(CẢNH GIÁC) Cẩn trọng trước mập mờ giữa “cầm” và “bán”
Cập nhật ngày: 21-01-2018
 
Chuyện bắt đầu từ những tấm danh thiếp của 2 doanh nghiệp. Cả hai đều quảng cáo cho vay 80% giá trị xe và chỉ giữ lại giấy đăng ký xe nên khách hàng vẫn có thể sử dụng xe của mình để di chuyển.
 

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nhiều người không phát giác rằng xe của họ đã được chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp trong khi mục đích ban đầu chỉ là cầm xe.

Theo lời quảng cáo, nhiều người đang cần vay tiền gấp đã gọi đến công ty để cầm xe và được tư vấn làm thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng; chỉ cần mang theo xe, giấy CMND và hộ khẩu. Tùy vào giá trị xe mà công ty sẽ thỏa thuận với khách hàng giá cả cầm cố phù hợp, mọi thủ tục do phía công ty thực hiện, khách hàng chỉ việc ký tên hoặc lăn tay nếu như không biết chữ, sau 30 phút là khách hàng có thể nhận tiền và chạy xe về.

Trao đổi với người đại diện của Công ty Vũ Lâm (trụ sở đặt tại  phường 6, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) và Hoàng Tam (trụ sở chính ở phường 1 và chi nhánh ở phường 7, TP Trà Vinh), chúng tôi được biết, khi khách hàng đến giao dịch, họ sẽ thực hiện đồng thời hai hợp đồng gồm hợp đồng mua bán và thuê lại tài sản. 

Nghĩa là công ty mua lại xe của khách hàng theo thỏa thuận và cho khách hàng thuê lại xe của mình với lãi suất 12%/tháng. Quá trình thực hiện các hợp đồng, người đại diện công ty đều nói rõ với khách hàng về các điều khoản. Tuy nhiên, thực tế thì không như vậy.

 
Danh thiếp tiếp thị cho vay của Công ty Hoàng Tam và Vũ Lâm. 

Một khách hàng cho biết, họ mua xe môtô hiệu Yamah Sirius cách đây một năm với giá 20 triệu đồng. Gần đây, họ cần tiền xoay xở trong gia đình nên mang xe đến Công ty Hoàng Tam cầm với giá 10,8 triệu đồng nhưng phải đóng lãi cho công ty trước một tháng và phí làm thủ tục 1 triệu đồng nên khách hàng chỉ nhận về được hơn 8 triệu đồng. 

Người này cho biết, hàng tháng đều đóng lãi cho công ty, chỉ có khoảng thời gian gần đây do túng thiếu chi tiêu trong gia đình nên chậm đóng lãi thì công ty cử người đến tận nhà đòi tiền và đe dọa thu hồi xe lại thì mới vỡ lẽ là chiếc xe đã không thuộc quyền sở hữu của mình. 

Vì không biết chữ nên người này chỉ lăn tay vào các giấy tờ do công ty chuẩn bị chứ không biết mình đã đồng ý bán xe. Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cho rằng họ bị “sập bẫy” công ty khi quảng cáo một đằng nhưng thực tế lại là một nẻo. Đa số khách hàng đều cho biết, công ty không đọc nội dung hay các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng mà chỉ yêu cầu khách hàng ký tên.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Đen - Văn phòng luật sư Sáu Đen (TP Trà Vinh) về các bảng hợp đồng mà khách hàng đã ký với công ty, ông xác định có nhiều thiệt thòi cho phía khách hàng. 

“Về mẫu quy định trong hợp đồng của Công ty Hoàng Tam và Vũ Lâm thì thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa bên A (công ty) và bên B (khách hàng) không tương ứng với nhau, không thể hiện rõ bên B được hưởng quyền gì, hưởng lợi từ phía bên A cụ thể như thế nào nhưng quyền của bên B thực hiện cho bên A lại rõ nét hơn”. 

Được biết, lãnh đạo và nhân viên của hai công ty này đều là người ở các tỉnh phía Bắc đến tạm trú và đăng ký kinh doanh mua bán xe ôtô, xe gắn máy trên địa bàn TP Trà Vinh từ khoảng tháng 3-2017 đến nay. Theo người đại diện của hai công ty thì lượng khách đến giao dịch từ khi hoạt động đến nay là khoảng vài trăm người.

Một điều đáng quan tâm nữa là theo thông tin của một số khách hàng, khi có khách hàng chậm đóng lãi thì cả hai công ty này đều có sử dụng các thanh niên “bặm trợn” đến tận nhà để đòi nợ với thái độ rất hung hăng, trong khi lãnh đạo của cả hai công ty này đều cam kết với chính quyền địa phương là không để nhân viên thực hiện các hoạt động gây mất ANTT ở địa phương.

Theo các chuyên gia, hai công ty này đều hoạt động kinh doanh hợp pháp nhưng việc mập mờ giữa các thỏa thuận trên giấy tờ, thủ tục pháp lý và thỏa thuận ngầm của hai bên thì có khả năng xảy ra hoạt động “tín dụng đen” và rất dễ xảy ra rủi ro cho phía khách hàng và thậm chí có khả năng bị khởi kiện đòi lại tài sản khi không thực hiện đúng yêu cầu từ phía công ty.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân trên địa bàn, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hoạt động của cả hai công ty này, nhất là cần làm rõ việc thiếu thống nhất trong nội dung đăng ký kinh doanh và hình thức quảng cáo, cũng như hành vi gây áp lực để thu hồi nợ theo phản ánh của người dân. 

Bên cạnh đó, khách hàng cần phải thận trọng khi ký kết các hợp đồng với hình thức tương tự để tránh những phiền toái không đáng có.


Theo http://cand.com.vn