Trong suốt gần 20 năm gắn bó với trường, trong đó có 7 năm giữ chức vụ Trưởng khoa, Trưởng phòng, Thượng tá Lê Xuân Thuỷ đã vinh dự 5 lần nhận Bằng khen cấp Bộ, 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang Hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều thành tích ấn tượng khác trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thượng tá, TS. Lê Xuân Thuỷ, sinh năm 1977 tại xã Hành Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trong một gia đình thuần nông. Là con trai thứ hai trong gia đình, trên là chị gái, dưới có 2 em, bố anh luôn phải bận rộn với công việc của địa phương, còn mẹ anh luôn phải “đầu tắt mặt tối” với việc đồng ruộng nên ngay từ năm lớp 8, anh đã đảm nhận hầu hết các công việc trong nhà. Bận rộn, vất vả với việc nhà, việc đồng ruộng nhưng anh vẫn luôn cố gắng khắc phục khó khăn để vươn lên học giỏi. Trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, anh nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, được cử tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Chia sẻ về lý do quyết tâm thi vào trường CAND, anh kể: “Ngày nhỏ, tôi rất thích nghe chương trình phát thanh “Vì an ninh Tổ quốc”, đặc biệt là tiết mục “Câu chuyện cảnh giác”. Tình yêu đối với ngành được khởi nguồn từ những câu chuyện rất đời thường và mơ ước trở thành cán bộ Công an được bồi đắp từng ngày và càng lúc càng trở nên mạnh mẽ. Ngay từ năm vào lớp 10 THPT, tôi đã tìm hiểu về việc thi tuyển vào ngành Công an gồm những môn nào, cách thức ra sao để tập trung đầu tư vào các môn học đó. Chính tình yêu đối ngành đã cho tôi động lực, quyết tâm, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để có thể đạt được mục tiêu, mơ ước của mình”.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Học viện ANND, anh ở lại làm giảng viên Trường Trung cấp ANND I, sau này là Trường Cao đẳng ANND I. Lý do được anh giải thích cho sự chuyển hướng này là suốt những năm tháng học tập, rèn luyện tại Học viện ANND, anh rất ngưỡng mộ trình độ, trách nhiệm, tâm huyết của các thầy cô tại Học viện; đồng thời nhận thấy rằng, bản thân cũng có niềm đam mê và tố chất phù hợp với công tác giảng dạy. Ngoài ra, khi tham gia công tác tại các nhà trường Công an cũng sẽ có nhiều điều kiện để đóng góp vào công tác xây dựng lực lượng CAND.
Trong suốt thời gian giảng dạy và quản lý đơn vị tại Khoa Trinh sát an ninh, Trường Cao đẳng ANND I, Nhà giáo Lê Xuân Thuỷ luôn tìm tòi, cập nhật kiến thức mới để có thể đưa thực tiễn vào bài giảng nhằm tăng hứng thú cho học viên. Anh vinh dự nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Bộ vào các năm 2007 và 2009. Bên cạnh việc giảng dạy, anh cũng luôn chú trọng hướng dẫn giáo viên, học viên đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; tích cực đóng góp trong việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học thông qua các hoạt động cụ thể như biên soạn chương trình khung của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an; tham gia dạy giỏi, hội giảng, bồi dưỡng giáo viên giỏi.
Với sự cố gắng, nỗ lực trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, từ năm 2007 đến năm 2021, anh liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở; 5 lần được nhận Bằng khen cấp Bộ; 3 lần được nhận Huy chương Chiến công vẻ vang Hạng Nhất, Nhì, Ba.
Đồng chí cũng đã tham gia và đã nghiệm thu 7 đề tài khoa học các cấp, trong đó chủ nhiệm 2 đề tài cấp Bộ và 3 đề tài cấp cơ sở, 9 sáng kiến; Chủ biên 25 giáo trình, chuyên đề bồi dưỡng và tập bài giảng, tham gia biên soạn 5 sách tham khảo, chuyên khảo; viết 19 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín trong nước; hướng dẫn thành công 7 thạc sĩ, 7 giáo viên tập sự trở thành giáo viên chính thức, 5 nhóm sinh viên hệ cao đẳng nghiên cứu khoa học đều được giải cao cấp trường giáo viên giỏi cấp Bộ và tham gia bồi dưỡng các giáo viên trong khoa và nhà trường dạy giỏi cấp bộ, cấp trường.
Các công trình nghiên cứu khoa học do anh chủ trì như đề tài khoa học, tài liệu giảng dạy, sáng kiến cải tiến khi được nghiệm thu đều đạt loại khá, xuất sắc và có tính khả thi cao. Năm 2016, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm tại Học viện ANND.
Chia sẻ về bí quyết cá nhân trong vai trò của một giảng viên, người truyền lửa đam mê đến học trò, Nhà giáo Ưu tú Lê Xuân Thuỷ cho rằng, đầu tiên, người thầy phải miệt mài nghiên cứu làm sâu sắc nội dung bài giảng. Tiếp đó là phải có sự liên hệ, gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, đặc biệt là những thực tiễn công việc mình được trải nghiệm trực tiếp qua trực tiếp làm, trực tiếp quan sát hoặc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người trong cuộc.
Mặt khác, trên lớp giảng hoặc ngoài giờ lên lớp người thầy cũng phải tạo được sự quan tâm, gần gũi với học viên để học viên muốn được trao đổi, trò chuyện, tâm sự với thầy, qua đó biết được học viên có khó khăn gì và mình cần hoàn thiện vấn đề gì để hỗ trợ học viên và bổ sung, hoàn thiện mình hơn.
Còn trong nghiên cứu khoa học, phương châm làm việc của anh là phải nghiêm túc, cầu thị, mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề mới và sẵn sàng chịu trách nhiệm với việc mình làm và đơn vị mình. Đặc biệt, đối với người làm nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực đặc thù như lực lượng vũ trang thì một phẩm chất không thể thiếu là phải tỉ mỉ, thường xuyên bám sát thực tiễn để phát hiện vấn đề mới hoặc những yêu cầu do thực tiễn đòi hỏi cần nghiên cứu, giải quyết.
“Giảng dạy và nghiên cứu khoa học luôn bổ trợ cho nhau, làm mới cho nhau. Nghiên cứu khoa học giúp bổ sung tri thức, thông tin làm sâu sắc, phong phú nội dung bài giảng. Và qua giảng dạy, phát hiện ra những khoảng trống, những bất cập, những điểm mới cần nghiên cứu”- Nhà giáo Ưu tú Lê Xuân Thuỷ chia sẻ.
Khi được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, TS. Lê Xuân Thuỷ cho biết, bản thân anh cảm thấy rất vinh dự, tự hào. Với anh, niềm vui này không chỉ là kết quả của những nỗ lực cá nhân mà còn có sự đóng góp rất lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên nhà trường đã chỉ bảo, hướng dẫn, tạo điều kiện để anh có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Anh luôn tự nhủ rằng, thời gian tới sẽ phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để có thể đóng góp nhiều hơn đối với công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường nói riêng, công tác giáo dục đào tạo của lực lượng CAND nói chung.
Mặc dù vừa được đơn vị điều động công tác sang vị trí Trưởng phòng Chính trị, song anh vẫn thực hiện nhiệm vụ làm giảng viên thỉnh giảng tại Học viện ANND. Anh cho biết, sẽ tập trung thời gian nghiên cứu và thực hiện thỉnh giảng tại Học viện ANND để có cơ hội được tiếp tục học hỏi và trải nghiệm ở môi trường giảng dạy mới, yêu cầu cao hơn nên mình phải cố gắng hơn, nỗ lực nhiều hơn. Ngoài việc giảng dạy, anh vẫn tiếp tục tham gia công tác nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài đang chờ phía trước, trong đó có 1 đề tài cấp Bộ do anh làm chủ nhiệm sẽ được triển khai ngay trong năm 2022.
Theo: cand.com.vn