CÔNG AN BẠC LIÊU
Người bạn thân thiết với cư dân xóm trọ
Cập nhật ngày: 16-11-2017
Đại úy Vũ Quang, Công an phường Vĩnh Hưng tâm sự rằng, để quản lý được địa bàn thì phải sống cùng dân mới thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và vất vả của người dân, từ đó mới tháo gỡ gút mắc giúp họ, hóa giải mâu thuẫn, vận động họ tích cực tham gia phong trào BVANTQ, giữ ANTT địa bàn.

Cơn gió dịu mát làm xua đi mùi ẩm mốc trong căn nhà tạm của chị Phạm Thị Hoàn, ở tổ 50 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Gia đình chị vốn thuộc diện “3 không” ở xóm trọ Vĩnh Hưng (không hộ khẩu, hai con không có giấy khai sinh) nhưng nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Rồng Xanh (tổ chức phi Chính phủ chuyên giúp đỡ trẻ em đường phố và trẻ bị mua bán ở Việt Nam) và Đại úy Vũ Quang, Cảnh sát khu vực (CSKV), Công an phường Vĩnh Hưng ròng rã nửa năm, gia đình chị đã được nhập hộ khẩu, các con chị có giấy khai sinh để tiếp tục đến trường.
 

Từ Tổ chức Rồng Xanh, chúng tôi biết tới hoàn cảnh của chị Phạm Thị Hoàn. Chị luôn cảm ơn người đã không quản ngại khó khăn, thời gian đi lại vất vả, kiên trì giúp gia đình chị nhập được hộ khẩu là Đại úy Vũ Quang. 
 

Vào một buổi trưa của ngày đầu thu, tôi gặp Đại úy Vũ Quang khi anh đang bận bịu cùng đồng đội chuẩn bị xuống địa bàn. Trong khoảng thời gian ít ỏi tâm sự với tôi về công việc thường ngày của một CSKV phụ trách địa bàn phức tạp nhất về ANTT của phường Vĩnh Hưng, tôi đã phần nào hiểu được vì sao người dân ở đây lại yêu mến người CSKV trẻ đến như vậy. 
 

Anh kể, cách đây hơn 1 năm, khi mới về làm CSKV thì có người bên Tổ chức Rồng Xanh tìm đến đề nghị giúp đỡ. Nghe họ trình bày về hoàn cảnh của 2 đứa con chị Hoàn, do vướng mắc về giấy tờ tùy thân nên cháu Phạm Thùy Anh (SN 2010) gặp khó khăn trong việc học tập. Anh đã trực tiếp gặp chị Hoàn để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và xem xét vướng mắc ở đâu để tháo gỡ.

Đại úy Vũ Quang.

Gia đình chị Hoàn vốn có hộ khẩu ở xã Nam Tiến, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Năm 1998, gia đình chị đi khỏi địa phương để vào vùng kinh tế mới, nên năm 2000 họ bị cắt treo hộ khẩu. Chị Hoàn thuê nhà tạm trú tại phường Vĩnh Hưng đã hơn 10 năm. 
 

Do không có hộ khẩu nên năm 2010 chị sinh cháu Phạm Thùy Anh và năm 2015 sinh cháu Phạm Thị Đào thì các cháu chưa được làm giấy khai sinh. Hai đứa con của chị đều bị câm điếc bẩm sinh, cháu Thùy Anh đang học tại Trường dân lập câm điếc Nhân Chính. 
 

Vì vào đầu năm học mới, nhà trường yêu cầu bổ sung thủ tục hành chính cho Thùy Anh, chị Hoàn không biết xoay sở cách nào để nhập khẩu về quê gốc ở Nam Định nên Tổ chức Rồng Xanh đã đứng ra giúp đỡ (từ năm 2013, Tổ chức Rồng Xanh đã hỗ trợ cháu Thùy Anh tiền ăn và bảo lãnh cho cháu đi học; cháu Đào cũng được hỗ trợ hằng tháng, hiện cả hai cháu được đưa vào Dự án hỗ trợ trẻ em đường phố). 
 

Khi tiếp nhận thông tin và nguyện vọng của chị Hoàn, cái khó đặt ra với Đại úy Vũ Quang là gia đình chị đi khỏi nơi cư trú đã lâu mà chưa một lần quay lại địa phương. Chị chỉ giữ được sổ hộ khẩu photo từ năm 1990, sổ gốc bị mất. 
 

Đại úy Vũ Quang cho biết, muốn tháo gỡ khó khăn thì phải trực tiếp về Nam Định. Thế là trong nửa năm anh đã nhiều lần đi lại giữa Hà Nội và Nam Định để phối hợp với Công an xã Nam Tiến đưa ra phương án tháo gỡ, thống nhất các quy trình xác minh về thân nhân, vận động, thuyết phục gia đình người thân của chị Hoàn cho chị mượn địa chỉ để nhập khẩu về quê gốc. 
 

“Niềm vui không gì bằng khi gia đình tôi có hộ khẩu, các con tôi có giấy khai sinh. Được các bác ở ủy ban xã tạo điều kiện nên việc nhập hộ khẩu và giấy khai sinh cho các cháu diễn ra trong một ngày. Các cháu đã yên tâm đi học, gia đình tôi không còn vô gia cư nữa. Nếu không có chú Quang đứng ra bảo lãnh thì việc nhập hộ khẩu của gia đình tôi không biết khi nào mới xong” - chị Hoàn xúc động cho biết.
 

Năm 2016, Đại úy Vũ Quang được phân công phụ trách địa bàn tổ 48, 49, 50, phường Vĩnh Hưng với khoảng 3 nghìn nhân khẩu, phần lớn ở đây là dân lao động và lao động thời vụ về tạm trú. Vĩnh Hưng là phường trọng điểm của quận Hoàng Mai, tổ 50 là khu vực phức tạp về ANTT khi tập trung khu ổ chuột, dân ở các nơi về tạm trú ở những dãy nhà trọ, lán công nhân… Đây cũng là địa bàn phức tạp về quản lý nhân khẩu, đối tượng xã hội nhiều. 
 

Năm 2016, tại khu vực tổ 50 đã đưa 15 đối tượng nghiện ma túy đi các trung tâm cai nghiện; Công an đã điều tra, bắt giữ 6 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Để quản lý tốt địa bàn phức tạp về ANTT, Đại úy Vũ Quang lựa chọn cho mình cách làm là phải luôn gần dân. 
 

Sự nhiệt tình của tuổi trẻ, cộng với kinh nghiệm nhiều năm làm CSKV ở địa bàn trọng điểm trước đó, anh là một trong số những CSKV gần gũi với dân nhất ở phường Vĩnh Hưng. Bất cứ việc gì anh cũng xuống tháo gỡ trực tiếp cho dân. “Cần mẫn, gần gũi, bình dị, nhiệt tình, chân thành” là những đánh giá mà nhân dân đã dành cho anh. 
 

Không chỉ giúp đỡ chị Hoàn nhập hộ khẩu, làm giấy khai sinh, anh còn liên hệ giúp chị có một chỗ để bán trà đá trên khu vực Hồ Tây kiếm kế sinh nhai. Người dân nào có khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, anh sẵn sàng giúp họ tháo gỡ. 
 

Dù bận rộn với một địa bàn phức tạp là thế, nhưng anh còn thường xuyên đôn đáo đi tìm việc làm giúp những người hoàn cảnh khó khăn. Có đối tượng sau khi thụ án trở về, anh lại liên hệ giúp họ có việc làm. Ngay cả con họ anh cũng liên hệ hỗ trợ tìm công việc. 
 

Điển hình là gia đình Tạ Phương Anh, cả hai vợ chồng đều bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy, con phải gửi sang chùa Bồ Đề. Do thụ án lâu nên gia đình này đã bị cắt treo hộ khẩu từ năm 2001, con không có giấy khai sinh. Anh lại liên hệ với UBND phường Bồ Đề làm giấy khai sinh cho con của Ánh, sau đó tìm một công việc để người con này đi làm, không cuốn vào vết xe đổ như bố mẹ. Hiện người con trai này là nhân viên bảo vệ của một công ty ở phường Nhân Chính, lương tháng 4 triệu đồng.
 

Trước khi nhận nhiệm vụ CSKV ở phường Vĩnh Hưng, Đại úy Vũ Quang từng trải qua nhiều vị trí công tác. Anh từng có 4 năm làm tại Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an huyện Tam Đường (Lai Châu) thì 2 năm là Chiến sĩ thi đua; 7 năm làm CSKV phường Thanh Lương thì có 6 năm là Chiến sĩ thi đua, 2 năm đoạt giải nhất cuộc thi CSKV giỏi cấp quận… 
 

Anh tâm sự rằng, để quản lý được địa bàn thì phải sống cùng dân mới thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và vất vả của người dân, từ đó mới tháo gỡ gút mắc giúp họ, hóa giải mâu thuẫn, vận động họ tích cực tham gia phong trào BVANTQ, giữ ANTT địa bàn.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác