Ngày 26-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội cho biết: Liên quan đến vụ án lừa đảo bán chứng chỉ nghề không qua đào tạo để chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội (Trường TCNKT&NVXDHN), Cơ quan điều tra đã thu giữ 3.800 giấy chứng minh nhân dân (CMND) và ảnh của số người đặt làm chứng chỉ nghề; chứng chỉ sơ cấp nghề.
Các đối tượng: Vũ Tiến Hiệp, Lê Thị Nhạn, Mai Hiền Quế, Phạm Thị Phương Thanh. |
Số ảnh và CMND thu giữ nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ủy thác điều tra cho 62 Công an tỉnh, thành phố để ghi lời khai của những cá nhân liên quan, phục vụ cho công tác điều tra vụ án. Ngoài ra, cơ quan Công an còn thu giữ nhiều giấy tờ chứng chỉ liên quan khác.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam đối với Vũ Tiến Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường TCNKT&NVXDHN; Lê Thị Nhạn, nguyên cán bộ của Trường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời khởi tố bị can cho tại ngoại cặp vợ chồng Phạm Thị Phương Thanh và Mai Hiền Quế, cùng trú tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam về tội “Giả mạo trong công tác”.
Vụ án được xác định từ nguồn tin mua chứng chỉ nghề không cần học ở thành phố Thái Nguyên. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện về 2 đối tượng đặt mua qua Internet và nhận một chứng chỉ sơ cấp nghề qua đường bưu điện với giá 1,2 triệu đồng.
Người bán là vợ chồng Thanh và Quế, do đó Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra, phát hiện sai phạm của Vũ Tiến Hiệp. Quá trình điều tra đến nay xác định: Trường TCNKT&NVXDHN có nhiệm vụ tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra và cấp các loại chứng chỉ sơ cấp nghề. Tuy nhiên, chức năng này đã hết hạn từ ngày 15-1-2010. Nhà trường chưa đăng ký hoạt động trở lại theo qui định của pháp luật.
Năm 2011, do nhà trường không tuyển được học viên, không có kinh phí để duy trì hoạt động nên Vũ Tiến Hiệp đã chỉ đạo phòng đào tạo và một số nhân viên dưới quyền tìm các đơn vị, doanh nghiệp và người có nhu cầu để bán chứng chỉ sơ cấp nghề không cần qua đào tạo.
Bị can Lê Thị Nhạn có nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin cá nhân, ảnh, giấy CMND của những người có nhu cầu mua chứng chỉ nghề, sau đó nhập thông tin vào máy tính để in lên các phôi chứng chỉ, rồi đóng dấu đỏ, dấu nổi của Nhà trường.
Chứng chỉ sơ cấp nghề được bán với giá từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/chiếc; chứng nhận nâng bậc thợ bán với giá 50 ngàn đồng/chiếc. Ngoài ra, bị can Nhạn còn thông qua vợ chồng Thanh - Quế sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng cáo bán chứng chỉ sơ cấp nghề.
Nếu có người đặt mua, Quế và Thanh yêu cầu họ cung cấp thông tin, giấy tờ cá nhân và ảnh gửi qua zalo, để cặp vợ chồng này chuyển tiếp cho Nhạn. Sau khi có chứng chỉ, Quế - Thanh sẽ sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện với hình thức “COD” (bưu điện gửi hàng và thu tiền hộ) để giao chứng chỉ cho người mua và nhận tiền về…
Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội xác định, bị can Hiệp và cấp dưới đã bán chứng chỉ nghề cho khoảng 780 người, tại 53 đơn vị, doanh nghiệp, ở 14 tỉnh, thành phố; trong số đó, có khoảng 13 công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số tiền bán chứng chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Qua vụ án, đề nghị các Bộ, ngành chức năng cần kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở đào tạo dư thừa, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thành lập ra nhưng không có năng lực đào tạo; liên kết, liên doanh, bán pháp nhân để làm ăn phi pháp, đánh lừa học viên.