Từ ước mơ tuổi thơ đến Á khoa khối C Học viện Cảnh sát nhân dân
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuổi thơ của Mùa Đông là quãng tháng ngày lặng thầm buồn tủi. Năm chị lên mười, bố mẹ chị vào miền Nam làm thuê trang trải cuộc sống, để lại ba chị em Mùa Đông cho bà nội già yếu chăm nom, nuôi nấng. Ngày ấy, dù còn bé nhưng chị đã ý thức được rằng, mình phải vừa phấn đấu học tập thật tốt, vừa chăm chỉ đỡ đần bà công việc mùa màng đồng áng những ngày cuối tuần.
Hồi ức về thời ấu thơ, Thượng úy Kim Thị Mùa Đông bùi ngùi kể: "Mỗi năm học mới, bà không bao giờ quên mua cho mỗi chị em tôi một bộ quần áo mới bằng số tiền bà dành dụm những ngày tần tảo bán rau. Giá sách của chúng tôi cũng tự tay bà đóng từ những thanh gỗ vụn. Bà ân cần dặn: Gắng học hành sau này có công việc ổn định, thoát cái kiếp bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, các cháu ạ".
|
Thượng úy Mùa Đông nhận khen thưởng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua của huyện Tam Đảo năm 2020. |
Và trong khi các bạn nữ đồng trang lứa thường mong muốn mai này sẽ trở thành giáo viên, y tá, thợ may... thì Mùa Đông lại ấp ủ ước mơ khoác lên mình bộ cảnh phục màu xanh lá cây, từ những tối sang nhà hàng xóm xem nhờ serie phim "Cảnh sát hình sự". Ước mơ ấy càng bùng lên mãnh liệt vào một lần chị theo bà ra chợ Tết bán rau và nhìn thấy một người phụ nữ bị hai thanh niên xăm trổ đi xe máy áp sát rồi giật mất chiếc ví.
Vì tự lập từ bé nên dường như suy nghĩ của Mùa Đông luôn già đi trước tuổi. Mỗi lần áp lực sách vở, chị tự trấn an bản thân: "Học tập là chìa khóa mở cửa tương lai". Vượt qua nhiều gian nan, khổ cực, mười hai năm miệt mài đèn sách của Mùa Đông đã được đền đáp xứng đáng khi chị đỗ Á khoa khối C Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2009 với tổng 26,5 điểm đầy thuyết phục.
Không ngủ quên trên chiến thắng ấy, ngay từ những ngày mới nhập trường, Mùa Đông đã xây dựng cho mình thời gian biểu chỉn chu, chặt chẽ. Bởi vậy, chị không bị đuối sức khi học tập và rèn luyện trong môi trường mang tính kỷ luật, kỷ cương nghiêm chỉnh, mà còn cân đối đủ thời gian tích cực tham gia hoạt động phong trào Đoàn.
Năm năm phấn đấu dưới mái trường Học viện Cảnh sát nhân dân, cô gái bản lĩnh ấy tiếp tục ghi vào thanh xuân đầy khát vọng của mình các thành tích nổi bật như: một giải Nhì, hai giải Ba Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Học viện, giải Ba viết Chuyên đề nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bằng khen của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Công an và khá nhiều dấu mốc thành công khác.
Đơn vị là đại gia đình
Tốt nghiệp khoa Điều tra chất lượng cao của Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2014, xuất phát từ tình hình nhân sự đơn vị, Kim Thị Mùa Đông được phân công về đội Tổng hợp, Công an huyện Tam Đảo. Dù chưa được đào tạo chuyên sâu công tác tham mưu, chị vẫn đón nhận công việc mới với phương châm "sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến".
Mỗi chuyên ngành đều có những khó khăn, vất vả riêng. Công việc ở đội Tổng hợp, đúng như tên gọi, đòi hỏi ở cán bộ một vốn kiến thức nền phong phú, đa dạng lĩnh vực. Phụ trách chuyên đề Cảnh sát, Mùa Đông cố gắng nghiên cứu, cập nhật liên tục các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư... để tham mưu xây dựng báo cáo và các chương trình, kế hoạch một cách chuẩn mực, kịp thời, hiệu quả.
|
Mùa Đông dịu dàng trong tà áo dài. |
Nhắc đến gian nan trong công tác tham mưu tổng hợp, nữ Thượng úy chia sẻ: "Nếu lĩnh vực điều tra luôn phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, thử thách thì bộ phận tham mưu giống như "làm dâu trăm họ". Nghĩa là phải biết cách quán xuyến, cẩn thận từ công việc nhỏ như đóng một dấu "MẬT" lên văn bản cho đến công việc lớn như tham gia soạn thảo phương án diễn tập khu vực phòng thủ".
Được phân công về đội Tổng hợp, Công an huyện Tam Đảo là cái duyên đầy thú vị trong tuổi trẻ của Thượng úy Mùa Đông. Cán bộ, chiến sĩ trong đội luôn đoàn kết, vui vẻ san sẻ, gánh vác công việc cùng nhau mà chẳng hề so đo, tính toán hơn - thiệt. Chị dần trưởng thành hơn, thấu đáo hơn trong cách nhìn, suy nghĩ. Chị nhận ra, sự nhạy cảm nội tâm ẩn sau vẻ bề ngoài mạnh mẽ của mình rất phù hợp với môi trường nơi đây.
Với tinh thần nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm, Thượng úy Kim Thị Mùa Đông luôn xem đơn vị là đại gia đình thứ hai của mình. Chị tâm niệm, khi mình dành cho công việc một tình yêu đậm sâu thực sự thì chẳng có chướng ngại vật nào mà không thể vượt qua. Gạt đi những bộn bề áp lực, chị luôn biết cách nạp đầy nguồn năng lượng tích cực để "mỗi ngày đi làm là một ngày vui". Vì thế, những số liệu khô khan cũng trở nên thân thiết như là người bạn.
Sáu năm công tác, đối với chị, là quãng thời gian đong đầy kỷ niệm đẹp. Có những ngày tổng kết bận rộn, chị và đồng đội phải đánh máy liên tục đến mức mười ngón tay dường như đông cứng lại giữa không khí mùa đông lạnh buốt. Nhưng rồi đến lúc chuyền tay nhau mấy củ khoai nướng trong vài phút giải lao, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết. Đôi khi niềm vui đến từ những điều mộc mạc, nhỏ nhoi như vậy.
Nhiều nghĩa cử nhỏ tạo nên giá trị lớn
Bận rộn vậy nhưng nữ Thượng úy luôn gắng phân chia, chắt chiu quỹ thời gian eo hẹp cho một niềm đam mê đặc biệt - đam mê sáng tác. Vào những ngày cuối tuần, trong căn phòng yên tĩnh, chị vẫn duy trì thói quen viết lách để trải lòng mình về một miền ký ức chưa xa và gửi gắm những bức thông điệp nhẹ nhàng, sâu lắng.
Trong đơn vị, ít ai biết rằng, chị là tác giả trẻ của gia tài văn chương bảy đầu sách, gồm nhiều thể loại: "Những ngày sau một cuộc tình" (tản văn - truyện ngắn, NXB Văn học), "Chạm vào nỗi nhớ" (tản văn - truyện ngắn, NXB Thời đại), "Em chọn nỗi nhớ, nỗi nhớ này chọn anh" (tản văn - truyện ngắn, NXB Văn học), "Những điều ta chưa nói" (Truyện dài, NXB Lao động), "Nếu không nợ nhau, làm sao gặp gỡ" (truyện dài, NXB Hà Nội), "Mật mã cuối cùng" (truyện dài, NXB Công an nhân dân), "Gặp em trong mơ" (truyện ngắn, NXB Văn học) và một bản thảo tiểu thuyết trinh thám đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Những câu chuyện về thanh xuân vườn trường, tình yêu đôi lứa đầy khắc khoải của Mùa Đông luôn được kể bằng chất văn dịu dàng, đằm thắm, đượm buồn và để lại trong tâm hồn độc giả nhiều luyến tiếc, bâng khuâng, trăn trở. Vài năm gần đây, chị quyết định mở rộng biên độ đề tài và mạnh dạn thử sức với thể loại trinh thám hình sự. Chị cho biết đó là cách giúp chị không - bị - quên những kiến thức chuyên ngành quý giá mà chị từng được đào tạo bài bản ở giảng đường đại học.
Năm 2018, cái tên Mùa Đông ít nhiều gây được sự chú ý trên văn đàn khi chị đoạt giải Ba cuộc thi "Cây bút vàng" do Bộ Công an tổ chức, với truyện dài "Mật mã cuối cùng". Tác phẩm thực sự mang đến một luồng gió mới khi khắc họa đặc sắc hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân bản lĩnh, mưu trí trong quá trình điều tra một vụ án mạng phức tạp, thông qua việc truy tìm, phá giải những dòng mật mã bí ẩn và "hack não".
Sau đó, chị đã trích một phần tiền giải thưởng và toàn bộ nhuận bút tập truyện ngắn "Gặp em trong mơ" cho dự án thiện nguyện "Nuôi em - Ánh sáng núi rừng" nhằm giúp đỡ hai em nhỏ ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và ủng hộ một phần kinh phí đỡ đầu cho Nhà số 13 - Làng trẻ em SOS Hà Nội. Chị xúc động tâm sự: "Tôi từng trải qua một thời tuổi thơ đói khổ. Nên tôi hiểu các em cần động viên, an ủi thế nào. Nếu mỗi chúng ta đều góp một nghĩa cử nhỏ thì lâu dần sẽ tạo nên một giá trị lớn lao và có sức lan tỏa".
Mùa Đông giờ đây đã có một gia đình hạnh phúc với người chồng cùng đơn vị và cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh. Dù đảm đương nhiều vai trò cùng lúc, chị vẫn chu toàn, trau chuốt mọi thứ thật gọn gàng, trọn vẹn. Như cách chồng chị thường nói đùa là có lẽ chị có "ba đầu, sáu tay". Nghe đâu chị đang học làm bánh, dự định sau này về hưu sẽ mở một tiệm ăn vặt nho nhỏ.
Tuổi hai mươi chín, nữ Thượng úy trẻ ấy đã làm được nhiều điều ý nghĩa cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhưng với tính cách giản dị, khiêm tốn, chị chọn cách tránh xa những hào nhoáng phô trương để cống hiến âm thầm, ẩn dật. Nếu ví cuộc sống là liên khúc đa thanh thì Thượng úy Kim Thị Mùa Đông chính là một nốt trầm lặng lẽ - nốt trầm trên bản nhạc xanh!
Nguồn cand.com.vn