Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND đề nghị truy tố Phan Văn Minh (24 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau, nguyên là chuyên viên tư vấn Tài chính Ngân hàng); Trần Thị Loan (24 tuổi, ngụ tỉnh Nam Định, nhân viên Công ty TNHH Tài chính); Trần Văn Ngọc (23 tuổi, quê quán Nam Định, tạm trú tại Đồng Nai) và Nguyễn Văn Phúc (30 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau, cộng tác viên Công ty Tài chính) cùng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, Minh có vai trò cầm đầu tổ chức cùng với Phúc, Loan và Ngọc, gây ra 13 vụ chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng vay vốn tại ngân hàng, với số tiền hơn 600 triệu đồng.
Tháng 9-2017, Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận trình báo của bà Ngô Thị Tính (47 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Ninh) bị người khác chiếm đoạt hơn 46 triệu đồng tiền trong tài khoản vừa giải ngân.
Bà Tính cho biết, mở tài khoản tại ngân hàng và làm hồ sơ vay vốn 200 triệu đồng. Ngân hàng làm hồ sơ cho bà vay thêm 50 triệu đồng. Ngày 31-7-2017, ngân hàng giải ngân và tổng đài gởi tin nhắn có mã OTP (mã bảo mật sử dụng cho dịch vụ chuyển tiền InternetBanking) đến số điện thoại bà Tính.
Khoảng 5 phút sau, một phụ nữ gọi cho bà Tính (sau này xác định là Loan) xưng là nhân viên ngân hàng đề nghị xin mã OTP mà tổng đài vừa gởi. Tin tưởng, bà Tính gởi mã OTP cho người này. Hôm sau, bà Tính đến ngân hàng rút tiền thì nhận được thông báo, tiền giải ngân đã chuyển vào tài khoản một người tên Lâm Bình Hón (24 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu).
Tại Cơ quan điều tra, Hón khai có bán thẻ ATM này cho người khác nhận 2 triệu đồng. Công an tỉnh Bạc Liêu vào cuộc điều tra, bắt giữ đối với Minh, Loan và Ngọc. Còn Phúc đến cuối tháng 12-2017 ra đầu thú.
Minh, Loan và Ngọc khai nhận, ngày 31-7-2017 đã đến Bạc Liêu và mua thẻ ATM của Hón. Minh truy cập vào hệ thống, phát hiện bà Tính vừa được giải ngân khoản vay gần 50 triệu đồng. Minh ghi thông tin, nói Loan giả là khách hàng gọi điện thoại cho tổng đài hỏi số tài khoản. Minh thực hiện thao tác đăng ký gmail và InternetBanking cho tài khoản này.
Loan tiếp tục giả làm nhân viên hỗ trợ giải nhân, gọi cho bà Tính yêu cầu cung cấp mã OTP tổng đài vừa nhắn qua điện thoại. Sau khi đăng ký thành công InternetBanking, Minh chuyển số tiền nạn nhân vừa được giải ngân vào tài khoản của Hón, rồi rút tiền chia nhau tiêu xài.
Đối tượng Minh, chủ mưu gây ra 13 vụ chiếm đoạt tiền trong tài khoản giải ngân của khách hàng. |
Ngoài ra, Công an Bạc Liêu làm rõ hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền vay của khách hàng với thủ đoạn trên. Minh và Phúc là cộng tác viên của ngân hàng và Công ty tài chính. Cả hai được cung cấp mật khẩu đăng nhập vào hệ thống quản lý khách hàng vay vốn.
Minh phát hiện thông tin khách hàng vay vốn được giải ngân có trên hệ thống quản lý nên nghĩ cách chiếm đoạt. Sau khi lấy thông tin khách hàng trên hệ thống quản lý, Minh hoặc Phúc tự đăng ký InternetBanking cho tài khoản trên và thực hiện thao tác chuyển tiền sang tài khoản khác, chiếm đoạt.
Để đăng ký dịch vụ thành công và chuyển tiền, bắt buộc phải có mã OTP. Vì vậy, các đối tượng sử dụng thông tin khách hàng rồi đóng giả họ gọi điện thoại cho tổng đài xin cung cấp số tài khoản.
Sau đó, chúng sử dụng số tài khoản này đăng ký InternetBanking và tiếp tục giả làm nhân viên hỗ trợ giải ngân của ngân hàng gọi cho khách hàng và yêu cầu cung cấp mã OTP tổng đài vừa gởi.
Ngày 24-3-2017, Minh tìm mua thẻ ATM của một phụ nữ tại TP Hồ Chí Minh và truy cập vào hệ thống ngân hàng. Minh phát hiện khách hàng Phùng Văn Đạt vừa được giải ngân 50 triệu đồng nên ghi lại thông tin, và giả làm người này gọi cho tổng đài hỏi số tài khoản.
Lấy được số tài khoản, Minh đăng ký Internetbanking để nhận mã OTP. Minh dùng sim khuyến mãi gọi cho anh Đạt, giả danh “nhân viên ngân hàng đang hỗ trợ giải ngân” và yêu cầu gởi lại mã OTP tổng đài vừa nhắn. Anh Đạt nhắn mã OTP, Minh liền chuyển khoản vay của nạn nhân vừa được giải ngân vào tài khoản thẻ ATM vừa mua, rồi đi rút tiền chia cho Phúc.
Từ tháng 3 đến tháng 5-2017, Minh và Phúc thực hiện 4 vụ, chiếm đoạt gần 180 triệu đồng của bị hại tại Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng.
Sau đó, Phúc không tham gia, Minh tự thực hiện và gây ra 2 vụ chiếm đoạt gần 90 triệu của bị hại tại TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. Cuối tháng 7-2017, Minh rủ Loan và Ngọc cùng đi đến các tỉnh miền Tây để kiếm tiền, nhưng thực chất chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Loan và Ngọc giúp sức cho Minh, như giả làm nhân viên tổng đài, thực hiện việc rút tiền từ các trụ ATM. Trong 2 tháng, Minh, Loan và Ngọc thực hiện 6 vụ, chiếm đoạt hơn 330 triệu đồng của các bị hại tại Cần Thơ, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Hải Dương.
Trong thời gian Công an Bạc Liêu đang điều tra, Minh, Loan và Ngọc tiếp tục gây ra 4 vụ, chiếm đoạt khoảng 230 triệu của khách hàng. Có tiền, Minh chia cho đồng bọn tiêu xài đi Phú Quốc ăn chơi. Minh mua 2 điện thoại Iphone 7 gần 50 triệu đồng cho mình và Loan cùng sử dụng, mua tặng nhân tình bộ mỹ phẩm trị giá 9 triệu đồng…
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội, có một phần nguyên nhân do quy trình quản lý cộng tác viên của ngân hàng có một số sơ hở, thiếu sót.
Hệ thống quản lý thông tin khách hàng mang tính dàn trải không có tính riêng biệt cho từng tài khoản cá nhân đăng nhập, việc thiết lập các dịch vụ liên quan đến việc chuyển tiền từ tài khoản của ngân hàng còn có nhiều sơ hở, cảnh báo cho khách hàng còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại chưa có cơ chế xử lý đối với các khách hàng mua bán, trao đổi thẻ ATM và vi phạm hợp đồng mở tài khoản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Còn bị hại, vì thiếu hiểu biết và muốn có được số tiền giải ngân nên tin tưởng, cung cấp mã OTP mà các đối tượng đăng ký thành công InternetBanking cho chính tài khoản của mình và bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.