP; Công ty BQP là công ty của Bộ Quốc phòng.
 

Lê Xuân Giang và thuộc cấp dưới quyền trong công ty là cán bộ của Bộ Quốc phòng. Các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện Trung ương; Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP là những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp cho xã hội nên được lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen cho công ty và các lãnh đạo công ty chi nhánh, văn phòng đại diện… Thực chất các bằng khen, giấy chứng nhận đều do Lê Xuân Giang đặt làm giả.
 

Sau khi tạo được lòng tin về Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, số hàng hóa kinh doanh đa cấp có uy tín trong hoạt động kinh doanh, 7 đối tượng này đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các nhà đầu tư bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt nhằm hưởng hoa hồng, thưởng cao do các chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị can đặt ra để lôi kéo chiếm đoạt được nhiều tiền của các bị hại đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt đã đặt ra các quy định trái pháp luật về hoạt động kinh doanh đa cấp như: Chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty; 
 

Một người có thể đứng tên nhiều mã hàng, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ những đồng tiền này đã lôi kéo người tham gia mới vào mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt mà không phải nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp mà có để thưởng, trích hoa hồng với tỉ lệ % khá lớn thực ra số tiền thu được là của chính các bị hại. 
 

Cùng với việc quảng cáo tạo lòng tin sai sự thật về Công ty Liên Kết Việt,  các đối tượng Giang, Tú, Sơn, Dung và Sáng còn đặt ra và đưa vào triển khai trên toàn hệ thống kinh doanh đa cấp 15 chương trình khuyến mại kích cầu chạy song hành với việc chi trả hoa hồng, đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp vào Công ty Liên Kết Việt 7 triệu đồng (sau này là 8,6 triệu đồng) sẽ nhận được tiền thưởng lên tới 409 triệu đồng. 
 

Nếu vận động được nhiều người tham gia sẽ nhận được quà thưởng là ô tô trị giá lên tới 1 tỷ đồng, căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng, tặng đi tour du lịch nước ngoài,  được hưởng lương tháng cao, được ăn chia phần trăm hàng tháng với số tiền thu được do các bị hại nộp vào nhiều tỷ đồng.
 

Với các phương thức, thủ đoạn nêu trên, sau một năm hoạt động, đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng phát triển mạng lưới được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện trên 27 tỉnh, thành phố. Lôi kéo được hơn 66.880 bị hại tại 49 tỉnh tham gia và nộp cho Công ty Liên Kết Việt hơn 2.091 tỷ đồng. 
 

Trong quá trình điều tra, điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã lấy lời khai đối với 7.346 bị hại đến trình báo, số người này đã mua 76.657 mã sản phẩm với tổng số tiền đã nộp cho Công ty Liên Kết Việt là hơn 658 tỷ đồng đã nhận hoa hồng mà họ nhận được là hơn 145 tỷ đồng, số hàng hóa đã nhận tương đương gần 69 tỷ đồng, số tài sản họ được nhận thưởng tương đương với số tiền là gần 2,5 tỷ đồng. Số tiền đến nay của các nhà đầu tư còn bị Lê Xuân Giang và các đồng phạm chiếm đoạt hơn 443 tỷ đồng.
 

Tổng số tiền công ty Liên Kết Việt thu của 66.880 người là hơn 2.091 tỷ đồng. Riêng 7.346 bị hại, cơ uqan CSĐT Bộ Công an làm rõ với số tiền là hơn 658 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt của 66.880 người là hơn 1.024 tỷ đồng, số tiền chiếm đoạt của 7.346 người bị hại là 443 tỷ đồng.
 

Do vậy, cơ quan tố tụng vẫn buộc 7 bị can phải chịu trách nhiệm về số tiền chiếm đoạt là 1.024 tỷ đồng.
 

Cáo trạng xác định, Lê Xuân Giang là đối tượng chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo các đồng phạm thực hiện toàn bộ hành vi phạm tội. Bị can Lê Xuân Giang chiếm đoạt của các bị hại là hơn 862 tỷ đồng sử dụng cá nhân.
 

Nguyễn Thị Thủy chiếm hưởng hơn 38,3 tỷ đồng. Lê Văn Tú chiếm đoạt 61,9 tỷ đồng. Trịnh Xuân Sáng chiếm hưởng hơn 17 tỷ đồng. Lê Thanh Sơn, chiếm hưởng hơn 8,5 tỷ đồng; Nguyễn Xuân Trường, chiếm hưởng hơn 4 tỷ đồng và Vũ Thị Hồng Dung chiếm hưởng hơn 4 tỷ đồng.

Nguồn cand.com.vn