Gắn kết cộng đồng
Phường Tân Mai là một trong 8 phường nội ô của TP Biên Hòa, có 80% dân số là đồng bào theo đạo Công giáo. Rất nhiều câu chuyện trong thời gian Trung tá Lợi về công tác tại Công an Phường Tân Mai. Chị cho rằng, những kỷ niệm ấy đã trở thành kinh nghiệm thiết thực giúp chị vận dụng vào công việc.
Năm 2017, một cư xá trên địa bàn phường bị trộm đột nhập lấy tài sản, trong đó có chiếc máy tính. 2 giờ sáng, có cuộc gọi điện báo cho Trung tá Lợi khi đang đi tuần ở khu vực gần đó. Chị đã tức tốc cùng anh em tới giải quyết. Vì trong máy tính có chứa nhiều tài liệu quan trọng.
Trung tá Lợi chỉ đạo anh em huy động tối đa các "mắt thần" (camera an ninh) được gắn ở xung quanh khu vực gần cư xá, sàng lọc tất cả các đối tượng ra vào địa bàn ngày hôm đó, cuối cùng tìm ra một đối tượng nữ có biểu hiện khả nghi nhất. Cán bộ Công an phường tiến hành xác minh, triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Quỳnh Dương lên đấu tranh. Lúc đầu, Dương cương quyết không chịu nhận tội.
Biết được hoàn cảnh của Dương lang thang, không gia đình, không người thân, lại đang nuôi con nhỏ, Trung tá Lợi, chia sẻ về cuộc sống, về sự khoan hồng của luật pháp với người đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi rồi thông tin cho cô ta hiểu về hoàn cảnh của các Sơ. Chị nói với Dương, sau này có gì khó khăn cứ tìm đến chị, chị sẽ giúp đỡ hết mình.
|
Trung tá Lê Thị Lợi trong một lần phát quà cho bà con nghèo. |
Để Dương nhận tội một cách tâm phục khẩu phục, cán bộ điều tra đưa ra các bằng chứng thể hiện Dương đã có mặt trong cư xá thời điểm mất trộm. Dương phải cúi đầu thừa nhận hành vi trộm cắp và cho biết đã bán chiếc máy tính ở một tiệm cầm đồ ở Phường Tam Hiệp. Tìm lại được máy tính, các Sơ đã rất vui mừng.
Sự gần gũi và cách quan tâm của Trung tá Lê Thị Lợi đã chiếm được cảm tình lớn của bà con giáo dân Phường Tân Mai. Trong nhiều năm gắn bó với nhân dân Phường Tân Mai, Trung tá Lê Thị Lợi đã giúp đỡ, cưu mang nhiều hoàn cảnh éo le, sa cơ lỡ bước.
Nhiều nhất là cư dân ở "xóm Thổ" (Tổ 74, KP. 5) do trước đây ăn chơi trác táng cầm cắm hết giấy tờ tùy thân nên khi "cải tà quy chính" không còn gì để đi làm việc. Trung tá Lợi phải "linh động" làm giấy tờ cho họ, trường hợp nào khó quá thì chị đứng ra bảo lãnh hoặc trực tiếp đến gặp Ban giám đốc công ty xin.
Một trường hợp khác là Nguyễn Thị Thanh T., sau khi đi tù về tội buôn bán ma túy, T. gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình làm lại cuộc đời. Trung tá Lợi đã mạnh dạn đề nghị Ban quản lý Quỹ doanh nhân với An ninh trật tự tỉnh Đồng Nai hỗ trợ T. 20 triệu để mở một sạp bán trái cây ở chợ và đã có cuộc sống tốt đẹp.
Trung tá Lợi cho biết, lãnh đạo Công an TP Biên Hòa luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát Công an các phường, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, phải chung tay giúp đỡ người lầm lỡ có công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống, không quay lại "con đường cũ".
|
Ngoài giờ làm việc, Trung tá Lợi lại tư vấn pháp luật miễn phí cho bà con. |
Cảm hóa người lầm lỡ
Ngoài nhiệm vụ là Trưởng Công an phường, Trung tá Lợi còn kiêm chức Tổ trưởng Tổ phòng chống bạo lực gia đình. Trong quá trình giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến gia đình, tình cờ Trung tá Lợi biết được Nguyễn Văn B. có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, cha mẹ chia tay sớm, mẹ đã đi thêm bước nữa. B. đi lao động vạ vật lang thang khắp nơi rồi dính ma túy.
Rơi vào cảnh nghiện ngập, không ai thuê mướn, không có tiền, B. bán những đồ dùng trong nhà, từ cái nồi niêu xoong chảo cho đến cái chén ăn cơm. Cái gì bán được là B. cho "đội nón" ra đi. Bán không còn gì trong nhà nữa, B. nhìn lên mái nhà và mắt sáng lên khi thấy còn tấm tôn bán được.
Trung tá Lợi nghe được thảm cảnh của B. liền tiếp cận hỏi han, B. thật thà trả lời: "Con lỡ nghiện rồi giờ bỏ không được. Không có tiền thì con phải bán mấy thứ của nhà chứ con vừa đi tù về, giờ xin việc không ai nhận cả".
Trở về, Trung tá Lợi trằn trọc mãi. Chị quen người bạn có công ty làm gốm bên phường Tân Phong nên đã gửi B. vào làm ở công đoạn mà không cần trình độ. Còn về lý lịch của B. thì chị sẽ đứng ra bảo lãnh. Chị tin mình có thể cảm hóa được B. trở thành một người tốt.
Từ nhà tới chỗ làm khá xa, B. không có xe nên rất khó khăn. Trung tá Lợi đứng ra mua trả góp cho B. một chiếc xe máy cũ, giá 2,5 triệu đồng. Đến tháng lãnh lương, B. sẽ trừ 500 ngàn tiền xe. Trong vòng 5 tháng là hết, chiếc xe thuộc sở hữu riêng của B.
Trong suốt thời gian B. đi làm, Trung tá Lợi thường xuyên thăm hỏi, cũng là để theo dõi tình hình cảm hóa một con người. B. đã không phụ lòng tin tưởng, thương yêu của Trung tá Lợi, có việc gì anh cũng tìm đến "cô Lợi" chia sẻ, nhờ tư vấn.
Nhà B. ở gần "xóm Thổ", đây là khu vực rất phức tạp, có mấy trăm mét đường sông Đồng Nai, có một cồn cỏ nổi lên giữa sông nên các đối tượng thường "nhảy dù" về hoạt động bài bạc, trộm cắp, hút chích. Nếu thấy động lại "nhảy" qua sông, sang địa bàn khác. B. biết rất rõ các đối tượng "xã hội" này nên đã giúp Trung tá Lợi chuyển hóa địa bàn ở khu vực này.
Công an Phường Tân Mai đã triển khai các biện pháp để làm trong sạch địa bàn, nhưng lúc đầu tiếp cận những nhóm đối tượng có "máu mặt" không phải dễ. Bằng nhiều biện pháp, tên nào sừng sỏ phải trị bằng pháp luật, tên nào có thể dùng nhân tâm cảm hóa được, Trung tá Lợi đều tìm cách nắm bắt.
Kết quả, trong một thời gian ngắn, Công an Phường Tân Mai đã đẩy đuổi được nhóm đối tượng cho vay nặng lãi, lô đề, cờ bạc, ma túy...hoạt động tại khu vực "xóm Thổ" ra khỏi địa bàn. Đồng thời đưa vào "tầm ngắm" các đối tượng bảo kê cho các tàu hút cát trên sông Đồng Nai để phối hợp với các lực lượng khác truy quét.
"Xóm Thổ" bình yên trở lại. Mỗi lần đi tuần qua khu vực, anh em công an rất phấn khởi vì thấy nhà nào cũng mở cửa chứ không đóng im ỉm như trước. Tiếng cười nói rộn ràng khắp ngõ. Riêng Trung tá Lê Thị Lợi phải vào nhà uống ly nước, ngồi kể chuyện xã, chuyện phường cho bà con nghe rồi mới được đi.
Cuộc sống của B. dần ổn định, anh ta quen với một cô gái sống với nhau như vợ chồng. Người yêu sinh con mà hoàn cảnh vẫn khó khăn, cô kia có ý định bán đứa bé với giá 10 triệu đồng, B. cố gắng khuyên nhủ nhưng không được.
Biết được chuyện, Trung tá Lợi can thiệp ngay, chị nói với người mẹ: "Con của mình đứt ruột sinh ra sao lại bán đi, tội nghiệp lắm. Bây giờ khó khăn thì để cô nói với mấy dì".
Một lần nữa bạn bè của Trung tá Lợi lại giúp đỡ người lầm lỡ. Người mẹ trẻ sau đó được tạo công ăn việc làm, hàng tháng nhận hỗ trợ nuôi con. Căn nhà đã bị B. tháo tôn bán hết nên nhìn thấy tận mây xanh, Trung tá Lợi bỏ tiền ra mua tôn về lợp, sửa sang lại cho tươm tất.
|
Các cá nhân tích cực tham gia phong trào Bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn phường Tân Mai được khen thưởng. |
Không ngừng học tập
Trung tá Lê Thị Lợi là một học sinh giỏi văn, chị từng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) và Trường Đại học Sư phạm, nhưng chị quyết định rẽ sang ngành Công an theo định hướng của ba mẹ. Sau này, 4 trong số 5 người con trong gia đình Trung tá Lợi đều theo ngành Công an.
Vốn là gia đình có truyền thống hiếu học, Trung tá Lê Thị Lợi đã quyết tâm học thêm Đại học Luật và lấy chứng chỉ luật sư. Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với người dân, ai có khó khăn gì về kiến thức pháp luật chị đều sẵn lòng tư vấn, tất cả đều miễn phí.
Có những vụ người dân thắng kiện, lấy lại được tài sản, họ mừng quá gọi điện cảm ơn chị rối rít. Hôm sau, họ đến tìm chị gửi "quà" cảm ơn. Chị cương quyết không nhận, nhưng người dân nói: "Chị xem đây là tấm lòng của gia đình, bây giờ lấy lại được tài sản cũng muốn chia sẻ niềm vui". Cuối cùng, chị chuyển toàn bộ số tiền đó thành gạo chia cho hai giáo xứ trên địa bàn nấu cơm phát cho người nghèo vào thứ hai, thứ tư hàng tuần.
Học tiếng Anh là đam mê với chị, nhưng cũng rất cần thiết cho công việc. Hễ có thời gian rảnh là chị lấy băng đĩa ra nghe, lấy sách ra dịch. Sở hữu vốn ngoại ngữ khá, Trung tá Lê Thị Lợi đã giải quyết được rất nhiều việc liên quan đến người nước ngoài. Còn nhớ cách nay không lâu, có người nước ngoài bị va quẹt xe gần trụ sở Công an phường Tân Mai, ông ta cứ gào lên giải thích mà không ai hiểu.
Thấy vậy, Trung tá Lợi đứng ra vừa xử lý tai nạn giao thông vừa thông dịch để hai bên hiểu nhau. Ông "Tây" rất hài lòng với cách phân giải của cán bộ công an. Trước khi đi, ông nói với chị: "Tôi rất vui vì gặp được một nữ Công an Việt Nam như chị, xử lý công việc nhanh chóng, hợp tình".
Chồng Trung tá Lợi làm cùng ngành và đã nghỉ hưu. Con cái đều đã trưởng thành nên chị không phải bận tâm việc gia đình. Mỗi tuần, chị dành ra 3 buổi tối ở nhà với chồng con, nhưng khi đơn vị có việc gấp, chị lại tức tốc lên đường.
Mải miết với công việc, cống hiến hết mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân, nhiều năm liền Trung tá Lê Thị Lợi đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở, được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Bằng khen của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Nguồn cand.com.vn