CÔNG AN BẠC LIÊU
Gặp lại cô nữ tự vệ chít khăn tang bên mâm pháo anh hùng
Cập nhật ngày: 20-12-2017
Chiều 17-12, chúng tôi đến thăm nữ tự vệ Phạm Thị Viễn 66 tuổi). Con ngõ ngoằn nghèo nằm trên phố Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội) dẫn chúng tôi tới nhà bà. Không quá khó để nhận ra người nữ tự vệ kiên cường ấy bởi những đường nét, ánh mắt của cô gái chít chiếc khăn tang bên mâm pháo cao xạ năm nào vẫn còn đó.

Nếu ai có dịp đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng B-52 thời điểm này - dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, sẽ thấy tấm hình một nữ tự vệ tuổi mới đôi mươi chít khăn tang, nén đau thương cùng đồng đội bám sát trận địa bên mâm pháo chống lại B52 của Mỹ. Đó là chị Phạm Thị Viễn, nữ tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động (Hà Nội). Cô nữ tự vệ ngày ấy giờ đã lên chức bà, nhưng những ký ức về một thời hào hùng vẫn còn đó.
 

Chiều 17-12, chúng tôi đến thăm nữ tự vệ Phạm Thị Viễn 66 tuổi). Con ngõ ngoằn nghèo nằm trên phố Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội) dẫn chúng tôi tới nhà bà. Không quá khó để nhận ra  người nữ tự vệ kiên cường ấy bởi những đường nét, ánh mắt của cô gái chít chiếc khăn tang bên mâm pháo cao xạ năm nào vẫn còn đó.
 

Kể lại cho chúng tôi về ký ức của 45 năm trước, giọng bà chợt chùng xuống: “Chiến tranh đã cướp đi cả bố lẫn mẹ của tôi. Bom đạn thật ác nghiệt. Cuối tháng 11-1967, đế quốc Mỹ ra sức bắn phá các tỉnh miền Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn chít khăng tang bên mâm pháo thủ anh hùng (ảnh tư liệu).

Hôm ấy, khi đang nằm điều trị vết thương do mảnh bom bi gây ra tại Bệnh viện K, anh bạn bà hồi ấy là bác sĩ bệnh viện ghé thăm, rồi khẽ nói: “Anh thông báo cho em tin này, em không được khóc nhé! Vì khóc, vết thương sẽ bật chỉ ra, nguy hiểm lắm!”.  Người bạn đó đã thông báo mẹ của bà đã bị trúng bom bi và đã mất trước đó một ngày.
 

Nhận được tin và được bác sĩ cho xuất viện về nhà, mắt lưng tròng, cô gái mới bước sang tuổi 16 chạy một mạch ra bờ hồ Hoàn Kiếm và bắt tàu điện trở về nhà. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng vừa bước vào nhà, quang cảnh vắng lặng, không thấy mẹ đâu, bố bà vội ôm chặt bà và dẫn bà ra khu đất mới đắp sau nhà: “Mẹ con mất rồi Viễn ạ!”. Đôi hàng lệ cứ thế lăn dài trên gò má, mẹ của chị  đã bị trúng bom bi trong lúc nhường hầm trú ẩn cho hai cháu bé gần nhà…
 

Gia đình bà có 7 anh chị em, bà là con thứ hai. Khi mẹ mất, anh trai cả đang ở chiến trường miền Nam, còn người em trai út mới lên 4 tuổi. Nén đau thương thành hành động, năm 1968, bà  xung phong vào Đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động - nơi bà đang làm công nhân, với mong muốn được góp sức mình cho cuộc chiến chống kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian này, “chị” cùng các thành viên trong Liên đội tự vệ cứ 1 tuần sản xuất, 1 tuần ra trực chiến. 
 

Giữa năm 1972, khi đế quốc Mỹ tăng cường không lực với các loại máy bay tối tân nhất bây giờ như “pháo đài bay B-52”, máy bay chiến thuật “cánh cụp cánh xòe” F.111 và máy bay F4 với mục đích “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, trong đó có một số vị trí trọng điểm bị bắn phá liên tục như: Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Kẹo Hải Châu, Khu tập thể Mai Hương… bà cùng đồng đội đã được trang bị hai khẩu súng máy cao xạ 14,5mm trực chiến 24/24h tại khu vực gần nhà máy.
 

Cao điểm, đêm 18-12-1972, qua hệ thống thông tin liên lạc, các thành viên trong Liên đội tự vệ của bà nhận được tin: “Bom B-52 đã thả xuống khu vực Yên Viên, Đông Anh (Hà Nội)”. Trong khi đó, súng cao xạ 14,5mm của Liên đội của bà không thể bắn tới tầm bay của máy bay B-52 được. Nên sau đó, đơn vị pháo 100mm gần đấy đã yêu cầu bà cùng đồng đội trong Liên đội sang hỗ trợ, tiếp đạn cho trận địa pháo 100mm nổ súng.
 

Sau khi được tăng cường tiếp đạn cho trận địa pháo 100mm, chiều 22-12, đơn vị của bà  nhận được lệnh sẽ di chuyển đến trận địa mới. Bà tranh thủ tạt qua nhà lấy thêm lương thực, gạo chuẩn bị cho chuỗi ngày ứng trực chiến đấu, bảo vệ vùng trời quê hương. Gặp bố ở nhà đang chuẩn bị đưa mấy người em đi sơ tán, bà tâm sự: “Liên đội của con sẽ chuyển vị trí đi chỗ khác”, “Con di chuyển đi đâu? Đế quốc Mỹ đánh bom ác liệt như thế, phải cẩn thận đấy”, bố bà  dặn.

Bà Phạm Thị Viễn không quên được những ký ức một thời đau thương và hào hùng.

Trở lại trận địa đơn vị của bà được giao nhiệm vụ kéo hai khẩu súng cao xạ lên trận địa mới ở Vân Đồn (gần cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô). Đây là nơi mà trước đó không lâu, một đơn vị pháo cao xạ của bộ đội chính quy đã bị bom Mỹ bắn phá. Chỉ huy trưởng của Liên đội tự vệ lúc này là đồng chí Hoàng Minh Giám.
 

Bóng tối mỗi lúc một bao trùm các nóc nhà, mọi người chuẩn bị thu dọn lán trại mà bom Mỹ đánh sập trước đó thì bỗng thông tin báo động dồn dập: “Máy bay địch cách Hà Nội 80 cây số! Máy bay địch cách Hà Nội 80 cây số!”.
 

Ngay lập tức súng cao xạ của đơn vị bà và 2 đơn vị (tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên và Nhà máy Gỗ) đang trực chiến ở đây chĩa nòng đón lõng theo hướng 1:14 – hướng từ huyện Tam Đảo (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) bay vào. Đây là hướng mà quân và dân ta đã theo dõi, nghiên cứu kỹ quy luật, dự đoán hướng máy bay địch sẽ di chuyển trước đó.
 

21h30, trời tối sẫm, loáng thoáng có vài tia ánh sáng yếu ớt hắt từ mảnh trăng cuối tháng treo trên vài nóc nhà. “Lúc đó, thông tin báo về: Máy bay địch cách Hà Nội 60 cây số, rồi 50 cây số! Anh Giám hô: “Chuẩn bị, điểm xạ ngắn bắn!”. Tất cả liền đồng loạt nổ súng. Tôi đứng trên mâm pháo, thấy tiếng máy bay ù ù giữa trận địa. Trên đầu, xuất hiện đốm sáng.
 

Thời điểm bấy giờ, mọi người không đoán chắc là mình bắn trúng máy bay. Cho đến sáng hôm sau, tin chính thức báo về, một chiếc máy bay F.111 đã bị chúng tôi bắn rơi vào đêm hôm trước”. Nhận được tin báo trên cũng như thông báo từ Sở Chỉ huy cho biết, dân quân Hòa Bình sau đó cũng đã bắt sống được 2 phi công trên chiếc máy bay này, bà và mọi người vui mừng khôn xiết. Bởi sau bao nhiêu năm tập luyện, trực chiến, chiếc máy bay trinh sát ném bom hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ - F.111 đã bị pháo thủ của bà  và đồng đội bắn rơi.
 

Những ngày sau đó, bà cùng đồng đội tiếp tục sát cánh với khẩu súng cao xạ 14,5mm. Nói đoạn đến đây, một lần nữa, đôi mắt của bà lại ngấn nước, giọng chùng xuống. Sáng 27-12, khi bà vừa rời trận địa xuống hầm công sự ngơi nghỉ, mọi người trực ca sáng chạy xuống gọi giật giọng: “Viễn ơi, hai em gái em lên gặp em có việc gì đây này”. Bà gần như muốn đổ gục xuống khi nhìn thấy hai người em lấm lem bùn đất, khuôn mặt buồn bã, giọng thều thào: “Chị ơi, đêm qua, bố bị bom B-52 thả trúng. Giờ chưa tìm thấy bố”….  

Chỉ tay vào bức ảnh đen trắng do phóng viên chiến trường Văn Bảo chụp và gửi tặng vào năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, bà Phạm Thị Viễn chia sẻ, sau khi bố mất, bà đã chít khăn tang rồi nhanh chóng trở lại trận địa, trực chiến trên mâm pháo, ứng trực chiến đấu cho đến hết năm 1989 mới trở lại nhà máy làm việc.

Và rồi câu chuyện của cô gái tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động chít khăn tang, dồn sự căm thù giặc lên đầu nòng pháo đã khiến nhà thơ Tố Hữu trong một lần cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, chúc mừng đơn vị của bà viết lên bốn câu thơ nói về cô nữ tự vệ kiên cường này trong bài “Việt Nam máu và hoa”: “Trắng khăn tang, em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”.

Nguồn cand.com.vn
Các tin khác