Dù chuyện đã qua mấy mươi năm, nhưng khi trò chuyện với nhiều cán bộ hưu trí hay cô, bác cao tuổi ở huyện Càng Long (Trà Vinh), ai cũng đều nhớ đến ông Hai Kỳ Tân với một niềm cảm phục sâu sắc.
Bị chỉ điểm, ông bị địch bắt và giam cầm hơn 5 năm ở khám lớn Cần Thơ, đày ra nhà tù Phú Quốc và Côn Đảo. Mặc dù phải hứng chịu nhiều nỗi đau về thể xác nhưng ông vẫn tìm cách liên kết với những người tù cách mạng khác để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước trong tù. Đến năm 1963, ông vượt ngục trở về địa phương thì hay tin vợ ông bị địch bắt giam ở khám lớn Trà Vinh vì tham gia biểu tình chống địch càn quét, bắt bớ phụ nữ (vợ ông cũng là thương binh hạng 3). Tiếp tục tham gia cách mạng, ông được điều về làm Phó rồi Trưởng Ban an ninh huyện Càng Long (tiền thân Công an huyện Càng Long ngày nay) vào năm 1972.
|
Phóng viên trò chuyện với gia đình ông Hai Kỳ Tân. |
Nhiệm vụ chủ yếu của Ban An ninh huyện lúc bấy giờ là đảm bảo ANTT vùng giải phóng và vùng mới giải phóng trên địa bàn; tập trung xây dựng lực lượng; tổ chức bao vây, đánh chiếm đồn bót địch; diệt ác, phá kiềm. “Tuy không qua nghiệp vụ ngành Công an nhưng chú Hai Kỳ Tân có nhiều quyết sách giúp Ban An ninh huyện lập nhiều chiến công; chỉ đạo anh em làm rất rốt ráo, tới nơi tới chốn”, ông Lê Văn Dũng (Út Dũng, nguyên Tổ trưởng Tổ Văn phòng, Ban An ninh huyện Càng Long, nguyên Chánh Văn phòng Công an tỉnh Trà Vinh) nhớ lại khi nhắc về ông Hai Kỳ Tân.
Theo lời ông Út Dũng, trong năm đầu thực hiện nhiệm vụ, ông Hai chỉ đạo lực lượng trinh sát vũ trang phối hợp với quân sự huyện diệt hàng chục tên tề ấp, ác ôn, làm tan rã 3 hệ thống “Tề ngầm phản động” do địch cài cắm lại, gồm hàng chục tên mật báo viên và tay sai của chúng trong vùng giải phóng ở các xã Phương Thạnh, Đại Phước, Bình Phú. “Chú Hai sống có tình nghĩa nên rất được đồng đội và nhân dân yêu mến, che chở. Thời kháng chiến, có lúc cơ quan đóng tại nhà dân gần 5 năm mà địch không hề phát hiện. Một phần vì họ ủng hộ cách mạng, một phần vì họ nể phục ông Hai nên hết lòng bảo vệ lực lượng”, ông Út Dũng tiếp lời.
Trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Hai chỉ đạo lực lượng của ta vận động nhân dân có con, cháu đi lính ngụy ở các đồn, bót địch đầu hàng, trở về gia đình. Hầu hết các đồn địch đóng trên địa bàn đều được lực lượng của ta khống chế, thu giữ nhiều vũ khí. Riêng đồn Mỹ Huê do tên Thiếu tá Phúc làm trưởng đồn cương quyết không cho lính đầu hàng, hắn bấm nổ mìn claymore cài sẵn bên hàng rào làm sát thương nhiều người. Lực lượng ta tấn công, trấn áp, bắt giữ tên ác ôn này khi hắn đang loay hoay tìm cách thoát thân.
Năm 1977 đến năm 1980, ông được phân công làm Phó Bí thư Huyện ủy, kiêm Trưởng Công an huyện Càng Long. Đại tá Nguyễn Văn Trong (Tư Trong, nguyên cán bộ Tổ Văn phòng Ban An ninh huyện Càng Long, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Trà Vinh) kể: “Chú Hai không chỉ là một lãnh đạo có tài, mà còn rất có tâm”.
Ông quan tâm giải quyết tất cả yêu cầu của nhân dân đến nơi đến chốn. Chuyện gì hứa với dân là ông gắng sức làm hết cách, dù có những trường hợp kết quả không như mong muốn thì ông vẫn giải thích cho nhân dân cặn kẽ, rõ ràng, thấu tình đạt lý chứ không bao giờ phớt lờ. Ông luôn nhắc nhở cấp dưới phải luôn tôn trọng nhân dân, tiếp xúc với dân phải khéo léo, trả lời dân phải có đầu có đuôi, không được nói chuyện ngang, không để họ phiền lòng dù là việc nhỏ nhất. Ông Tư Trong kể ông từng chứng kiến ông Hai Kỳ Tân phê bình một chiến sỹ gác cổng khi trả lời dân không lịch thiệp.
“Ổng nói đâu làm đó. Tính tình cương trực, thẳng thắn nhưng rất thương người, thương lính. Có một câu nói mà tui không bao giờ quên, ổng dạy nghèo phải cho sạch, sạch rồi thì phải cho thơm, nghĩa là phải luôn hoàn thiện bản thân mình, cố gắng sống tốt, tốt rồi thì phải tốt hơn nữa, không được nghĩ hay làm gì sai quấy với Đảng, với dân. Bản thân ổng cả đời liêm, chính, trong sạch nên ổng chẳng sợ điều gì”, giọng ông Tư Trong vẫn bồi hồi.
Đúng như lời ông Tư Trong, cả đời ông Hai Kỳ Tân hết lòng vì Đảng, vì dân, chưa bao giờ vun vén điều gì cho riêng mình. Năm 1980, ông về nghỉ hưu, sống cùng với người con trai trong một căn nhà nhỏ trên mảnh đất của tổ tiên để lại ở ấp Kinh B, xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Sau này, Tỉnh ủy Trà Vinh 3 lần cấp đất và hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa nhưng ông nhất định từ chối, trả lại cho Nhà nước để cấp cho những đồng chí khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Về hưu nhưng ông vẫn rất quan tâm công tác xây dựng Đảng ở địa phương.
“Tính Đảng trong ông Hai rất cao. Tâm huyết trong việc đóng góp ý kiến chăm lo đời sống cho nhân dân. Là thương binh hạng 3 trong thời kháng chiến chống Mỹ nhưng với ông Hai, chỉ có cống hiến chứ không bao giờ so đo, tính toán hay đòi hỏi chế độ chính sách. Có những vụ việc khó ở địa phương, chúng tôi đều nhờ ông giúp để vận động nhân dân. Năm 2011 ông Hai qua đời vì tuổi cao sức yếu, nhưng trước đó, khi cán bộ xã đến nhà thăm, ông vẫn căn dặn: Phải làm sao để dân thương mới là người đảng viên. Dân không hiểu thì cắt nghĩa cho dân nghe. Dân thương, dân mến thì dân mới tin và nghe theo Đảng”, ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên Chủ tịch UBND xã Huyền Hội, huyện Càng Long kể lại với lòng kính phục.
Nguồn nhandan.com.vn