CÔNG AN BẠC LIÊU
Các mánh kinh doanh tiền ảo đa cấp: Đủ nạn nhân là… sập!
Cập nhật ngày: 27-12-2017
Thời gian gần đây, những con sóng bitcoin đã khiến cho không ít người lên cơn sốt. “Ăn theo” bitcoin là sự ra đời của hàng loạt đồng tiền ảo như Wcicoin, Cryptaur, AOC... Việc kinh doanh tiền điện tử, tiền ảo vốn đã ẩn chứa nhiều rủi ro, song nó còn được mua bán theo dạng đa cấp nên lại càng nhiều nguy cơ.

Tuy nhiên, với mức lãi suất khủng và hy vọng làm giàu nhanh, không ít người vẫn như những con thiêu thân bán mình cho tiền ảo để rồi phải nhận những kết cục đắng chát.

1. Qua một người bạn thân, chúng tôi có mặt tại một quán cà phê trên phố Láng Hạ. Hôm nay là buổi offline thường niên của hội “WCI - rực cháy” - được lập ra để kinh doanh tiền ảo wcicoin. Có khoảng 10 thành viên, cả nam và nữ. Tất cả đều rất trẻ, chỉ tầm 18-22 tuổi.

Hoàng Dương - leader của team sau khi uống một ngụm cà phê hết đến nửa cốc, khà lên một tiếng rồi bắt đầu “mở máy”: “Mọi người biết tin gì chưa, bitcoin hiện đã lên đến hơn 20 ngàn USD/coin. Không thể tin được nếu như đầu năm 2016 giá 1 bitcoin chưa tới 400 USD. Nghĩa là trong vòng 10 tháng, giá bitcoin đã tăng đến 400-500 lần. Mình nhanh tay mua được 10 bitcoin từ thời điểm ấy. Hiện tại chỉ cần bán đi là mình đã có 200 ngàn USD. Số tiền này đủ để đãi team mình cà phê từ giờ đến... hết đời”.

Cả nhóm ồ lên hoan hỉ, rồi họ bắt đầu chia ra từng cặp để truyền kinh nghiệm đầu tư tiền ảo. Tôi cũng được leader kéo ra một góc và thuyết phục nên tham gia vào sàn wci “ngay và luôn”.

 

 

Đồng bitcoin đang gây “sốt” trên thị trường khiến nhiều người vẫn như con “thiêu thân”.

Theo Dương, Wci-coin là đồng tiền phân cấp kỹ thuật số được viết bằng phần mềm mã nguồn mở, tương tự như bitcoin. Không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên Internet.

Cũng theo lời thuyết trình của Dương, Wci-coin có tổng số là 30 triệu, với 6 triệu coin đầu tiên dành cho promotion, gồm 3 triệu tặng nội bộ cho những người tiên phong trong tập đoàn, 3 triệu coin còn lại là phần thưởng cho những thị trường làm tốt mạng lưới trên thế giới. 24 triệu coin là dành cho các nhà đầu tư.

Có 5 gói cho nhà đầu tư lựa chọn và tham gia, đó là gói VIP, Platinum, Gold, Silver và Bronze (tương ứng với số tiền đầu tư 10.000 USD, 5.000 USD, 1.000 USD, 500 USD và 100 USD). Sau khi đăng ký tài khoản và đóng tiền, nhà đầu tư sẽ có một tài khoản online và số tiền wcoin nhất định để tham gia mua bán. Và mỗi ngày đều sẽ có số tiền thực đổ vào “ví” của nhà đầu tư.

Trong 5 gói trên, ngoài gói Bronze là gói “giữ chỗ” nên không phát sinh lợi nhuận còn từ gói Silver trở đi, lợi nhuận sẽ được trả hằng ngày cho nhà đầu tư. Và sau khoảng một năm, nhà đầu tư sẽ nhận được ít nhất 50% đến 400% lãi suất. Ngoài ra, nhà đầu tư còn nhận được thêm 10% cho mỗi tài khoản mới phát sinh trong “nhánh” của mình. Cộng thêm rất nhiều loại “hoa hồng” khác khiến cho khoản đầu tư sẽ tăng lên một cách đáng kể.

“Nhưng đó chưa phải là điều hấp dẫn nhất đối với team chúng tôi, những người đi đầu trong việc phát triển thị trường Wci-coin ở Việt Nam. Chỉ cần khoảng một năm nữa thôi, khi mà giá trị của mỗi đồng wcoin tăng từ 300-600%, thì với chỉ 1.000 USD ban đầu nhà đầu tư sẽ có trong tay 20 ngàn đến 120 ngàn USD!”.

 Dương dẫn chứng, ngoài bitcoin đã quá nổi tiếng rồi thì chỉ trong vòng khoảng 1 năm, một số loại tiền điện tử như Ethereum, Ripple, Dash, Bitcoinnect... đã đều tăng từ 300-600 lần giá trị. “Đầu tư tiền ảo luôn kèm theo những rủi ro, tuy nhiên nếu bạn là những người trong top đầu thì chắc chắn sẽ là người chiến thắng”, Dương khẳng định chắc nịch.

2. Ở Hà Nội hiện có đến cả trăm group giống như của Dương - được thành lập để kinh doanh tiền ảo. Tất cả thành viên đều hừng hực ước vọng “làm giàu không khó”. Tuy nhiên, có những điểm mập mờ trong việc kinh doanh này mà các thành viên đều vô tình (hay cố ý) bỏ qua.

Theo giải thích của leader thì hình thức kinh doanh của mạng lưới này là bất kỳ một đồng tiền khi được đưa vào hệ thống sẽ được mang đi đầu tư và khai thác tiền tệ kỹ thuật số. 50% lợi nhuận sẽ được chia đều cho các thành viên trong hệ thống và 50% được sử dụng để tăng sức mạnh và khai thác cũng như củng cố mối quan hệ kinh doanh với các công ty dành riêng cho sự phát triển công nghệ, thương mại và khai thác bitcoin. Song cụ thể là tiền sẽ được đầu tư vào đâu? Và ai sẽ trực tiếp quản lý số tiền này thì các thành viên đều không biết!?

Và trong quá trình thâm nhập vào các group này, tôi phát hiện được một sự thật mà có lẽ không một “nhà đầu tư” nào muốn nghe. Đó là tâm sự của H. Phúc - một lập trình viên và cũng từng là thành viên chủ chốt của một team đầu tư tiền ảo. Sự thật là có những “đơn đặt hàng” để lập sàn tiền ảo với hợp đồng chỉ khoảng 6 tháng là tự động... sập!

 

 

Nguyễn Tuấn Giảng trong một cuộc hội thảo giới thiệu mô hình đầu tư tiền ảo AOC tại Bắc Giang.

Theo Phúc, do “đánh hơi” thấy món hàng “hot” trong việc kinh doanh các loại tiền ảo, một số “ông trùm” về nghề “buôn nước bọt” đã lập tức chớp lấy thời cơ. Khoảng một năm trước, công ty V. chuyên về lập trình của Phúc nhận được hàng chục hợp đồng để “vẽ” ra những sàn tiền ảo sao cho thật hoành tráng. Điều lạ là những hợp đồng này chỉ có thời hạn bảo trì “kịch kim” đến 6 tháng.

Cũng theo Phúc, với dân “coder” chuyên nghiệp thì việc xây dựng một trang web như thế này là khá đơn giản. Thậm chí chỉ cần clone (dập khuôn) những trang của “Tây” về, thay đổi ảnh cover, bảng số liệu... là xong. Mỗi sàn có thể chứa được khoảng 10 ngàn thành viên và giá để lập các trang này chỉ tầm 50 triệu đồng. Thêm mỗi tháng khoảng 10 triệu tiền bảo trì nữa là nó có thể “lên sóng”. Ngoài ra, một số ông trùm còn đi “thuê” mấy ông Tây “ba lô” trong các buổi hội thảo nhằm lừa bịp nhà đầu tư rằng sàn này là do Tây lập ra, có độ tin cậy cao...

 Bản chất của việc kinh doanh tiền ảo đa cấp này là lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho người trước. Sàn sẽ “lên đỉnh” trong vòng khoảng vài tuần đến vài tháng rồi số lượng người tham gia sẽ bị giảm dần. Các ông trùm cũng có đủ các thủ thuật để khiến cho nhà đầu tư bị mất tiền mà không cãi được.

Đó là khi nào thấy số lượng người tham gia ít đi, số tiền đẩy vào chỉ vừa đủ trả cho hoa hồng cấp dưới, ông trùm lập tức sẽ lệnh cho coder tạo một sự cố khiến cho web không thể truy cập trong một vài ngày. Rồi sau khi đã tổ chức hội thảo, kéo được thêm nhiều người tham gia thì sàn lại được mở trở lại.

“Có những thời điểm công ty của em làm không hết việc. Thấy bở nên các ông trùm thi nhau lập hết sàn này đến sàn khác. Sàn nào sập thì họ lại lập sàn mới”, Phúc cho chúng tôi biết.

Mặc dù chính là người tham gia “vẽ” các sàn tiền ảo, song Phúc cũng không tránh được cái bẫy của những ông trùm giăng ra. Sau vài năm đi làm chắt bóp được hơn trăm triệu, cậu đầu tư vào một sàn “mới toanh” hy vọng khi số tiền gấp đôi gấp ba là “biến”. Song cuối cùng tiền của Phúc vẫn chỉ chảy về túi của ông trùm, may vớt lại được gần một nửa tiền vốn. Còn với nhiều sinh viên bị lôi kéo tham gia đầu tư thì đều mất hết. Có em đã định tự sát vì vay nợ “xã hội đen” quá nhiều không còn khả năng trả.

3. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mạng lưới kinh doanh tiền ảo Wci-coin giống hệt với một số mô hình đầu tư tiền ảo onecoin hay bitkingdom... rộ lên từ giữa năm 2016. Đã có rất nhiều nhà đầu tư ở Đà Nẵng, Nghệ An tham gia sàn onecoin. Tuy nhiên, đa số đều đã bị hủy mã số giao dịch và mất hết tiền chỉ vì không bổ sung tiền vào tài khoản, không giới thiệu thêm thành viên mới.

Đặc biệt, vào tháng 11-2017 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã phá một đường dây kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp trên địa bàn tỉnh, bắt 3 đối tượng cầm đầu đường dây là Thân Thị Toan, Nguyễn Tuấn Giảng và Nguyễn Thị Thi.

Tại Cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã mua một trang web, được thiết kế như trang tiền ảo chuyên nghiệp. Sau đó, vẽ ra các gói đầu tư nhỏ. Rồi lên mạng sao chép thông tin về tiền ảo, xây dựng thành tài liệu để kêu gọi đầu tư.

 

 

Nguyễn Tuấn Giảng (bên phải) tại Cơ quan điều tra.

Cũng theo các đối tượng này, có trang web tiền ảo, chúng liền cử người đi tới các tỉnh phát triển thị trường. Mô hình thì như doanh nghiệp nhưng núp bóng câu lạc bộ, hòng qua mắt các cơ quan chức năng. Và để lôi kéo nhiều người tham gia, chúng đưa tỷ lệ phần trăm hoa hồng rất cao, rồi lấy tiền người sau trả cho người trước. Sau khi kiếm được một khoản tiền lớn ở Bắc Giang, nhóm đối tượng tiếp tục “phát triển thị trường” sang tỉnh khác. Khi đó, chính người đứng đầu câu lạc bộ ở các địa phương phải gánh chịu hậu quả.

Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, tới thời điểm hiện tại, đường dây tiền ảo AOC đã có chân rết tại 10 tỉnh thành trên cả nước. Và đã có khoảng 1.400 người tham gia. Với số tiền đầu tư lên tới vài chục tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được các đối tượng cầm đầu chia nhau.

Còn theo một lãnh đạo Phòng 3 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước đã nổi lên tình trạng người dân bị rủ rê lôi kéo vào các đường dây kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử dưới hình thức đa cấp. Cơ quan công an cũng đã nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân. Tuy nhiên việc xác minh điều tra gặp không ít khó khăn.

Do tiền ảo, tiền điện tử chưa được Ngân hàng Nhà nước công nhận, và cũng chưa có “định nghĩa” rõ ràng về loại tiền này. Bên cạnh đó chế tài để xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh tiền ảo dưới hình thức đa cấp cũng chưa chặt chẽ.

Phải từ 1-1-2018, những người phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ phải đối mặt với trách nhiệm dân sự, hình sự. Theo khoản h, Điều 206, BLHS 2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 thì “người nào phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả” sẽ bị xử lý phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Cơ quan công an cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác khi được mời tham gia kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử. Kể cả đồng bitcoin hiện đang làm mưa làm gió trên thị trường cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn...



Theo http://antg.cand.com.vn
Các tin khác