Đã từng nhiều năm là cán bộ quản giáo canh giữ tử tù, được giao trọng trách quản lý lực lượng chuyên trách về bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, thường xuyên phải trích xuất can phạm nhân phục vụ công tác xét xử, thi hành án cũng như điều tra, tố tụng nhưng dù ở bất cứ lĩnh vực nào, Trung tá Lê Xuân Hạnh, Đội trưởng đội Cảnh sát Bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (BV&HTTP), Trại tạm giam Công an Nghệ An không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn được can phạm nhân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, tình cảm.
Hơn 20 năm công tác trong lực lượng công an, với những kinh nghiệm và cống hiến của mình, Trung tá Lê Xuân Hạnh (43 tuổi) được tín nhiệm giao trọng trách “thuyền trưởng”, quản lý đội Cảnh sát BV&HTTP, Trại tạm giam Công an Nghệ An.
Khác với các đội nghiệp vụ khác, lực lượng Cảnh sát BV&HTTP của trại tạm giam có những đặc thù riêng, thường xuyên phải di chuyển, áp giải và trích xuất can phạm nhân hoặc người bị kết án tù có thời hạn đến các trại giam để thi hành án.
|
Trung tá Lê Xuân Hạnh. |
Do đó, có những chuyến đi lúc nửa đêm, khi sáng sớm nên đòi hỏi người cảnh sát làm nhiệm vụ áp giải, bảo vệ cũng phải có những kinh nghiệm nghiệp vụ, sự yêu nghề nhất định mới đảm bảo không có bất cứ sai sót nghiệp vụ nào xảy ra.
Hội tụ đầy đủ những tố chất cần mẫn, trách nhiệm và hết lòng vì công việc nên ở Trại tạm giam Công an Nghệ An, anh em cán bộ chiến sĩ thường tếu táo đặt cho Trung tá Lê Xuân Hạnh là mẫu người của công việc, bởi dù ở bất cứ nhiệm vụ công tác nào, anh cũng luôn trách nhiệm hết mình, được can phạm nhân tin tưởng, gửi gắm tâm tư – điều mà không phải bất cứ cán bộ nào công tác trong lĩnh vực đặc thù này cũng có được.
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Lê Xuân Hạnh cho biết, bản thân anh xuất phát điểm là một chiến sỹ nghĩa vụ, năm 1994 rời quê nhà Diễn Châu (Nghệ An) làm chân bảo vệ tại Cục V26 (nay là Tổng cục VIII), Bộ Công an. Yêu nghề, yêu ngành nên gần 10 năm sau đó, vào năm 2003 anh thi đỗ vào Khoa, quản lý và cải tạo phạm nhân, Học viện Cảnh sát nhân dân. Từ năm 2008, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh về nhận nhiệm vụ công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
Thời kỳ này, Trung tá Lê Xuân Hạnh được phân công công tác đội quản giáo phụ trách nhà giam và trong thời gian từ năm 2009 đến 2012, anh là cán bộ quản giáo, làm nhiệm vụ canh giữ tử tù chốn biệt giam.
Đây là thời điểm mà theo Trung tá Hạnh, là quãng thời gian đã để lại cho anh nhiều dấu ấn nhất. Tiếp xúc, trò chuyện với từng phận người đang ngày đêm đối diện với cái chết, anh đã ngộ ra nhiều điều, từ đó có liệu pháp tâm lý thích hợp để giáo dục, cải tạo can phạm nhân theo chiều hướng giúp họ suy nghĩ tích cực hơn về hiện tại và tương lai của chính bản thân mình.
Trung tá Lê Xuân Hạnh chia sẻ, những tháng ngày làm công tác canh giữ và quản lý can phạm nhân là những người bị kết án tử tù, nằm chốn biệt giam chờ đợi ngày ra pháp trường, bản thân anh hiểu rằng, tử tù là những người phạm các trọng tội, bị kết án tử, đối diện với các chết nên tâm lý thường có những diễn biến khó lường.
Thậm chí giai đoạn anh quản lý, có những tử tù luôn có những đòi hỏi, yêu sách đối với Ban giám thị. Kinh nghiệm và bản lĩnh công tác cho thấy, con người ta khi sống có mục tiêu thì sẽ tự mình điều chỉnh được các mối quan hệ phù hợp với hành vi, năng lực. Tử tù là những người bị kết án tử, nên gần như không có mục tiêu, động lực để phấn đấu, do đó trong các hành vi thường ngày, họ thường có những biểu hiện khó lường, nhất là những tử tù phạm các tội giết người, cướp của, hiếp dâm…
Có thể kể đến trường hợp tử tù Lê Ngọc Quân (28 tuổi), trú xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Đang là sinh viên, chỉ vì Quân bị bệnh tim mà người yêu kiên quyết chia tay.
Chọn đúng ngày lễ Tình nhân 14-2, Quân đã ra tay giết người yêu tại phòng trọ. Trung tá Hạnh kể, mặc dù sau khi ra tay sát hại người yêu rồi tự sát nhưng bất thành, trong quá trình quản lý, giam giữ đối tượng này, thường có biểu hiện chán nản, tuyệt vọng và thời kỳ đầu bất hợp tác với cán bộ quản giáo.
Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, biết Quân là người có hiếu nên anh đã dùng liệu pháp tâm lý, tác động, khơi gợi đến trách nhiệm và chữ hiếu của phận làm con đối với bố mẹ nên đối tượng đã hợp tác, ngoan ngoãn chấp hành nội quy trại giam.
Cũng nhờ sự động viên của Trung tá Hạnh mà Quân đã viết đơn xin tha tội chết, cùng với lá đơn có chữ ký tập thể của hơn 50 người trong xóm nơi đối tượng cư trú, Lê Ngọc Quân đã được Chủ tịch nước ân xá, hiện đang thụ án tại Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình).
|
Phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chăm sóc hoa đón Tết. |
Hay như trường hợp đối tượng Nguyễn Khắc Long (38 tuổi), trú tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Trong quá trình buôn bán trâu bò, Long được một gia đình gả con gái cho vì thấy hiền lành, dễ mến. Hai vợ chồng có con chung, Nguyễn Khắc Long là ông bố rất thương con, nhưng quá trình chung sống, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, vợ bỏ đi miền Nam làm công nhân.
Long ôm con vào miền Nam để thuyết phục vợ về nhưng khi về quê, vợ Long đã làm đơn li dị. Ngày anh trai vợ Long chở em gái ra tòa nộp đơn, đối tượng thủ sẵn dao đứng chờ ở bến đò Cây Chanh, khi đò vừa cập bến đối tượng đã lao ra đâm chết vợ và đâm trọng thương anh vợ, sau đó bị kết án tử hình.
Gia đình tan nát, con gái của Long phải gửi vào làng trẻ em SOS. Trong thời gian ngồi chốn biệt giam chờ đợi ngày ra pháp trường, đối tượng đã nhiều lần viết thư nhờ cán bộ quản giáo gửi cho con gái.
Theo lời kể của Trung tá Lê Xuân Hạnh, tử tù Nguyễn Khắc Long đã nhiều lần có ý định tự sát, biết được nên anh đã động viên, dùng các liệu pháp tâm lý để vấn an tinh thần nên đối tượng ngoan ngoãn chấp hành kỷ luật buồng biệt giam.
Thời kỳ làm cán bộ quản giáo, có thời điểm Trung tá Lê Xuân Hạnh phụ trách 8 tử tù và trên 50 can phạm nhân, là những đối tượng gây ra các vụ án rúng động xã hội như Nguyễn Văn Thành (28 tuổi), trú tại Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, là đối tượng sau khi giết chết mợ dâu đang mang thai đã hiếp dâm, cướp của; Lê Văn Tuấn, Phan Huy Đạt cùng trú tại Diễn Nguyên, Diễn Châu, cùng phạm tội cướp tài sản và giết người… những đối tượng này đều có chung tâm lý ám ảnh, ân hận và cắn rứt lương tâm.
Khác với các đối tượng ma túy do biết trước tội danh và khung hình phạt nên tâm lý dễ nắm bắt hơn, những người mang án tử về các tội cướp, giết, hiếp luôn có những diễn biến tâm lý khó lường.
|
Lực lượng Cảnh sát BV&HTTP Trại tạm giam Công an Nghệ An dẫn giải đối tượng ra tòa xét xử. |
Tháng 3-2012, do yêu cầu công tác và đặc thù công việc nên Trung tá Lê Xuân Hạnh được bổ nhiệm Phó đội trưởng Đội Cảnh sát BV&HTTP. Tháng 6-2013 thì được giữ chức đội trưởng của Đội này.
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Hạnh cho biết, đặc thù của công việc hiện tại thường phải công tác xa đơn vị như áp giải các bị cáo đến phiên tòa xét xử, áp giải người bị kết án tù có thời hạn đến các cơ sở cải tạo, giam giữ của Bộ Công an, quản lý người điều trị giám định tại các bệnh viện…
Có những chuyến áp giải phạm nhân trong đêm, vào các trại giam ở các tỉnh khác như Trại giam Nghĩa An (Quảng Trị), Trại giam Cây Cầy (Tây Ninh)… nên thường xuyên phải di chuyển trên những tuyến đường.
Thậm chí, có trường hợp như đối tượng Nguyễn Văn Dương bị kết án tử hình, phải di chuyển qua lại giữa hai trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An và Công an tỉnh Bắc Giang tới 4 lần để phục vụ công tác điều tra.
Kinh nghiệm thực tiễn hoạt động cho thấy, tội phạm án ma túy hoạt động theo băng ổ nhóm và án tử hình là quá trình áp giải gặp nhiều khó khăn nhất. Do đó, phải lên kế hoạch chi tiết để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình trích xuất, dẫn giải đối tượng.
Ngoài ra, một số đối tượng là tâm thần kinh, hoặc “giả điên”, quá trình đưa từ Nghệ An ra Viện Pháp y tâm thần Trung ương chờ giám định hoặc áp giải tại các phiên tòa gặp không ít khó khăn khi các đối tượng tìm cách chống đối.
Có thể kể đến trường hợp của phạm nhân Phan Công Trọng (34 tuổi), trú tại huyện Tân Kỳ, quá trình thi hành án 20 năm tù vì tội "Mua bán trái phép ma túy" tại Trại giam số 3, khi được đưa đi điều trị HIV, Trọng gây ra cái chết cho một phạm nhân khác.
Quá trình áp giải tại các phiên tòa xét xử, phạm nhân Trọng thường xuyên chống đối, giả điên khùng để quậy phá gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình trích xuất, dẫn giải đối tượng.
Mặc dù có những khó khăn nhất định song từ nhiều năm nay, với sự chèo lái của Trung tá Lê Xuân Hạnh, công tác BV&HTTP của lực lượng Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam Công an Nghệ An luôn đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, lịch trình, và đảm bảo quá trình điều tra, tố tụng và xét xử.
Nguồn cand.com.vn