Những tài khoản có số người theo dõi lớn, hoặc tài khoản bán hàng qua mạng uy tín thường là mục tiêu của loại tội phạm này. Khi rơi vào tình trạng bị đánh cắp tài khoản facebook, người bị hại thường chấp nhận giải pháp chuộc lại, bởi sau khi lấy được tài khoản, đối tượng xấu sẽ dùng tài khoản chiếm đoạt được để làm mất uy tín chủ nhân, hoặc lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Đơn cử gần đây, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã bắt Kiều Văn Trung (21 tuổi) trú tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội để điều tra, làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản. Không bằng cấp chuyên môn và không có việc làm nhưng vốn khá thông minh, thời gian rảnh rỗi, nam thanh niên này thường lang thang vào mạng xã hội tìm cách dò mật khẩu facebook của người khác.
Sau khi có được mật khẩu để đăng nhập vào tài khoản, Trung đã đổi mật khẩu, lấy thông tin số điện thoại để liên lạc với chủ tài khoản, yêu cầu phải đưa tiền thì mới trả lại tài khoản gmail, facebook mà đối tượng đã đánh cắp.
Trung, Đông và Khang đánh cắp thông tin tài khoản facebook, sau đó lấy được hàng trăm triệu đồng. |
Tại cơ quan Công an, Trung khai ngày 1-1, Trung đã đánh cắp được tài khoản facebook của anh Nguyễn Ngọc T, ở quận Hà Đông, Hà Nội. Sau đó, Trung yêu cầu anh T phải đưa 800.000 đồng thì mới trả lại tài khoản. Để tránh bị phát hiện, Trung đã yêu cầu anh T chuyển tiền bằng hình thức gửi thẻ cào điện thoại. Do tâm lý sợ Trung sử dụng tài khoản của mình làm ảnh hưởng đến uy tín, nên anh T đã phải chấp nhận gửi cho Trung 4 thẻ cào điện thoại mệnh giá 200.000 đồng/thẻ.
Ngay sau khi nhận được số tiền nạp thẻ từ việc yêu cầu nạn nhân gửi, Trung đã sử dụng số thẻ này để nạp tiền chơi game online hết. Thấy việc kiếm tiền kiểu này quá dễ dàng, Trung tiếp tục ép anh T phải đưa thêm 1,2 triệu đồng thì mới trả lại. Chiều 4-1, Trung hẹn nạn nhân đến khu vực Bến xe Mỹ Đình để đưa tiền thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.
Trung tá Đặng Hồng Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, nhiều người mất tiền oan nhưng không trình báo đã gây khó khăn cho công tác điều tra, ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp với tâm lý chấp nhận mất một số tiền chuộc để không bị đối tượng quấy rối nên tội phạm càng có cơ hội hoạt động.
Lý giải vì sao những tài khoản facebook lại dễ dàng bị đối tượng lấy cắp, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, do tội phạm tinh vi sử dụng mã độc để chiếm tài khoản, hoặc thủ công hơn là nghiên cứu một tài khoản đang có lượng người theo dõi đông để lập ra tài khoản tương tự, sau đó lừa đảo.
Về thủ đoạn này, đối tượng chủ yếu lừa chiếm đoạt tiền thẻ cào điện thoại. Chúng thực hiện bằng cách nghiên cứu cách thức trò chuyện của chủ nhân, sau đó lấy hình ảnh đại diện và các ảnh liên quan giống hệt tài khoản thật để nhờ gửi tiền thẻcào. Khi làm giả được tài khoản, đối tượng “chát” với nhóm bạn của chủ nhân để nhờ gửi tiền hoặc cào thẻ.
Ngoài ra, đối tượng dò mật khẩu các tài khoản trên facebook. Chúng đoán tên tuổi, số điện thoại của chủ nhân theo cách tính xác suất và sau khi đăng nhập được đã đổi mật khẩu khác, rồi yêu cầu chủ nhân phải chuộc lại.
Để giúp người dân tránh những cú lừa từ mạng xã hội, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ động tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa, tấn công mạnh loại tội phạm này. Đối với những người sử dụng tài khoản mạng xã hội, khi thấy có những yêu cầu nghi vấn cần xác định rõ, không nên cung cấp thông tin cho người không phải là người thân.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường, bị ép chuộc tiền phải nhanh chóng báo cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý; cần đặt mật khẩu có tính bảo mật cao; không nên để theo tên và số điện thoại, và càng không nên đưa thông tin quá rõ về hoạt động bản thân tránh bị kẻ gian lợi dụng…